Song, điểm chung của họ là xây dựng kế hoạch học tập rõ ràng và biết cân bằng thời gian giữa học tập và nghỉ ngơi.
Học và ôn thi theo chiến lược
Lê Hoàng Dung - sinh viên năm nhất, ngành Sư phạm Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đạt 29 điểm, tổ hợp khối A00 (Toán 10 điểm, Vật lý 9,5 điểm, Hoá học 9,5 điểm) trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Với kết quả này, Dung trở thành thủ khoa khối A00 của tỉnh Ninh Bình và là thí sinh duy nhất đạt điểm 10 Toán tại hội đồng thi tỉnh này.
Để đạt thành tích gần tuyệt đối, Hoàng Dung cho biết, em đã xây dựng kế hoạch học tập cụ thể ngay từ khi vào THPT và đặc biệt dành sự ưu tiên là năm lớp 12. Theo đó, buổi sáng em sẽ học lý thuyết trên lớp, chiều và buổi tối làm các bài thực hành với phần lý thuyết đã học trước đó để làm sao nhớ và hiểu bản chất vấn đề. Cách học tưởng chừng đơn giản nhưng lại giúp nữ sinh nắm vững lý thuyết, học đến đâu, chắc đến đó.
Bước sang học kỳ II, Hoàng Dung bắt đầu luyện đề. Quá trình luyện đề, em ưu tiên làm chắc những câu hỏi ở kiến cơ bản để tránh những lỗi sai không đáng có dần dần tăng mức độ khó lên để nâng cao kiến thức. Bí kíp của Hoàng Dung ở giai đoạn này là bấm thời gian trong quá trình luyện đề. Nhờ vậy, em có thể kiểm soát được thời gian làm bài, học cách phân bố thời gian phù hợp cũng như làm quen với cảm giác áp lực, căng thẳng trước khi chính thức bước vào kỳ thi quan trọng.
Từ kinh nghiệm của bản thân, Hoàng Dung khuyên các sĩ tử luyện tập thật nhiều lần để tăng kỹ năng làm bài. “Điều này giúp các bạn tự tin, linh hoạt khi gặp phải các yêu cầu thay đổi trong đề thi. Bên cạnh đó, câu khó hay dễ đều có thang điểm bằng nhau. Do đó, thí sinh cẩn thận, chắt chiu từng câu một không để mất điểm ở các câu dễ. Với câu nào khó quá, mất nhiều thời gian hãy đánh dấu lại để làm xong các câu khác rồi hãy quay lại làm sau”, Dung gợi ý.
Thời điểm này ngoài ôn tập, các sĩ tử còn tham gia các kỳ thi thử để cọ xát, đánh giá năng lực của mình để có cơ sở cho những định hướng tương lai. Hoàng Dung chia sẻ cảm nhận: Trong thực tế, nhiều bạn làm bài ở các lần thi thử sẽ chưa đạt được số điểm như mình kỳ vọng nên dễ hoang mang, nản chí,... Nếu không khắc phục được trạng thái tâm lý này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình ôn thi.
“Hãy cố gắng cân bằng tâm lý, xem xét để đánh giá lại mình đang yếu hay hổng chỗ nào để gia cố lại kiến thức. Giai đoạn cuối gần đến kỳ thi là thời gian “vàng” để bứt phá về đích, bạn nên tập trung tận dụng nó một cách tối đa”, Dung lưu ý.
Ở giai đoạn ôn thi nước rút, nữ thủ khoa cho rằng, việc duy trì được phong độ học tập ổn đình cũng như tinh thần thoải mái là vô cùng quan trọng. Để làm được điều này, ngoài thời gian học ở trường, mỗi ngày em dành cho bản thân 1 đến 2 tiếng để chơi Taekwondo, vừa rèn luyện sức khoẻ vừa giúp bản thân giảm căng thẳng trong quá trình ôn luyện. Buổi tối, em học từ 8 giờ đến 11 giờ và thức dậy từ 5 giờ sáng để học lý thuyết.
Hoàng Dung khuyên các sĩ tử, không nên thức quá khuya để học bài bởi khoảng thời gian đó là lúc cơ thể đã mệt cần nghỉ ngơi, đồng nghĩa lượng kiến thức nạp vào sẽ tiếp nhận kém hơn các thời điểm khác. Thay vào đó hãy cố gắng dậy sớm tập luyện thể thao một chút, ăn sáng rồi ngồi vào học, lúc này học sẽ rất năng suất, thời gian trong ngày cũng nhiều hơn.
Lê Hoàng Dung - sinh viên năm nhất, ngành Sư phạm Toán, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC |
Nắm chắc kiến thức cơ bản
Phạm Ngọc Anh, sinh viên năm nhất, ngành Thương mại điện tử, Trường Đại học Thương mại, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tổ hợp D01 em đạt 27,45 điểm (Toán 8,6 điểm; Ngữ Văn 9,25 điểm; Tiếng Anh 9,6 điểm). Với điểm số này, Ngọc Anh là thủ khoa khối D01 của Trường THPT Kỳ Anh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) năm 2023.
Được biết trong số các môn học, Ngọc Anh tự tin nhất với môn Ngoại ngữ và đây cũng là môn thi mà nữ sinh đạt điểm cao nhất trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Khi được hỏi kinh nghiệm học tốt ngoại ngữ, Ngọc Anh cười và nói rằng, bí kíp của em là chăm chỉ luyện từ vựng, tích cực giao tiếp bằng tiếng Anh,…
Ở bậc THPT, Ngọc Anh là thí sinh được lựa chọn tham gia đội tuyển học sinh giỏi nên việc học tập của em thuận tiện hơn rất nhiều. Với những kiến thức nền đã tích lũy được, cộng thêm việc chăm chỉ làm đề, kỹ năng của em được nâng lên đáng kể.
Sự chăm chỉ cũng là từ khoá giúp Ngọc Anh ôn luyện 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển. Cụ thể, với môn Ngữ văn, sau khi ôn kỹ kiến thức cơ bản, em dành thời gian luyện đề, sau đó nhờ cô giáo sửa, nhận xét từng bài để sửa chữa, bổ sung và rút ra kinh nghiệm cho những lần sau. Còn về môn Toán, nữ sinh chọn cách học đến đâu chắc kiến thức đến đấy, khi gặp những trường hợp dễ bị sai em sẽ ghi chép vào sổ để nhớ và nhắc nhở bản thân không được lặp lại.
Nhớ lại thời gian ôn thi, Ngọc Anh bộc bạch, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, em đã gặp phải không ít khó khăn, áp lực về điểm số và đã có khoảng thời gian, em rơi vào trạng thái học cực đoan khi điểm số của bản thân bị chững lại.
“Ở giai đoạn nước rút, rơi vào tâm trạng lo lắng, áp lực là điều không thể tránh khỏi ở mỗi sĩ tử. Do đó, các bạn nên học cách bình tĩnh, cân bằng mọi việc, nắm chắc kiến thức trên lớp và luyện đề nhiều hơn để nâng cao trình độ của mình. Đồng thời, mỗi lần luyện đề gặp vướng mắc, bạn cần kiên trì, cố gắng nhờ người giải đáp, tìm cách cải thiện để học tốt hơn”, Ngọc Anh chia sẻ thêm.
“Nhớ lại quãng thời gian ôn thi tốt nghiệp THPT, em cảm thấy rất may mắn vì luôn có gia đình đồng hành, quan tâm hỗ trợ, không đè nặng vấn đề điểm số hay phải vào trường nào. Bố mẹ cho em tự lựa chọn ngành học và trường đại học em thích. Họ cũng là những người đưa ra lời khuyên, định hướng để tinh thần em vững vàng và giảm áp lực thi cử”, Lê Hoàng Dung chia sẻ.