Hai nữ thủ khoa bày cách hiệu quả ôn thi tốt nghiệp THPT

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thay vì lo lắng, tạo áp lực cho bản thân, nhiều thủ khoa đầu vào các trường đại học đã xây dựng kế hoạch học cụ thể nhằm đạt được kết quả cao.

Hoàng Thị Thu Huyền, sinh viên năm nhất ngành Luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh NVCC
Hoàng Thị Thu Huyền, sinh viên năm nhất ngành Luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh NVCC

Nắm vững kiến thức trên lớp

Hoàng Thị Thu Huyền, sinh viên năm nhất ngành Luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt 27,75 điểm với tổ hợp D01 (trong đó môn Toán 8.2 điểm; môn Ngữ văn 9.75 và môn tiếng Anh 9.8 điểm). Với thành tích này, Thu Huyền là thủ khoa đầu vào khối D01 của Trường ĐH Luật Hà Nội.

Để có thành tích trên, Huyền cho biết trong quá trình học phổ thông đã xây dựng chiến thuật học tập và mục tiêu cụ thể cho từng năm. Đặc biệt lớp 12, cố gắng học đến đâu chắc đến đó để quá trình ôn thi nước rút có thời gian tập trung luyện đề.

Thu Huyền nói: “Đối với môn Toán, em nắm vững các công thức, lý thuyết từ khi ở trên lớp. Song song với đó, em cũng tập trung luyện nhiều đề. Những câu nào khó, em sẽ ghi lại vào vở sau đó nhờ cô giáo hoặc bạn bè hướng dẫn. Các môn khác cũng tương tự như vậy”.

Ngoài học tập ở trên lớp, Huyền còn tham gia các khóa học online để nâng cao kiến thức và kĩ năng của bản thân hơn.

Từ những trải nghiệm thực tế của bản thân, nữ thủ khoa cho rằng muốn đạt kết quả tốt cần có mục tiêu cụ thể, quá trình học cần xây dựng chiến thuật để học đều các môn mình sẽ xét tuyển đại học, cao đẳng. Nếu học lệch, điểm của bạn sẽ không được như ý.

Bên cạnh đó, thí sinh cần phân bố thời gian hợp lý cho các môn học để ôn thi hiệu quả. Những môn nào yếu thì cần đầu tư thời gian, công sức nhiều hơn để cân bằng.

“Một trong những hành trang trong quá trình ôn luyện mà thí sinh cần đó chính là sự động viên của gia đình, tin tưởng của các thầy cô giáo. Bởi ôn thi giai đoạn nước rút rất cần sự động viên tinh thần từ gia đình, thầy cô là động lực để thí sinh vượt qua những khó khăn đó.

Mong rằng, sự chuẩn bị cẩn thận, chu đáo cùng quá trình ôn luyện miệt mài sẽ giúp sĩ tử 2k6 đạt được kết quả cao. Các bạn hãy nhớ, kỳ thi tốt nghiệp THPT là dấu mốc đáng nhớ của cuộc đời, thay vì chinh phục nó bằng áp lực, lo lắng hay tạo tâm thế thoải mái để chinh phục”, Huyền chia sẻ thêm.

Trần Thị Thảo (cựu học sinh, Trường THPT Hàm Nghi, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), thủ khoa khối C00 toàn tỉnh Hà Tĩnh với tổng số điểm 29.25 điểm. Ảnh NVCC.

Trần Thị Thảo (cựu học sinh, Trường THPT Hàm Nghi, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), thủ khoa khối C00 toàn tỉnh Hà Tĩnh với tổng số điểm 29.25 điểm. Ảnh NVCC.

Cân bằng tâm lý, tinh thần ổn định

Trần Thị Thảo (cựu học sinh, Trường THPT Hàm Nghi, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), thủ khoa khối C00 toàn tỉnh Hà Tĩnh với tổng số điểm 29.25 điểm (trong đó môn Ngữ văn 9.5 điểm, Lịch sử 10 điểm, Địa lý 9.75 điểm). Thảo là sinh viên Trường ĐH Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nhớ lại quá trình ôn luyện của mình để chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Thảo cho biết bí kíp giúp em học hiệu quả là vững vàng tâm lý, không tạo áp lực quá nhiều lên bản thân. Em thử nhiều phương pháp học để chọn ra cho mình một phương pháp hiệu quả.

Những tháng cuối trong quá trình ôn thi, Thảo cố gắng giữ sức khoẻ tốt, Mỗi tối sẽ học đến 23 giờ và thức dậy vào lúc 4 giờ sáng. Thảo nói: “Trước mỗi kỳ thi, duy trì sức khoẻ tốt là điều rất quan trọng để ôn tập hiệu quả. Bên cạnh đó, buổi sáng sớm sau giấc ngủ dài đầu óc sẽ thoải mái, năng lượng cũng tốt hơn đặc biệt lúc này học rất yên tĩnh nên học sẽ hiệu quả hơn”.

“Vì là giai đoạn ôn thi nước rút nên em tập trung luyện đề để vững vàng kiến thức, không ép bản thân học nhiều quá. Để cân bằng giữa việc học và sức khỏe, em thường giải trí bằng cách nghe nhạc, nghe bình phẩm các tác phẩm văn học để tâm lý thoải mái hơn”, Thảo tâm sự và nói thêm với tổ hợp C00, lượng kiến thức lý thuyết rất nhiều đòi hỏi thí sinh phải có phương pháp học khác nhau để hiệu quả. Do đó, em thường sử dụng phương pháp sơ đồ tư duy hay những phần kiến thức quan trọng, khó nhớ em sẽ ghi ra sổ để đọc đi đọc lại, làm các bài tập để nhớ.

“Mỗi giai đoạn em sẽ đặt ra cho bản thân một mục tiêu cho các môn học nhằm có động lực để cố gắng. Mỗi khi gặp phải áp lực, em thường dành thời gian đi dạo hoặc làm điều mình thích để giải toả, không ép bản thân phải học lúc đó”, Thảo nói.

Với kinh nghiệm nhiều năm ôn luyện cho học sinh lớp 12, thầy Nguyễn Quốc Tuấn, giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Hàm Nghi (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) điều quan trọng nhất trong quá trình ôn thi là học sinh phải duy trì được phong độ của mình, nắm vững các kiến thức cơ bản của môn học. Đặc biệt, thí sinh phải cân bằng được cảm xúc.

“Đối với học trò, tôi luôn căn dặn các em phải giữ một tinh thần ổn định, không tạo áp lực cho mình để làm được tốt hơn. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên trao đổi với gia đình của học sinh để họ hiểu những áp lực mà các em đang phải đối mặt trong quá trình ôn thi cuối cấp để gia đình điều kiện thuận cho các em ôn thi”, thầy Tuấn chia sẻ thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.