Đây là xu hướng được nhiều trường hướng đến, nhưng muốn thành hiện thực, cần quá trình cải thiện lâu dài.
Hàng nghìn sinh viên quốc tế
Nhập học vào Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) khá muộn song Vilayphon Phetmany (quốc tịch Lào) học vượt tiến độ, hoàn thành chương trình đại học trong 3 năm với điểm số 3.29/4. Vilayphon Phetmany tốt nghiệp loại giỏi ngành Kinh doanh quốc tế, trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu tại lễ trao bằng tốt nghiệp hồi cuối tháng 8 vừa qua tại UEF.
Là sinh viên quốc tế, hành trình học tập của Vilayphon Phetmany có nhiều trở ngại nhưng nam sinh luôn nỗ lực vượt qua. “Em thấy mình tích lũy nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, phân tích, đặc biệt là ngoại ngữ. Chương trình học bằng tiếng Việt và tiếng Anh, do đó em phải nỗ lực hơn để học được 2 ngôn ngữ cùng lúc”, sinh viên người Lào chia sẻ cảm xúc trong ngày tốt nghiệp.
Vilayphon Phetmany không phải là trường hợp hiếm hoi trong số sinh viên quốc tế du học tại Việt Nam. TS Đỗ Hữu Nguyên Lộc, Phó Hiệu trưởng UEF, cho biết, năm học này, nhà trường đón gần 40 sinh viên Lào, Campuchia, Cuba nhập học ở các ngành thuộc khối Kinh tế, Quan hệ quốc tế, Truyền thông.
Trong số này, phần lớn học theo diện học bổng, còn lại là tự túc học phí. “Số lượng tuy không nhiều nhưng có xu hướng tăng dần qua các năm. Nhóm này đã góp phần tăng cường chất quốc tế cho nhà trường, giúp giao lưu văn hóa, giáo dục giữa Việt Nam và các nước”, TS Đỗ Hữu Nguyên Lộc đánh giá.
Giữa tháng 9 vừa qua, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tiếp nhận 44 tân sinh viên Lào và Campuchia đăng ký theo học các ngành thuộc khối sức khỏe gồm Y khoa, Dược học.
Theo thống kê của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, từ năm 2015 đến nay, đơn vị tiếp nhận, đào tạo hơn 200 sinh viên, học viên Lào, Campuchia ở bậc đại học và cao học. Sinh viên của 2 nước theo học nhiều ở các ngành Y khoa, Dược học, Điều dưỡng, Du lịch, Quản trị kinh doanh, Tài chính - ngân hàng, Công nghệ thông tin.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về việc thu hút sinh viên và học viên quốc tế. Trung bình mỗi năm, trường đón khoảng 300 học viên cao học, nghiên cứu sinh, sinh viên đến từ 75 quốc gia và vùng lãnh thổ đến học tập. Chỉ tính riêng ngành Việt Nam học, trường đã dành 30 chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2023 cho người nước ngoài.
Sinh viên quốc tế du học tại Việt Nam phần lớn đến từ Lào và Campuchia. Con số thống kê của Thành đoàn TPHCM đầu năm 2023 cho thấy, thành phố có hơn 1 nghìn sinh viên đến từ hai nước trên học tập tại các học viện, trường đại học. Trong đó, lĩnh vực thu hút đông đảo sinh viên là ngành Khoa học sức khỏe.
Trong khối Đại học Quốc gia TPHCM, một số trường thành viên như Đại học Bách khoa, Đại học Quốc tế… cũng đón hàng trăm sinh viên đến từ nhiều nước trên thế giới đến du học. Trong 5 năm (từ 2018 - 2022), 236 sinh viên quốc tế đã nhập học tại Trường Đại học Bách khoa. Số lượng sinh viên sang theo diện trao đổi khoảng 300 người.
Tại các Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Y Dược TPHCM, mỗi năm có hàng trăm sinh viên Lào, Campuchia theo học. Phần lớn trong số họ học ngành Y khoa, số còn lại học ngành Dược học, Răng - Hàm - Mặt, Kỹ thuật xét nghiệm y học và Y tế công cộng.
Không chỉ TPHCM, ở tỉnh, thành khác, các trường đại học đã đón nhiều sinh viên quốc tế du học. Chẳng hạn, trong năm nay, Trường Đại học Trà Vinh tuyển sinh khoảng 100 sinh viên Campuchia. Những ngành mà sinh viên theo học nhiều nhất là Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Kỹ thuật công nghệ, Kinh tế, Luật, Nông nghiệp. Nhà trường tiếp tục mở rộng tuyển sinh tại Lào.
Tại Trường Đại học Đồng Tháp, con số này khiêm tốn hơn với 5 sinh viên đến từ Lào, chủ yếu theo diện tài trợ học bổng. “Nhà trường đang làm việc với các địa phương tại Lào để mở rộng nguồn tuyển”, ThS Phạm Văn Hiệp, Trưởng phòng Công tác sinh viên và Truyền thông nhà trường chia sẻ.
Ảnh minh họa. |
Chất lượng đào tạo phải mang tầm quốc tế
TS Đỗ Hữu Nguyên Lộc, Phó Hiệu trưởng UEF, cho rằng, thu hút sinh viên quốc tế là xu hướng chung của các trường trong tương lai xa. Bởi điều này tạo ra môi trường học tập đa dạng, “tăng điểm” khi kiểm định chất lượng quốc tế. Đây cũng có thể là một hướng tuyển sinh quan trọng cho các trường, góp phần mang lại doanh thu.
“Tuy nhiên, trong tương lai gần, tôi nghĩ việc thu hút sinh viên quốc tế sẽ có quy mô khiêm tốn”, TS Đỗ Hữu Nguyên Lộc nói và chỉ ra 4 yếu tố chính tạo ra sức bật, giúp các trường đại học Việt Nam có thể cạnh tranh với cơ sở khác trong khu vực: Chất lượng đào tạo; Kiểm định chất lượng; Giảng viên giỏi; Môi trường học tập. “Những yếu tố này chúng ta chưa nổi bật so với các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến trong khu vực. Do đó, chúng ta cần nỗ lực dài hơi để cải thiện”, ông Lộc đánh giá.
TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM), đồng quan điểm trên khi cho rằng, trường đại học Việt Nam cần cải thiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và chất lượng phục vụ mới có thể cạnh tranh, thu hút người học ở nước ngoài. Tuy nhiên, ông khẳng định, việc thu hút sinh viên quốc tế là xu hướng, mục tiêu lâu dài mà mỗi đơn vị cần hướng đến, xây dựng kế hoạch.
Một số lãnh đạo trường đại học khác cho rằng, muốn thu hút sinh viên quốc tế, cần quốc tế hóa chương trình giảng dạy. Theo đó, việc giảng dạy, thi cử phải thay đổi đồng bộ. Chứng chỉ, học phần ở các trường đại học được nâng cấp, công nhận rộng rãi.
Tại kỳ họp chuyên đề của Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn tại TPHCM ngày 16/9, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đề nghị các trường đại học đẩy mạnh việc thu hút sinh viên quốc tế. Điều này cũng phục vụ cho Đề án xây dựng TPHCM trở thành trung tâm quốc tế về giáo dục.
Ngoài tuyển sinh, đào tạo, có thể giữ một phần sinh viên quốc tế ở lại, phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam. Muốn thu hút sinh viên quốc tế, có 2 điều kiện tối thiểu: Đào tạo bằng ngôn ngữ của họ và chương trình được công nhận. Các trường cần khẳng định được sở trường, tự tin giới thiệu với sinh viên nước ngoài.