Đổi mới, sáng tạo trong trường đại học cần đột phá

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là hoạt động mang tầm vóc quốc gia được Chính phủ thúc đẩy và triển khai mạnh mẽ từ năm 2016.

Cuộc thi Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2022 do Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức.
Cuộc thi Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2022 do Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức.

Trong đó, các trường đại học là nhân tố quan trọng trong hệ sinh thái này. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để hoạt động này hiệu quả vẫn cần điểm nhấn mang tính đột phá từ các trường.

Chuyển biến tích cực

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) – ISEV được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 đánh dấu động thái cụ thể của Chính phủ để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Sau 6 năm triển khai, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có bước chuyển mình đáng kể. Thống kê mới nhất bảng xếp hạng hệ sinh thái startup các quốc gia năm 2022 do Trung tâm Nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu - StartupBlink công bố, Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm ngoái. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5, sau Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Theo TS Phan Quang Tuấn - Giám đốc Văn phòng đại diện Đại học Hong Kong tại Việt Nam, các trường đại học luôn giữ vai trò then chốt trong đổi mới sáng tạo ở các nước phát triển bởi sở hữu nguồn lực con người lẫn trang thiết bị. Tuy nhiên, từ góc nhìn cá nhân, TS Phan Quang Tuấn cho rằng dường như các trường đại học chưa thật sự có nhiều dự án đóng góp giá trị trong thực tiễn, cũng như chưa thể là nơi mà các doanh nghiệp bất cứ khi nào có nhu cầu đổi mới sáng tạo đều có thể tìm đến.

“Các trường đại học cần có sự tham gia, chia sẻ tích cực hơn nữa trong hoạt động đổi mới sáng tạo, ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cộng đồng khởi nghiệp, từng bước gắn kết các hoạt động nghiên cứu với thực tiễn để phát triển bền vững. Quan trọng hơn, các hoạt động đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong nhà trường cần tránh lối mòn trong tư duy và quản lý khoa học… Có như vậy mới tạo ra được những hệ sinh thái, điểm nhấn sáng tạo thu hút sinh viên và giảng viên dấn thân vào hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp từ ý tưởng của mình”, ông Tuấn nói.

Ảnh minh họa/ INT.

Ảnh minh họa/ INT.

Các trường đại học cần thay đổi

Thành lập Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ từ rất sớm (2010), Trường ĐH Bách khoa – ĐHQG TPHCM là minh chứng rõ nét tầm quan trọng của hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy và chuyển giao các hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên, giảng viên ra ngoài nhà trường. Đây cũng là cơ hội phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo nhằm hỗ trợ công tác ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ (start-ups, spin-off) gắn với trường đại học và từ cộng đồng khởi nghiệp.

“Ngoài hoạt động ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, Trung tâm còn đào tạo cho hàng ngàn giảng viên, sinh viên, học viên về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đào tạo học viên cho doanh nghiệp khởi nghiệp, công ty nhỏ và vừa về khởi nghiệp tinh gọn… Tuy các hoạt động trên đã phát triển nguồn lực chất lượng rất lớn phục vụ cho hệ sinh thái khởi nghiệp của TPHCM, nhưng phải nhìn nhận những điểm nhấn mang tính đột phá, “bùng nổ” của hoạt động đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp chung là chưa nhiều”, PGS.TS Phạm Đình Anh Khôi cho hay.

PGS.TS Phạm Đình Anh Khôi – Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ cho biết, kể từ năm 2012 đến nay, Trung tâm đã ươm tạo được 61 doanh nghiệp khởi nghiệp; 14 doanh nghiệp nhận được vốn đầu tư. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức, tham dự cuộc thi nhằm tạo điều kiện cho tất cả đơn vị trong trường cùng đóng góp vào sự phát triển của hoạt động đổi mới sáng tạo. Trọng tâm của các hoạt động này là giảng viên, sinh viên.

Theo TS Huỳnh Anh Bình, chuyên gia hướng nghiệp, khởi nghiệp, để các trường đại học tạo được dấu ấn, điểm nhấn riêng cho mình trong hoạt động đổi mới, sáng tạo, ban giám hiệu từng đơn vị phải đảm bảo được 3 nguyên tắc: Có cơ chế tài chính khuyến khích, hỗ trợ sinh viên, giảng viên hoạt động đổi mới và khởi nghiệp;

Các hoạt động NCKH, chuyển giao cần được đẩy mạnh hơn thông qua việc thí điểm thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp trong trường (Bộ, Chính phủ cho thí điểm) nhằm tạo điều kiện cho các trường thương mại hóa, chuyển giao hoạt động NCKH của đội ngũ giảng viên… qua đó khơi dậy và thúc đầy tinh thần đổi mới, sáng tạo nhiều hơn;

Các trường cần nghiên cứu cơ chế làm, giao khoán cho nhà khoa học đề tài, đặt hàng để thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động nghiên cứu, khai thác hết mọi tiềm năng và năng lực NCKH của đội ngũ giảng viên, sinh viên.

Hiện hầu hết cơ sở đào tạo đại học đều có kế hoạch hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, tuy nhiên số trường có phong trào đổi mới, sáng tạo sôi nổi như Trường Đại học Bách khoa –ĐHQG TPHCM không nhiều. Trong khi đó, số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng do đại đa số dự án doanh nghiệp khởi nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực, thiếu nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu nghiên cứu các công nghệ lõi…

Chia sẻ thông tin, ông Huỳnh Thanh Vạn, Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia đồng thời nhìn nhận: Cái các trường đại học đang có (trung tâm khởi nghiệp) nhìn trên bình diện tổng thể đều na ná và tương đồng với nhau. Dấu ấn về đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp của sinh viên, giảng viên rất rõ ràng. Tuy nhiên, cảm giác chung về hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta vẫn đang thiếu tính đột phá và dấu ấn riêng.

“Thực tế, phần lớn các trường đại học chủ yếu chú trọng vào hoạt động giáo dục đào tạo. Một số ít bắt đầu thấy tầm quan trọng của nghiên cứu và số rất ít nghĩ tới đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp một cách nghiêm túc trong chiến lược phát triển của trường. Chính vì vậy, việc đầu tư cho đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp tại các trường mới dừng ở mức độ phong trào chứ chưa bài bản thực chất và dài hơi”, ông Vạn chia sẻ.

“Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học xuất sắc, các lĩnh vực công nghệ tiên tiến liên ngành phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cộng đồng; phát huy vai trò phản biện xã hội, tư vấn chính sách, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo trong toàn đơn vị cần phải thực hiện thường xuyên và xem là điểm nhấn khác biệt của từng trường. Bởi thực tế, các hoạt động đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, chưa tạo sức bật đột phá”. - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.