Thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia phòng chống ma túy

GD&TĐ - Ngày 22/6 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học và hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Bộ GD&ĐT
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Bộ GD&ĐT

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì Hội nghị. Tham gia hội nghị tại điểm cầu Bộ GD&ĐT có các đại biểu đại diện các Bộ, ngành thành viên Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm; các đơn vị phối hợp thực hiện nhiệm vụ với Bộ GD&ĐT.

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết: Tệ nạn ma túy hiện đang là vấn đề phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt đời sống - xã hội và để lại hậu quả nặng nề về kinh tế, sức khỏe công cộng, trật tự, an toàn xã hội và đe dọa an ninh quốc gia.

Tính đến cuối năm 2020, theo thống kê của Bộ Công an - Cơ quan thường trực về phòng chống ma túy của Ủy ban Quốc gia, nước ta có 235.012 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, số người nghiện và nghi nghiện ở nước ta còn cao hơn.

Điều đáng nói là thành phần người nghiện rất đa dạng và đang trong độ tuổi rất trẻ. Trong đó, có cả người nghiện là học sinh, sinh viên. Ma túy đã và đang hủy hoại tương lai của nhiều thanh thiếu niên, lấy đi cơ hội giúp họ trở thành công dân có ích cho đất nước và đang đe dọa cuộc sống bình yên của hàng triệu người khác.

Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) Bùi Văn Linh trình bày báo cáo tại hội nghị
Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) Bùi Văn Linh trình bày báo cáo tại hội nghị

Trong bối cảnh tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy đang diễn biến phức tạp với nhiều yếu tố khó lường, đặc biệt là ngày càng xuất hiện nhiều loại chất hướng thần mới rất nguy hiểm, công tác phòng, chống ma túy nói chung, việc bảo vệ thế hệ trẻ trước sự tấn công của tệ nạn ma túy là nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TƯ ngày 16-8-2019 của Bộ Chính trị về việc tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, Bộ sẽ khảo sát, đánh giá thực trạng về công tác phòng, chống ma túy trong trường học; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội cho thanh, thiếu niên, cán bộ đoàn, đội của các nhà trường… 

Một trong những điểm mới đáng chú ý trong công tác phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội trong trường học năm 2021 là học sinh được tiếp cận bộ tài liệu Kỹ năng phòng, chống ma túy. Tài liệu gồm 4 cuốn, dành cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo viên và phụ huynh. Đây là lần đầu tiên, học sinh trên cả nước có một bộ tài liệu mang tính chuyên sâu, giúp các em không chỉ nhận thức rõ tác hại của ma túy mà còn được hướng dẫn chi tiết về kỹ năng phòng ngừa các nguy cơ, tình huống không an toàn. 

Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp với một số địa phương tổ chức thí điểm xét nghiệm chất ma túy cho học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; triển khai dự án “Cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” từ nay tới năm 2025 và kế hoạch can thiệp phòng ngừa nghiện ma túy cho học sinh, sinh viên… 

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Bộ GD&ĐT
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Bộ GD&ĐT

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận chỉ ra thực trạng của tệ nạn ma túy, thấy được thông điệp mà Dự án "Chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy" đặt ra, chỉ ra những thách thức, nguy hại của các loại ma túy đối với HSSV, từ đó hiến kế những giải pháp để triển khai 5 nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ giao cho Bộ GD&ĐT.

Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, thành phố Hà Nội luôn coi trọng nội dung giáo dục phòng, chống tội phạm nói chung và tệ nạn ma túy nói riêng. Ông Nguyễn Quang Tuấn- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội  cho biết, toàn ngành tập trung thực hiện 5 nhóm giải pháp cơ bản, bảo đảm thống nhất từ công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp với các lực lượng đến việc triển khai tại từng nhà trường.

Hằng năm, các nhà trường phối hợp với trung tâm y tế tổ chức khám sức khỏe, đồng thời sàng lọc các trường hợp nghi vấn có sử dụng ma túy; xét nghiệm sử dụng ma túy ngẫu nhiên và xét nghiệm đột xuất khi cần thiết. Việc lập hòm thư tố giác, đường dây nóng để tiếp nhận thông tin liên quan đến việc tàng trữ, mua bán, sử dụng ma túy trong và ngoài nhà trường được duy trì đồng thời với việc tăng cường phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội trong công tác quản lý, giáo dục học sinh. 

Với góc độ là sinh viên, em Trần Anh Dũng, sinh viên năm thứ tư lớp Kỹ thuật điều khiển tự động hóa, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, hiện vẫn còn không ít sinh viên chưa hiểu rõ và đầy đủ nguy hại của ma túy nên dễ bị lôi kéo. Để phòng, tránh thủ đoạn của các đối tượng xấu, sinh viên cần hạn chế đến các địa điểm không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi như quán bar, vũ trường, quán karaoke…; không tiếp xúc với các đối tượng có biểu hiện nghiện ngập, thường xuyên có thói ăn chơi, đua đòi…

Từ kinh nghiệm triển khai các giải pháp phòng chống ma túy, tại các trường học thời gian vừa qua, các đại biểu đã phát biểu làm rõ hơn tầm quan trọng của công tác tuyên truyền và nhiệm vụ tập huấn để nâng cao kiến thức, kĩ năng phòng chống HIV AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học, giúp HSSV nhận diện đầy đủ các chiêu trò lôi kéo, giúp các em có đủ sức đề kháng đối phó, tránh xa những tệ nạn nguy hiểm này.

Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận và làm rõ các giải pháp thực tế nhằm triển khai hiệu quả 5 nhiệm vụ trọng tâm về phòng chống tệ nạn HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học đã được Chính phủ giao cho ngành GD-ĐT.

Với suy nghĩ và cách làm mới phù hợp với định hướng can thiệp phòng ngừa sử dụng ma túy của Liên Hợp Quốc và các nước tiên tiến trên thế giới được các đại biểu đưa ra trong hội thảo chính là các giải pháp hữu hiệu giúp tổ chức thực hiện thành công trên mặt trận phòng chống ma túy.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cảm ơn các đại biểu tại các điểm cầu với các ý kiến tham luận đã được đầu tư công phu, nghiêm túc. Các nội dung chuẩn bị của các chuyên gia, các thầy cô giáo đã thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với thế hệ trẻ. Các ý kiến của các em HSSV đã có cách tiếp cận theo góc độ tốt.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Ngô Thị Minh bày tỏ tin tưởng vào kết quả tốt đẹp của hội nghị, đồng thời đề nghị các cơ sở giáo dục căn cứ vào diễn biến của dịch Covid-19 lựa chọn tổ chức các mô hình tuyên truyền giáo dục cho HSSV sao cho phù hợp để hưởng ứng tháng hành động phòng chống ma túy 2021 với chủ đề “Vì sức khỏe của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà - Hãy tránh xa ma túy”.

Đề nghị các Sở GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) chủ động tham mưu với chính quyền địa phương triển khai hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ đã có kế hoạch chi tiết về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học.

Tổ chức khảo sát để có những đánh giá đúng thực trạng về công tác phòng chống ma túy trong trường học; tổ chức các chương trình tuyên truyền tập huấn công tác phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm cho HSSV, các cán bộ đoàn đội; xã hội hóa các chương trình tuyên truyền giáo dục để nâng cao kiến thức kĩ năng phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học; triển khai bộ tài liệu kĩ năng phòng chống ma túy, tổ chức tập huấn cho GV, CMHS, HS.

Phát huy tính chủ động sáng tạo của cán bộ quản lí của các thầy cô trong việc lồng ghép, tích hợp nội dung GD về phòng chống ma túy tệ nạn xã hội vào các nội dung học chính khóa và các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa của nhà trường đảm bảo phù hợp hiệu quả với tất cả HSSV.

Ngành GD-ĐT các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành đoàn thể, tạo mối gắn kết giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho HSSV, điều tra xử lí kịp thời nghiêm minh các vụ việc vi phạm pháp luật về phòng chống ma túy tệ nạn xã hội liên quan đến HSSV.

Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn đội hội trong trường học để tổ chức các hoạt động lồng ghép các nội dung phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, các diễn đàn, tọa đàm sao cho thu hút được đông đảo HSSV tham gia tích cực nhất.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.