Thu hứng - đau đáu nỗi niềm cố hương

GD&TĐ - Quê hương luôn là tình cảm thiêng liêng trong trái tim mỗi con người, nhất là với những người xa xứ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Và một cách tự nhiên nhất, tình cảm ấy đi vào thơ ca như một nguồn cảm hứng vô tận, trở thành đề tài quen thuộc, phổ biến trong văn học qua mọi thời đại. Đến với Thơ Đường, đỉnh cao của thi ca cổ điển Trung Quốc, tinh hoa văn hóa của nhân loại, độc giả không khỏi xúc động với những nỗi niềm khắc khoải, da diết về chốn xưa, quê cũ của những gương mặt thơ nổi tiếng.

Đó là một cố hương xa ngút ngàn trong kí ức bỗng ùa về khi ánh trăng rọi đầu giường của người lữ khách trong Tĩnh dạ tứ (Lí Bạch), là nỗi nhớ thương quê nhà chốn xa xăm, mờ mịt trước khói sóng chiều buông (Hoàng Hạc Lâu, Thôi Hiệu), là cảm xúc hụt hẫng, nghẹn ngào khi trở thành “khách lạ” trên chính mảnh đất quê mình sau những tháng năm biền biệt (Hồi hương ngẫu thư, Hạ Tri Chương). Thế nhưng, có lẽ hình ảnh người lữ thứ đau đáu với cố viên tâm giữa chiều thu đất khách trong bài thơ Thu hứng của Đỗ Phủ để lại cho người đọc nhiều day dứt, ám ảnh hơn cả.

Đỗ Phủ (712 - 770) được xem là một trong hai biểu tượng thơ ca vĩ đại của lịch sử thời kỳ nhà Đường nói riêng và nền văn học Trung Hoa nói chung (cùng với nhà thơ Lí Bạch). Xuất thân từ một gia đình học thức, Đỗ Phủ từ nhỏ đã được tiếp thu đầy đủ nền giáo dục truyền thống nước nhà, học thuộc những tác phẩm nổi tiếng về lịch sử, thi ca và triết học Khổng giáo, như một nền tảng vững chắc cho niềm khát khao dấn thân lập chí giúp đời sau này.

Thế nhưng giấc mộng tiến thân bằng con đường thi cử không thành, rồi chiến tranh loạn lạc, bệnh tật quấn thân, cuộc đời ông bắt đầu những chuỗi ngày lữ thứ, phiêu bạt nơi đất khách quê người. Nỗi đau cuộc đời riêng hòa trong những lầm than, cơ cực chung của dân chúng trước thời cuộc rối ren đã phả vào trang thơ Đỗ Phủ nỗi bi thương, cay đắng.

Bên cạnh những sáng tác thấm đẫm lòng ưu dân, ái quốc và tinh thần đấu tranh chống cường quyền, thơ Đỗ Phủ còn là nỗi lòng cô đơn bi tráng của một con người mang hoài bão lớn lao nhưng bị ném thê thảm vào vòng xoáy của thời đại. Đặc biệt, ở những năm tháng cuối đời, khi nếm trải hết những thất bại, đau thương, đói khổ của cuộc sống phiêu bạt, thơ ông mang nỗi niềm thương nhớ cố hương da diết, với một hi vọng mỏng manh được trở về chốn cũ. Thu hứng bát thủ ra đời trong hoàn cảnh ấy.

Chùm thơ bao gồm tám bài thơ, trong đó bài thơ số 1 (Thu hứng kỳ nhất) được xem là “cương lĩnh”, kết tinh tư tưởng chủ đạo của cả chùm thơ: Nỗi lòng quê cũ (“cố viên tâm”). Nhà nghiên cứu thơ Đường nổi tiếng Trung Quốc Vương Tự Thích từng khẳng định Thu hứng - bài số 1 “đã bao quát cả bảy bài sau, mà nỗi lòng quê cũ là chỗ vẽ rồng chấm mắt”. Bài thơ được lựa chọn đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn THPT (Lớp 10). Và dù trải qua nhiều lần chỉnh lí, đổi mới SGK, Thu hứng vẫn có “chỗ đứng” vững vàng, tiêu biểu cho tinh hoa Đường thi của nhân loại.

Thu hứng được viết vào mùa Thu năm 766 tại Quỳ Châu, sau khi loạn An Lộc Sơn đã kết thúc được 3 năm và chỉ 4 năm trước khi nhà thơ qua đời (năm 770). Đây là thời điểm cả đất nước Trung Quốc chìm ngập liên miên trong cảnh loạn li, nhân dân lầm than, điêu đứng. Gia đình Đỗ Phủ cũng không ngoại lệ. Sau khi một người bạn thân thiết có quyền thế qua đời, không còn chỗ nương tựa, ông đã rời Thành Đô (năm 765) đưa gia đình theo sông Trường Giang về phía Đông, tìm cơ hội quay về quê quán ở phương Bắc.

Nhưng giữa đường gặp trắc trở, Đỗ Phủ đành phải ở lại Quỳ Châu. Giữa trời Thu đất khách quê người và ở trong một giai đoạn cũng được xem là xế thu của cuộc đời, tác giả đã cất tiếng lòng hướng về cố quận. Với tứ thơ chủ đạo “thân ở Quỳ Châu, lòng ở Trường Giang” qua thể thất ngôn bát cú Đường luật, Thu hứng số 1 được coi là một trong những bài thơ hay nhất thời Đường, cũng là bài thơ điển hình cho phong cách thơ của Đỗ Phủ.

Tranh vẽ nhà thơ Đỗ Phủ.

Tranh vẽ nhà thơ Đỗ Phủ.

Bài thơ được mở đầu bằng hình ảnh rừng phong tiêu điều giữa màn sương trắng xóa, lạnh lùng:

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm

Vu Sơn Vu Giáp khí tiêu sâm

(Sương móc trắng xóa làm tiêu điều cả rừng cây phong Núi Vu, kẽm Vu hơi thu hiu hắt)

Chỉ với vài nét chấm phá quen thuộc của thơ Đường, tác giả đã thể hiện được cái thần của một chiều thu ở Quỳ Châu. Sương và cây phong là hai hình ảnh đặc trưng của mùa Thu trong thơ cổ Trung Quốc. Màn sương thu trắng muốt tương phản với màu đỏ của rừng phong luôn mang đến một bức tranh thu buồn song rất đẹp và đầy thi vị. Thế nhưng, trong mắt người lữ thứ, rừng phong đã bị “sương móc” một cách tàn nhẫn trở nên tiêu điều, xơ xác.

Bản dịch thơ dù đã tái hiện được cảnh thu buồn bã song chưa làm toát lên được không khí ảm đạm, bi thương của nguyên tác. Từ “điêu thương” được nhà thơ sử dụng thật đắt, không chỉ lột tả đầy đủ cái điêu tàn của rừng phong mà còn nói lên được nỗi đau đớn, buồn thương của con người. Không gian tiếp tục được mở ra với hình ảnh Núi Vu, kẽm Vu (Vu sơn, Vu giáp).

Đây là vùng núi rất hiểm trở và hùng vĩ ở thượng lưu sông Trường Giang với “vách đá điệp trùng che khuất cả bầu trời, chẳng thấy cả ánh nắng Mặt trời lẫn ánh sáng Mặt trăng”. Qua lăng kính thấm đẫm tâm trạng u sầu của nhà thơ, Vu giáp vốn tối tăm, lạnh lẽo, càng trở nên ảm đạm, hiu hắt (“khí tiêu sâm”) đến rợn người.

Nếu ở hai câu đầu, hướng nhìn của nhà thơ di chuyển từ rừng núi xuống lòng sông và bao quát theo chiều rộng thì ở cặp câu tiếp theo cảnh thu lại được “quét” từ lòng sông lên miền quan ải:

Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,

Tái thượng phong vân tiếp địa âm.

(Giữa dòng sông, sóng tung vọt trùm bầu trời,

Từ trên cửa ải, gió mây sà xuống khiến mặt đất âm u).

Vẫn là những nét chấm phá quen thuộc của Đường thi, ở đây Đỗ Phủ đã tạo nên một bức tranh toàn cảnh hùng tráng, dữ dội của sông núi Quỳ Châu với hình ảnh sóng vọt tung lên tận lưng trời và mây ở trên cao sà xuống phủ đầy mặt đất. Tuy vậy, ẩn sâu trong mặt hoành tráng ấy, người đọc vẫn cảm nhận được cái âm u, bi thảm.

Sự vận động ngược chiều nhau của sóng và mây khiến không gian như bị lấp kín, và con người giữa không gian ấy đã bị dồn ép trở nên ngột ngạt, chông chênh. Các chữ “rợn” và “đùn” ở bản dịch đã truyền đạt thành công không khí hãi hùng của khung cảnh song vẫn khó thể hiện được trọn vẹn ý nghĩa của nguyên tác cũng như nét đặc trưng của phong cách thơ Đỗ Phủ giai đoạn cuối đời: Trầm uất, bi tráng.

Bức tranh thu bắt đầu có sự thu hẹp bởi sự thay đổi nhãn giới của con người. Không còn cảnh sắc hùng tráng, dữ dội của sóng nước, mây trời, trước mắt nhà thơ chỉ còn là hình ảnh khóm cúc, con thuyền:

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ

Cô chu nhất hệ cố viên tâm

(Khóm cúc nở hoa đã hai lần làm tuôn rơi nước mắt ngày trước,

Con thuyền lẻ loi thắt chặt mãi tấm lòng nhớ về vườn cũ.)

Hai câu thơ được xem là “linh hồn” của bài thơ cũng như chùm thơ Thu hứng. Ở đây, tác giả đã đồng nhất giữa tình và cảnh (nhìn hoa cúc nở mà trông như xòe ra những cánh hoa bằng nước mắt), giữa hiện tại và quá khứ (giọt lệ hiện tại cũng là giọt lệ của quá khứ gần - hai năm qua, kể từ ngày tới Quỳ Châu - và quá khứ xa, trước và trong chiến loạn An - Sử). Trước cảnh thu buồn, hồi ức về những nỗi đau trong quá khứ đã tập kết về thời điểm hiện tại và đọng lại trên những nhành hoa. Câu thơ dịch “Khóm trúc tuôn rơi dòng lệ cũ” của Nguyễn Công Trứ thật xuất sắc, giúp độc giả cảm nhận được tâm trạng cô đơn, sầu nhớ của nhân vật trữ tình.

Lệ rơi trong hai năm qua chỉ là sự lặp lại, chồng lên những dòng lệ cũ, “gom” từ nỗi đau khổ triền miên, vô hạn trong những năm tháng phiêu bạt của nhà thơ. Cố viên tâm (nỗi lòng quê cũ) trước hết là nỗi nhớ Lạc Dương, quê quán của Đỗ Phủ. Đặt trong văn cảnh, nó còn chỉ “nỗi nhớ Trường An, kinh đô nhà Đường” và rộng hơn nữa là lòng yêu nước kín đáo của tác giả. Hình ảnh con thuyền vừa có ý nghĩa thực vừa mang nghĩa khái quát, trở thành một biểu tượng nghệ thuật trong văn học, dùng để chỉ thân phận lênh đênh của con người.

Lí Bạch trong Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng từng sử dụng “cô phàm” để thể hiện cảnh ngộ cô đơn, đầy bất trắc của Mạnh Hạo Nhiên khi ông bắt đầu dấn thân vào chốn quan trường. Còn ở đây, cô chu (chiếc thuyền lẻ loi) chỉ cảnh ngộ và tâm trạng của chính Đỗ Phủ. Đó là một ẩn dụ nghệ thuật không chỉ vì tính chất trôi nổi, đơn độc mà còn là phương tiện duy nhất để nhà thơ gửi gắm vào ước nguyện trở lại quê nhà. Hướng về vườn cũ nhưng phía trước là cửa ải mịt mờ, là dòng sông cuộn sóng, là loạn lạc binh đao. Liệu con thuyền nhỏ nhoi có đủ sức để vượt qua những trở ngại ấy?

Bài thơ kết thúc bất ngờ với hình ảnh cuối thu:

Hàn y xứ xứ thôi đao xích,

Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

(Khắp nơi thôi thúc nhau dung đao, thước để may áo rét,

Về chiều, thành Bạch Đế cao, tiếng chày đập áo nghe càng dồn dập.)

Nếu hai câu thơ đầu bài thơ mở ra không gian vũ trụ thì ở đây lại có sự chuyển mạch với không gian đời thường: Người người nô nức may áo rét và giặt giũ áo cũ để chuẩn bị cho mùa Đông đang đến gần. Cảnh sinh hoạt với âm thanh của tiếng thước, tiếng dao kéo cắt vải, tiếng chày đập áo thường mang đến cho con người sự vui tươi, phấn khởi nhưng ở đây lại càng xoáy sâu vào lòng người lữ thứ nỗi nhớ quê da diết, khôn nguôi. Đứng trên thành Bạch Đế không phải để phóng khoát thung dung, mà để nhìn vào tâm trạng, một tâm trạng u uẩn, day dứt. Nỗi thương mình, thương đời và niềm khát khao quay về nhà cũ, vườn xưa cũng được nhà thơ thể hiện ở nhiều tác phẩm trong những năm tháng cuối đời.

Vạn lý bi thu thường tác khách,

Bách niên đa bệnh độc đăng đài.

(Thương cho mùa thu muôn dặm cứ phải xa nhà,

Đau ốm suốt đời, một mình lên đài cao).

Đăng Cao

Không còn hình ảnh của một người trai với tư thế hiên ngang, hào phóng, luôn mang trong mình hoài bão lập chí giúp đời. Sự sa đọa của triều đình, chiến tranh phong kiến triền miên đã đẩy con người có tráng chí ấy về tận một góc trời xa thẳm, giờ đây chỉ còn lại tấm thân già yếu, cô quạnh giữa trời thu mênh mông, bát ngát ôm ấp một hi vọng mỏng manh được trở lại quê nhà. Hẳn ước mơ của Đỗ Phủ cũng chính là ước mơ của bao kiếp người lưu vong nghèo khổ trong buổi loạn li. Bởi vậy bài thơ dù không trực tiếp miêu tả tình hình xã hội song vẫn chan chứa tình đời và mang ý nghĩa hiện thực sâu sắc.

Thu hứng trở thành một trong những kiệt tác của Đường thi và thơ ca nhân loại không chỉ vì bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ trữ tình của Đỗ Phủ, góp phần thể hiện tài năng kiệt xuất của ông, mà ở đó độc giả hậu thế còn tìm thấy vẻ đẹp tâm hồn của một bậc vĩ nhân không bị sự khổ đau theo năm tháng bào mòn. Nỗi niềm cố quận cùng với tình thương người, thương đời của thi nhân sẽ còn lay động “triệu trái tim trong hàng triệu năm dài”.

__________________________________________________________

1. Ngữ văn 10, Kết nối tri thức với cuộc sống Tập 1. Nxb Giáo dục. (2022)

2. Ngữ văn 10. Tập 1, Sách giáo viên. Nxb. (2006), tr 234-242

3. Nguyễn Thị Bích Hải (2007) Thi pháp thơ Đường, NXB Đại học Huế.

4. Nguyễn Khắc Phi (2008), Phân tích tác phẩm Ngữ văn 10, NXB Giáo dục.

5. Diệu Uyển, Đỗ Phủ, ánh trăng muôn thuở của thi ca Trung Hoa, http:// taodan.com.vn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.