Phong trào nhằm thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa nội thành và ngoại thành, hỗ trợ các đơn vị khó khăn thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Giáo dục ngoại thành bứt phá
Những năm gần đây, giáo dục Hà Nội tiếp tục đạt thành tích cao xét trên nhiều tiêu chí: Giáo dục toàn diện, mũi nhọn, trường chuẩn quốc gia… Nổi bật là giáo dục ngoại thành đã bứt phá, giảm khoảng cách đáng kể so với giáo dục nội thành.
Điểm nhấn đầu tiên của giáo dục ngoại thành Hà Nội là thành tích đáng khích lệ tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Nguyễn Ngọc Lễ, học sinh lớp 12A6 Trường THPT Quốc Oai (huyện Quốc Oai) xuất sắc trở thành Thủ khoa toàn quốc khối A00 với điểm số tuyệt đối Toán 10, Lý 10, Hóa 10. Em trở thành thủ khoa đầu vào Đại học Bách khoa Hà Nội theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Cô giáo Nguyễn Phương Thảo, Trường THPT Quốc Oai vui mừng cho biết, lớp chủ nhiệm 3 năm qua đã gặt hái thành tích xuất sắc. Ngoài thủ khoa Nguyễn Ngọc Lễ còn 2 học sinh tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật, đạt giải Ba môn Vật lý, nhiều học sinh đạt giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi thành phố các môn Toán, Vật lý, Hóa học.
Cùng đó, top 10 trường có điểm trung bình bài thi tốt nghiệp THPT cao nhất Hà Nội năm 2022 đã có sự xuất hiện của các trường thuộc khu vực ngoại thành: Trường THPT Đa Phúc, THPT Sóc Sơn có điểm trung bình môn Văn cao nhất; Trường THPT Quốc Oai, THPT Sóc Sơn, THPT Mỹ Đức B... điểm trung bình môn Vật lý cao nhất.
Tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia cấp THPT năm 2022, ngoài đa số học sinh trường THPT chuyên đã có sự xuất hiện của 2 học sinh ngoại thành là Trường THPT Phùng Khắc Khoan - Thạch Thất, Trường THPT Thường Tín.
Trong số giáo viên đạt giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo năm 2022, danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố năm 2022 có không ít nhà giáo dạy trường ngoại thành. Danh sách đề xuất, xin ý kiến về danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2022 cũng nhiều thầy cô dạy trường ngoại thành.
Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa các trường nội thành và ngoại thành vẫn còn khoảng cách nhất định. Theo ông Nguyễn Đức Thắng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ứng Hòa, chất lượng giáo dục đại trà so với mặt bằng chung của thành phố còn thấp. Cơ sở vật chất khó khăn, trình độ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu. Từ thực tiễn đó, huyện mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các trường nội thành.
Thầy Nguyễn Duy Bỉnh - Hiệu trưởng Trường THPT Minh Quang, huyện Ba Vì - cũng bày tỏ: Trường nằm trên địa bàn kinh tế khó khăn, học sinh đa số ở 7 xã miền núi nên điều kiện học tập và giao lưu hạn chế, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học, đặc biệt là môn Tiếng Anh. Tỉ lệ học sinh đạt điểm trung bình môn Tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT còn thấp khiến các thầy cô trăn trở...
Giờ ôn tập môn Toán của học sinh Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai). |
Quận giúp huyện, trường giúp trường
Đưa giáo dục ngoại thành gần hơn với nội thành là nội dung được ngành GD-ĐT Hà Nội quan tâm, cụ thể hóa bằng kế hoạch tổ chức phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” và Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ đẩy mạnh triển khai trong năm 2023.
Thông qua hoạt động giao lưu, chia sẻ, hỗ trợ, các nhà trường sẽ nâng cao chất lượng dạy học, thu hẹp khoảng cách giáo dục. Cùng với đó, việc trao đổi kinh nghiệm chuyên môn giữa các trường sẽ giúp tăng chất lượng đội ngũ, hỗ trợ trường còn khó khăn triển khai thành công Chương trình GDPT 2018, nâng cao kết quả các môn học trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Cụ thể, các phòng GD&ĐT sẽ thành lập Ban chỉ đạo phong trào, phối hợp các đơn vị kết nghĩa tổ chức hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm quản lý, nâng cao chất lượng chuyên môn. Chỉ đạo các trường trên địa bàn tổ chức kết nối, chia sẻ, hỗ trợ nhau cùng phát triển, triển khai thực hiện một số chuyên đề nâng cao chất lượng chuyên môn từng cấp học.
Các cụm trường THPT, trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX tổ chức triển khai các chuyên đề nâng cao chất lượng dạy học trên phạm vi toàn thành phố, triển khai các tiết dạy minh họa theo Chương trình, sách giáo khoa mới, các chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm dạy học, nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn.
Bà Phạm Đàm Thục Hạnh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai - thông tin: Thực hiện kế hoạch của Sở, Phòng GD&ĐT Hoàng Mai đã phối hợp với Phòng GD&ĐT Ứng Hòa tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm quản lý, nâng cao chất lượng dạy học.
Một số trường trên địa bàn quận sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho đơn vị bạn như Trường THCS Tân Mai với giải pháp tăng cường hoạt động giao lưu, trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn; Trường THCS Lĩnh Nam với giải pháp nâng cao bồi dưỡng đội ngũ, đổi mới phương pháp dạy học, chuyển đổi số trong quản lý và tổ chức dạy học…
Còn thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, quận Hoàng Mai - cho biết: Theo kế hoạch, trường sẽ kết nghĩa với Trường THPT Vân Tảo, huyện Thường Tín. Hai đơn vị đã lên kế hoạch kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, giúp học sinh tiếp cận các phương pháp dạy học hiện đại để đạt kết quả cao nhất. Trước mắt, hai trường sẽ thực hiện một số chuyên đề nâng cao chất lượng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023…
Chia sẻ kế hoạch giao lưu, kết nghĩa của ngành GD-ĐT Thủ đô, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, Trần Thế Cương kỳ vọng, với sự chuẩn bị bài bản, thống nhất, kế hoạch của Sở GD&ĐT Hà Nội chắc chắn sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu quả và phát triển thành phong trào sâu rộng. Qua đó góp phần giúp giáo dục Hà Nội phát triển thực chất, toàn diện hơn thời gian tới.