Chung tay phát triển giáo dục Điện Biên

Chung tay phát triển giáo dục Điện Biên

(GD&TĐ) - Sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh Điện Biên, trong giai đoạn 2006 - 2010 có những bước tiến vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu về quy mô phát triển và chất lượng giáo dục. Một trong những động lực thúc đẩy cho sự phát triển ấy, chính là các cấp chính quyền, cơ quan, ban ngành, đoàn thể... đã có những quan tâm sâu sắc, phát huy được vai trò to lớn của công tác xã hội hóa giáo dục. 

Huy động các nguồn lực

Trong những năm qua, UBND tỉnh Điện Biên có rất nhiều những chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm thu hút nguồn lực của các tổ chức, cá nhân đầu tư cho phát triển Giáo dục - Đào tạo như các ưu đãi về thuế: miễn 2 năm, giảm 50% thuế 3 năm tiếp theo đối với các dự án đầu tư vào ngành nghề, miễn tiền thuê đất 11 năm, hỗ trợ tín dụng đầu tư, giải phóng mặt bằng... cùng với việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong tỉnh, trong nước và nước ngoài ủng hộ về tinh thần, vật chất chung tay cùng góp sức cho thế hệ tương lai. Tỉnh tích cực đầu tư, xây dựng hệ thống, cơ sở, mạng lưới giáo dục, đẩy mạnh phong trào khuyến học, có chính sách, nhiều giải pháp giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn, động viên kịp thời học sinh nghèo vượt khó, chăm lo cải thiện đời sống giáo viên và học sinh bán trú.

Khu nhà bán trú Trường Tiểu học Phình Giàng được xây dựng từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Đầu tư Việt Nam.
Khu nhà bán trú Trường Tiểu học Phình Giàng được xây dựng từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Đầu tư Việt Nam.

Giai đoạn 2006 - 2010, công tác xã hội hóa giáo dục của tỉnh đã được sự quan tâm, ưu ái, giúp đỡ của nhiều cá nhân, tổ chức chăm lo cho sự nghiệp trồng người với việc làm thiết thực hiệu quả đầy ý nghĩa như: Ngân hàng NN & PTNT Việt Nam hỗ trợ 110.835 triệu đồng xây 8 trường học, 41 khu nội trú cho học sinh huyện Mường Ảng, Tủa Chùa. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam hỗ trợ 2 tỷ đồng xây dựng trường học, nhà nội trú học sinh huyện Mường Nhé và 900 bộ máy vi tính cho cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh. Tập đoàn Tân Tạo T.P Hồ Chí Minh hỗ trợ 4 tỷ đồng xây dựng 20 phòng nội trú cho học sinh huyện Điện Biên Đông. Tổng Công ty Viễn thông quân đội hỗ trợ 1 tỷ đồng xây nhà nội trú học sinh Mường Nhé. Doanh nghiệp xây dựng tư nhân Xuân Trường tỉnh Ninh Bình ủng hộ 2 tỷ đồng xây dựng 14 phòng ở, bếp cho học sinh bán trú huyện Điện Biên. Tổng Công ty dầu khí Việt Nam hỗ trợ 3 tỷ đồng xây dựng 1 khu nội trú học sinh huyện Điện Biên Đông. Ngoài ra, Các Sở, Ngành, đơn vị... trong tỉnh đóng góp 3,5 tỷ đồng xây 50 phòng nội trú học sinh; Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam, giáo dục tỉnh đã quyên góp 7.600 bộ quần áo, 50.000 vở viết, 5.500 bút, 15,4 tấn gạo và 2,7 tỷ đồng hỗ trợ cho các em học sinh ở vùng khó khăn. Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã đóng góp nguyên vật liệu, kinh phí làm 500 phòng nội trú bán kiên cố cho học sinh bán trú, hàng triệu ngày công xây dựng trường, lớp, xây dựng cảnh quan môi trường... đã hiến 14.000 mét vuông đất cho trường học.

Thành tựu đạt được

Công tác xã hội hóa giáo dục đã làm lên diện mạo mới cho tỉnh, với hệ thống các cơ sở giáo dục và đào tạo ngày càng phát triển, từng bước hoàn thiện đáp ứng nhu cầu học tập, tỷ lệ huy động học sinh ngày một tăng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh mỗi xã đều có một trường Mầm non, trường Tiểu học, THCS và Trung tâm học tập cộng đồng; Trung tâm cụm xã có trường THPT, mỗi huyện có một trường DTNT và một Trung tâm giáo dục thường xuyên.

Chung tay phát triển giáo dục Điện Biên ảnh 2
Lớp học, trường học khang trang Trường Tiểu học Nà Tấu được đầu tư xây dựng từ ngồn vốn của Ngân hàng NN & PTNT Việt Nam.
Lớp học, trường học khang trang Trường Tiểu học Nà Tấu được đầu tư xây dựng từ ngồn vốn của Ngân hàng NN & PTNT Việt Nam.

Năm học 2010 - 2011, quy mô phát triển trường lớp, tỷ lệ huy động học sinh trong toàn tỉnh đã có bước tiến rõ rệt. Giáo dục Mầm non có 144 trường, 32.550 trẻ; giáo dục Tiểu học 170 trường, 58.075 học sinh; giáo dục THCS 115 trường, 36.808 học sinh; giáo dục THPT 28 trường, 15.305 học sinh. Tỷ lệ học sinh huy động ra lớp vượt chỉ tiêu đề ra 82,5% trẻ 3 - 5 tuổi học mẫu giáo, huy động 98% trẻ 5 tuổi ra lớp, 99,1% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; 98% học sinh trong độ tuổi tiểu học đến trường, 88,2% số đúng độ tuổi THCS đến trường, 51,2% học sinh THPT. Ngoài ra còn toàn tỉnh còn có 8 Trung tâm giáo dục thường xuyên với 50 lớp, 1.665 học sinh, 2 Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học 35 lớp, 865 học viên; 4 trường Chuyên nghiệp có 9.414 sinh viên. Bên cạnh đó, hoạt động liên kết đào tạo đặc biệt được quan tâm, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức.

Bằng nhiều hình thức linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương theo hình thức vừa học vừa làm, từ xa, chính quy... với nhiều ngành nghề khác nhau như: tài chính, luật, xây dựng, kiến trúc, kinh tế, nông nghiệp... hiện toàn tỉnh có 4.464 sinh viên đang theo học. Hàng năm công tác tuyển sinh vào các trường đại học, học viện được tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao; đảm bảo đúng quy trình, đúng đối tượng, tiêu chuẩn, vùng miền đảm bảo chỉ tiêu do Bộ Giáo dục - Đào tạo giao, hiện có 314 em đang theo học tại trường đại học, học viện trong nước. Trong năm 2011, những người làm công tác giáo dục có được niềm vui lớn, mùa gặt hái thành công với 11 học sinh đoạt giải văn hóa cấp quốc gia, 3 học sinh đoạt giải toán máy tính Casio, 20 học sinh đoạt giải kỳ thi toán Olimpic Hà Nội mở rộng, kết quả gấp nhiều lần so với mọi năm.

Trong năm 5 thực hiện đề án xã hội giáo dục, đã tạo được nền móng vững chắc để sự nghiệp giáo dục của tỉnh ngày càng phát triển.

*Xây dựng xã hội học tập ở vùng cao Điện Biên

5 năm thực hiện Đề án Xây dựng XHHT, tỉnh Điện Biên đã đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng: 5 năm qua, ngành Giáo dục & Đào tạo Điện Biên đã có bước phát triển nhanh, mạnh và khá bền vững. Mạng lưới quy mô trường, lớp các cấp học được phủ kín tới các bản, làng xa xôi nhất của tỉnh.

Cách đây 5 năm, toàn tỉnh mới có 338 trường học, 123.763 học sinh. Đến năm học 2010- 2011 toàn tỉnh có 469 trường với 6.691 lớp, 143.602 học sinh, tăng 131 trường, 19.839 học sinh. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 98%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,1%; tỷ lệ huy động học sinh đúng độ tuổi vào THCS đạt 78,8%; tỷ lệ huy động dân số 15 - 17 tuổi ra lớp cấp THPT đạt 50,7%. Mô hình trường bán trú dân nuôi phát triển mạnh và vững chắc ở cả 3 cấp học: tiểu học, THCS và THPT, thu hút gần 20.000 học sinh theo học, tạo điều kiện để các em được học hết cấp học. Cơ sở vật chất được quy hoạch và xây dựng theo hướng chuẩn hóa, kiên cố, đồng bộ và hiện đại, tạo điều kiện cho hầu hết học sinh trong độ tuổi được tới trường học tập. Nhiệm vụ phổ cập giáo dục tiểu học CMC được duy trì và giữ vững chuẩn tại 9/9 huyện, thị, thành phố và 112/112 xã, phường, thị trấn.

Đến tháng 12/2010, Điện Biên được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi với 8/9 huyện, thị, thành phố, 108/112 xã, phường, thị trấn, chiếm tỷ lệ 96,4%. Năm học 2008, Điện Biên được công nhận đạt chuẩn phổ cập THCS với 9/9 huyện, 106/106 xã đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 100%. Đến năm 2010, toàn tỉnh có 84 trường học đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học, chiếm tỷ lệ 18,4% số trường học trong tỉnh. Sự phát triển vững chắc hệ thống giáo dục chính quy đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện Đề án Xây dựng XHHT ở Điện Biên. Song song với việc chỉ đạo phát triển hệ thống giáo dục chính quy, hệ thống giáo dục thường xuyên (GDTX) (giáo dục không chính quy) cũng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo phát triển.

Đến nay, toàn tỉnh có 8 trung tâm GDTX, 2 trung tâm ngoại ngữ, tin học. 112 trung tâm học tập cộng đồng. Trong quá trình hoạt động, các trung tâm đã từng bước cải tiến công tác điều tra, dự báo nhu cầu học tập của cán bộ, nhân dân, xây dựng kế hoạch mở các lớp học cho phù hợp với đối tượng. Năm 2010, Trung tâm GDTX tỉnh đã liên kết với 14 trường đại học, cao đẳng mở 46 lớp cho 4.102 sinh viên theo học, đã có 529 sinh viên tốt nghiệp ra trường, 3.573 sinh viên đang theo học ở 38 lớp. Mở được 7 lớp BTVH cho 282 học viên, 1 lớp ôn thi tốt nghiệp cho 30 học viên. Các trường: Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật liên kết với các trường đại học mở các lớp đào tạo tại chức cho hàng ngàn người theo học. Trung tâm tin học - ngoại ngữ đã đào tạo 18 lớp tin học A cho 728 học viên, 20 lớp tin học B cho 395 học viên, 5 lớp tiếng Anh cho 65 học viên, 5 lớp học tiếng dân tộc (Thái, Mông) cho 117 học viên. Trung tâm GDTX ở các huyện: Mường Nhé, Mường Chà, Tủa Chùa đã tổ chức liên kết đào tạo với các trường cao đẳng của tỉnh mở 6 lớp trung cấp chuyên nghiệp hệ vừa học vừa làm cho 257 học viên.

Trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn đã tích cực, chủ động khắc phục khó khăn mở các lớp xoá mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; các lớp phổ biến kiến thức, kỹ năng lao động sản xuất, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, thông tin kinh tế - xã hội, giáo dục pháp luật, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Một lớp học ở Điện Biên
Một lớp học ở Điện Biên

Trong năm 2010, toàn tỉnh đã mở được 976 lớp với 62.129 lượt người tham gia tập huấn nghiệp vụ về các chương trình tăng thu nhập, bảo vệ môi trường; mở 1.239 lớp cho 72.953 lượt người tập huấn kiến thức về y tế, chăm sóc sức khỏe, dân số, pháp luật; tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, thu hút 58.965 lượt người tham gia. Huy động gần 100 nghìn lượt người đọc sách và tham gia các hoạt động khác tại trung tâm HTCĐ. Kết quả hoạt động của các trung tâm GDTX, trung tâm HTCĐ đã góp phần nâng cao kết quả xóa mù chữ, Đến nay, hơn 94% số người trong độ tuổi từ 15 trở lên biết chữ, 75% cán bộ cấp xã và cấp huyện được học tập, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về quản lý, pháp luật, kinh tế và xã hội; 80% cán bộ công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước được tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, lý luận chính trị.

Số người lao động trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được tiếp cận, hưởng thụ các chương trình nâng cao hiểu biết, khả năng lao động sản xuất không ngừng được nâng lên.

Kiên Cường-Trọng Quyết

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ