Chuẩn bị xét xử 'đại án' xảy ra tại Tập đoàn FLC:

Thủ đoạn chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng

GD&TĐ - Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm với 50 bị cáo trong 'đại án' xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC vào ngày 22/7 tới.

Tập đoàn FLC thành lập năm 2009 do Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch HĐQT. Ảnh: TL
Tập đoàn FLC thành lập năm 2009 do Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch HĐQT. Ảnh: TL

50 bị cáo, hơn 30.400 bị hại

Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội vừa ra quyết định mở phiên tòa xét xử 50 bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thao túng thị trường chứng khoán; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC).

Thẩm phán Vũ Quang Huy, Phó Chánh tòa, Tòa Hình sự - TAND TP Hà Nội làm chủ tọa. Về phía đại diện VKSND TP Hà Nội, tham gia phiên tòa có 6 kiểm sát viên. Có khoảng 100 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa, trong đó bị cáo Trịnh Văn Quyết có 4 luật sư bào chữa. Dự kiến phiên tòa diễn ra trong nhiều ngày.

Để chuẩn bị cho phiên tòa, Hội đồng xét xử đã triệu tập bị hại là 30.403 nhà đầu tư đã mua cổ phiếu (lần bán ra ban đầu) của Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán ROS). Đồng thời triệu tập người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là 63.092 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán ROS) và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác được Tòa án triệu tập.

Trong số 50 bị cáo, có 3 bị cáo: Trịnh Văn Quyết (SN 1975, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn FLC, Chủ tịch Công ty Cổ phần hàng không Tre Việt; Trịnh Thị Minh Huế (SN 1981), kế toán tổng hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC); Trịnh Thị Thúy Nga (SN 1979), kế toán tổng hợp Tập đoàn FLC; thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chứng khoán BOS - tiền thân là Công ty Cổ phần chứng khoán FLC bị xét xử về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

47 bị cáo còn lại bị đưa ra xét xử về các tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.

Tập đoàn FLC thành lập năm 2009 do ông Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch HĐQT. Trong hệ thống của Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết đã thành lập 17 công ty con, công ty liên kết, có tổng số vốn điều lệ đăng ký là 31.367 tỷ đồng; 8 công ty liên quan nhằm mục đích đăng ký niêm yết, có tổng số vốn điều lệ đăng ký là 39.207 tỷ đồng; 57 công ty vệ tinh, có tổng số vốn điều lệ đăng ký là 21.000 tỷ đồng.

Chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng

chuan bi xet xu dai an xay ra tai tap doan flc.jpg
Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, Trịnh Văn Quyết là người có vai trò quyết định trong tổ chức bộ máy và quyết định hoạt động kinh doanh như: Chỉ định các thành viên HĐQT, Ban Tổng giám đốc, Ban Kế toán, Tài chính của Tập đoàn, chỉ định các thành viên HĐQT, Ban Tổng Giám đốc của các công ty con, công ty liên kết và các công ty liên quan; quyết định, chỉ đạo các hoạt động tài chính, kinh doanh chính của cả hệ thống 82 công ty nêu trên, với tổng số vốn điều lệ theo đăng ký là 91.574 tỉ đồng (trong đó có Công ty FAROS, Công ty BOS và một số công ty có liên quan trong vụ án này).

Tại Tập đoàn FLC, Doãn Văn Phương là Tổng Giám đốc (từ năm 2012 đến 2015); Hương Trần Kiều Dung là Tổng Giám đốc (từ tháng 5/2015 đến tháng 3/2017); Trịnh Thị Minh Huế, em gái của Trịnh Văn Quyết là nhân viên Ban Kế toán; Trần Thế Anh, Ban Pháp chế. Tập đoàn FLC đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM năm 2013, mã cổ phiếu FLC.

Nhằm chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư để sử dụng vào mục đích riêng của mình, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ. Bị cáo chỉ đạo Doãn Văn Phương và Trịnh Thị Minh Huế thực hiện hành vi gian dối tăng khống vốn góp chủ sở hữu tại Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.

Sau đó hoàn thiện các thủ tục để niêm yết cổ phiếu tương ứng với giá trị vốn góp khống của Công ty Faros trên sàn chứng khoán. Đồng thời sử dụng sàn HOSE làm công cụ, phương tiện bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Để chiếm đoạt được tiền, Trịnh Văn Quyết giao Doãn Văn Phương và Trịnh Thị Minh Huế trực tiếp chỉ đạo và điều hành toàn bộ hoạt động để hợp thức hồ sơ nâng vốn khống; trực tiếp nhờ một số cá nhân đứng tên là cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty Faros.

Các bị cáo thuộc Công ty Faros, công ty kiểm toán, người thân quen của Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế… đã thực hiện chỉ đạo của Doãn Văn Phương và Trịnh Thị Minh Huế ký hợp thức các thủ tục nâng khống vốn góp và hợp thức sử dụng vốn góp khống; ghi nhận thông tin gian dối này vào báo cáo tài chính kiểm toán, hoàn thiện hồ sơ niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán.

Các bị cáo thuộc Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, VSD và sàn HOSE đã sử dụng những thông tin gian dối trên báo cáo tài chính kiểm toán và hồ sơ tài liệu của Công ty Faros cung cấp để chấp thuận công ty đại chúng, đăng ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn HOSE.

Với động cơ, mục đích, thủ đoạn nêu trên, Trịnh Văn Quyết đã sử dụng sàn HOSE làm phương tiện để bán 391.155.480 cổ phiếu hình thành từ vốn góp nâng khống cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng.

Để xảy ra hậu quả trên, có sự tham gia giúp sức tích cực của các bị cáo trong vụ án vào quá trình nâng khống vốn góp, ủy thác đầu tư, nhận ủy thác đầu tư, hợp thức dòng tiền từ vốn góp khống; xác định vốn góp khống; chấp thuận niêm yết cổ phiếu để tạo điều kiện giúp Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu được hình thành từ vốn góp chủ sở hữu khống, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.

Ngoài ra, Viện Kiểm sát xác định: Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga còn có hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, thu lợi bất chính hơn 684 tỷ đồng.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ