Sáng 5/6, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đăng đàn trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.
Chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) nhắc tới đại án xảy ra tại Ngân hàng SCB.
Theo đại biểu, ở đại án này, đã có nhiều công ty đã thực hiện kiểm toán nhưng không phát hiện dấu hiệu bất thường.
"Do đó, nhiều cử tri đặt câu hỏi trách nhiệm của kiểm toán, đặc biệt là trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước ở các vụ việc như SCB", đại biểu Mai Văn Hải chất vấn.
Trả lời vấn đề này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho hay, vụ án xảy ra tại Ngân hàng SCB không liên quan đến Kiểm toán Nhà nước và không thuộc phạm vi Kiểm toán Nhà nước.
Vì Ngân hàng SCB là công ty đại chúng, nên thuộc đối tượng phải kiểm toán độc lập.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định trách nhiệm ở vụ việc xảy ra tại Ngân hàng SCB thuộc về các doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập.
Chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) nêu thực trạng từ các vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An, cho thấy có sự câu kết của doanh nghiệp ngoài Nhà nước với cán bộ trong các dự án đầu tư công, để trục lợi tài sản của Nhà nước.
Đại biểu cho rằng các doanh nghiệp tư nhân không thuộc diện Kiểm toán Nhà nước, nhưng những vụ án này đều liên quan tới sử dụng tài chính, tài sản công.
"Đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, qua các vụ việc như vậy, có kiến nghị gì để Kiểm toán Nhà nước tham gia phòng ngừa, ngăn chặn các sai phạm?", đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đặt câu hỏi.
Đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, thời gian qua có một số dự án đã được kiểm toán, nhưng sau đó cơ quan chức năng vẫn phát hiện sai phạm trong đấu thầu.
"Đề nghị Tổng Kiểm toán lý giải về thực trạng này và có giải pháp gì xử lý tình trạng trên?", đại biểu Trịnh Minh Bình đặt câu hỏi.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, cho biết, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Như vậy, đơn vị được kiểm toán Nhà nước là đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của pháp luật.
Vừa qua, một số vụ án lớn như vụ án Tập đoàn Phúc Sơn và Tập đoàn Thuận An có sai sót trong đấu thầu. Nhưng 2 vụ án này đều không có vốn Nhà nước, nên không được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán.
Tuy nhiên, 2 vụ án trên có liên quan đến một số chủ đầu tư, nhà thầu có vốn Nhà nước nên Kiểm toán Nhà nước vẫn rà soát lại toàn bộ theo hồ sơ được cung cấp để ra kiến nghị theo thẩm quyền.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho hay, việc Kiểm toán Nhà nước tham gia phòng ngừa, ngăn chặn các sai phạm hay được dùng với thuật ngữ “kiểm toán điều tra” từng được đề cập nhưng vẫn chỉ dừng ở tranh luận.
"Tôi thấy rất ít nước trên thế giới kiểm toán thực hiện chức năng điều tra", Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nói.