Thót tim với ẩn họa từ xe đưa đón học sinh

GD&TĐ - Vụ việc xe đưa đón học sinh va chạm với tàu hoả chiều ngày 29/9 làm ít nhất 6 em bị thương, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác đảm bảo an toàn cho học sinh.

Hình ảnh chiếc xe đưa đón học sinh trường tiểu học Lý Nam Đế (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) sau khi va chạm với tàu hoả.
Hình ảnh chiếc xe đưa đón học sinh trường tiểu học Lý Nam Đế (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) sau khi va chạm với tàu hoả.

Điểm lại một số vụ việc liên quan đến xe đưa đón học sinh, khiến phụ huynh có con tham gia dịch vụ này không khỏi băn khoăn, lo lắng.

Cách đây hơn 3 năm, chiếc xe buýt đang trên đường chở học sinh về nhà bất ngờ tông vào đuôi xe tải khiến 3 người chết, 16 người bị thương.

Cú va chạm mạnh khiến tài xế xe buýt tử vong tại chỗ, 2 học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang) tử vong trên đường đưa đi cấp cứu. Ngoài ra, 15 học sinh bị thương được đưa đi cấp cứu.

Cuối tháng 11/2019, Mạng xã hội dậy sóng với đoạn clip xe đưa đón học sinh khi vào cua gấp ở Biên Hòa (Đồng Nai) đã làm rơi trẻ xuống đường. Theo đoạn clip, 3 cháu bé bị văng khỏi xe vì cửa sau bật mở.

Thời gian qua, không ít vụ tai nạn liên quan đến xe đưa đón học sinh xảy ra khiến nhiều người bàng hoàng và phẫn nộ. Nhiều vụ bỏ quên trẻ trên xe đưa đón học sinh, nghiêm trọng nhất là vụ xe đưa đón của trường Gate Way (Hà Nội) để quên một cháu học sinh lớp 1 khi vừa mới đến trường được 2 ngày, khiến cháu thiệt mạng.

Sau mỗi vụ việc, các cá nhân liên quan đều đã bị nhắc nhở, xử lý theo quy định của đơn vị và pháp luật. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân được xác định là trình độ nghiệp vụ của lái xe và tiêu chuẩn an toàn của các phương tiện vận chuyển học sinh.

Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn nhắc nhở, yêu cầu các địa phương báo cáo kết quả triển khai tăng cường giải pháp bảo đảm an toàn HS khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng ô tô.

Công văn yêu cầu: “Để có đầy đủ dữ liệu về thực trạng công tác trên báo cáo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, lãnh đạo Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT (chưa nộp báo cáo) chỉ đạo các trường phổ thông trên địa bàn kiểm tra, rà soát, báo cáo tổng hợp thực trạng về việc sử dụng dịch vụ đưa đón HS bằng ô tô.

Các đơn vị tiếp tục phối hợp với Ban An toàn giao thông, Sở GTVT và cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tiếp tục kiểm tra, rà soát việc thực hiện quy định pháp luật và hợp đồng vận chuyển đối với các cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức đưa đón HS bằng xe ô tô...

Luật sư Nguyễn Huế (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), cho biết: Theo quy định tại khoản, 1 điều 64 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (sửa đổi năm 2018); mục 80 phụ lục 4: Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư thì kinh doanh vận tải đường bộ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo điều 66 Luật Giao thông đường bộ, kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô chia thành 5 loại hình, gồm: kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, kinh doanh vận tải khách du lịch, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Căn cứ Nghị định 86 của Chính phủ và Thông tư 63 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), các ôtô tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải thuộc các đơn vị vận tải (bao gồm là doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh) đã được sở GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận tải và xe được cấp phù hiệu. Ôtô đưa vào kinh doanh dịch vụ phải còn trong niên hạn sử dụng, bảo đảm an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và phải được gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Bộ GTVT đang lấy ý kiến thay thế Nghị định 86 theo hướng để quản lý chặt chẽ hơn nhưng một mặt cũng có quy định riêng với loại hình vận tải hành khách là học sinh (HS) từ bậc mầm non đến phổ thông để phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng vận chuyển HS, sinh viên, cán bộ công nhân viên đi học, đi làm việc: Trước khi thực hiện hợp đồng phải thực hiện việc thông báo một lần các nội dung tối thiểu của hợp đồng theo quy định; phải thông báo lại khi có sự thay đổi về hành trình, thời gian vận chuyển hoặc các điểm dừng đỗ, đón trả khách... Có phương án kiểm soát để bảo đảm không bỏ quên hành khách ở trên xe khi kết thúc hành trình (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.