Thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

GD&TĐ - Với 465/466 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật.

Chiều 10/11, với 465/466 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành (chiếm 93,37% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Trước khi Nghị quyết được thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, nội dung về mục tiêu tổng quát đã được rà soát khái quát, ngắn gọn, súc tích, tổng quan nhất về mục tiêu năm 2023. Đồng thời, là cơ sở để triển khai 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Những nội dung cụ thể đã được tiếp thu đưa vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Về các chỉ tiêu báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ,việc xây dựng kịch bản tăng trưởng, các chỉ tiêu chủ yếu đã được Chính phủ cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, mục tiêu CPI bình quân năm 2023 khoảng 4,5%. Qua đó, thực hiện mục tiêu tổng quát, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, sát với tình hình thực tiễn và các dự báo trong nước, quốc tế. Chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động cơ bản phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP và dự báo về tốc độ tăng lực lượng lao động năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, việc đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra. Đồng thời, bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu năm 2023. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ như dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ trong công tác điều hành cần chủ động hơn nữa để có thể đạt được kết quả ở mức cao nhất, linh hoạt, chủ động, phấn đấu vượt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường được Quốc hội quyết định.

Đối với đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu như tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đạt trên 20%, tỷ lệ cây xanh trên đầu người, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc bổ sung thêm chỉ tiêu vào dự thảo Nghị quyết về kinh tế - xã hội cần được đánh giá kỹ lưỡng. Qua đó bảo đảm nguồn lực tổ chức thực hiện, tính khả thi, đo lường được, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát. Do đó, Nghị quyết chưa bổ sung các chỉ tiêu này.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, dự thảo Nghị quyết đã sửa đổi, bổ sung nội dung: Tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng “trong mọi tình huống”; kiểm soát chặt chẽ lạm phát, điều hành chủ động, linh hoạt công cụ lãi suất, tỷ giá, phù hợp và “sát thực” với “diễn biến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước”; triệt để “thực hành” tiết kiệm, “chống lãng phí”; “kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro”…

Đồng thời, Nghị quyết cũng đã bổ sung nội dung về nhiệm vụ, giải pháp như: “Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài về tài chính, chuyên môn kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh”; “quan tâm phát triển các bệnh viện, cơ sở y tế ngoài nhà nước để chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân”…

Ngoài ra, tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu, dự thảo Nghị quyết được thiết kế ngắn gọn, súc tích, các giải pháp tổng thể đã bao quát các nội dung chi tiết; mặt khác, một số nội dung cần được tiếp tục đánh giá tác động. Do vậy, một số nội dung sẽ không bổ sung vào dự thảo Nghị quyết; trong quá trình triển khai, sẽ lưu ý Chính phủ quan tâm thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ