Thông qua dự án di dời biệt thự Pháp 100 tuổi ở Huế

GD&TĐ - Chiều 20/9, theo tin từ UBND TP Huế, dự án di dời công trình biệt thự Pháp 100 năm tuổi tại đường Lê Lợi đã được thông qua.

Ngôi biệt thự Pháp 100 năm tuổi tại TP Huế được thông qua dự án di dời qua vị trí đối diện thay vì đập bỏ (Ảnh: Hoàng Hải).
Ngôi biệt thự Pháp 100 năm tuổi tại TP Huế được thông qua dự án di dời qua vị trí đối diện thay vì đập bỏ (Ảnh: Hoàng Hải).

Theo đó, ông Nguyễn Việt Bằng – Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, UBND tỉnh đã giao UBND TP Huế tổ chức thực hiện dự án đầu tư liên quan đến việc di dời công trình trên đất tại số 26 đường Lê Lợi và chỉnh trang tổng thể khu vực số 1 đường Phạm Hồng Thái và khu vực lân cận.

Từ căn cứ này, UBND TP Huế đã chỉ đạo các phòng ban và các ngành cùng tư vấn, lập phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Di dời công trình trên đất tại số 26 đường Lê Lợi và Chỉnh trang tổng thể khu vực 1 đường Phạm Hồng Thái và khu vực lân cận”.

Vừa qua, tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 6, HĐND TP Huế khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND TP Huế đã ban hành Nghị Quyết bổ sung dự án trên vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP Huế theo luật đầu tư công.

Dư luận rất hoan nghênh cách làm của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Huế trước việc di dời ngôi biệt thự Pháp 100 năm tuổi chứ không dỡ bỏ (Ảnh: Hoàng Hải).

Dư luận rất hoan nghênh cách làm của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Huế trước việc di dời ngôi biệt thự Pháp 100 năm tuổi chứ không dỡ bỏ (Ảnh: Hoàng Hải).

Đồng thời, TP Huế đang hoàn thiện dự án chỉnh trang khu vực 1 Phạm Hồng Thái tổng thể sân vườn, cây xanh, thoát nước và di dời công trình 26 Lê Lợi đến khu vực 1 Phạm Hồng Thái, cải tạo sửa chữa công trình sau khi di dời.

Theo quy định về thủ tục đầu tư, sau khi dự án được bổ sung danh mục đầu tư công trung hạn, UBND TP Huế sẽ hoàn thiện dự án trình HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai các công tác lựa chọn nhà thầu thi công.

Như Giáo dục và Thời đại thông tin, ngôi biệt thự Pháp ở số 26 đường Lê Lợi, TP Huế trước đây là trụ sở Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế. Biệt thự có kiến trúc Pháp rất đẹp và tinh xảo, được xây dựng đầu thế kỷ 20, có tuổi đời đến nay đã trên 100 năm tuổi.

Sau năm 1975, biệt thự này là nơi lui tới của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng Trần Hoàn, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Trần Hữu Pháp… nhà văn, nhà thơ Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ, Trần Thùy Mai, Hải Bằng, Võ Quê, Trần Vàng Sao và các họa sỹ Bửu Chỉ, Vĩnh Phối, Đinh Cường…

Đầu năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành quyết định công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn TP Huế nhằm chuẩn bị xây dựng kế hoạch, kêu gọi đầu tư để bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của 27 công trình, tuy nhiên ngôi biệt thự Pháp số 26 Lê Lợi không có tên trong danh sách được bảo tồn, tôn tạo.

Nhiều hệ thống cửa, tường, lò sưởi... vẫn còn nguyên trong căn biệt thự Pháp 100 tuổi tại số 26 đường Lê Lợi, TP Huế.

Nhiều hệ thống cửa, tường, lò sưởi... vẫn còn nguyên trong căn biệt thự Pháp 100 tuổi tại số 26 đường Lê Lợi, TP Huế.

Sau đó, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương cho phép Công ty CP Hạ tầng và Dịch vụ truyền thông Logi 3 nghiên cứu đầu tư dự án khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp tại khu đất số 26, 28 Lê Lợi, TP Huế. Nhiều văn nghệ sĩ trí thức đã phản ứng khi biệt thự Pháp cổ nói trên có nguy cơ bị đập bỏ.

Tuy nhiên, sau khi ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết lãnh đạo tỉnh vẫn quyết định giữ lại ngôi biệt thự này với mong muốn lưu giữ hình ảnh cho đô thị Huế trong quá trình phát triển; đồng thời nhờ “thần đèn” Nguyễn Văn Cư di dời ngôi biệt thự cổ nói trên, giới trí thức tại Huế đã rất hoan nghênh và ủng hộ cách làm của lãnh đạo tỉnh.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tỉnh này sẽ dự kiến thuê “thần đèn” Nguyễn Văn Cư ở TP HCM ra Huế để di dời ngôi biệt thự Pháp cổ tại số 26 đường Lê Lợi. Địa điểm di dời ngôi biệt thự Pháp là khu đất trống phía đối diện ở bờ sông Hương; phần đất trống tại số 26 Lê Lợi sẽ được sử dụng cho mục đích dịch vụ.

Việc di dời sẽ gặp không ít khó khăn vì ngôi biệt thự đã có tuổi đời rất lớn.

Việc di dời sẽ gặp không ít khó khăn vì ngôi biệt thự đã có tuổi đời rất lớn.

Khối nhà biệt thự này khá lớn với nhiều đường nét, chi tiết và cấu kiện.

Khối nhà biệt thự này khá lớn với nhiều đường nét, chi tiết và cấu kiện.

Chiều 21/7, UBND TP Huế cho biết đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế các nội dung liên quan về phương án di dời công trình biệt thự Pháp có tuổi đời hơn 100 năm tuổi tại số 26 đường Lê Lợi, TP Huế.

Sau khi làm việc với các đơn vị liên quan và Công ty TNHH xử lý lún nghiêng Nguyễn Văn Cư (doanh nghiệp của “thần đèn” Nguyễn Văn Cư – người gốc Huế tại TP HCM) về phương án, ông Cư đã dự kiến có 14 bước để di dời tòa biệt thự Pháp cổ này.

Ngôi biệt thự Pháp cổ sau di dời sẽ có hướng quay mặt ra đường Phạm Hồng Thái, cách lộ giới đường Phạm Hồng Thái khoảng 20m. Thời gian thực hiện di dời công trình khoảng 4 tháng. Kinh phí thực hiện di dời khoảng 2,5 tỷ đồng, chưa tính kinh phí cải tạo tòa nhà sau khi di dời.

Một số đường nứt trên tường ngôi biệt thự.

Một số đường nứt trên tường ngôi biệt thự.

Theo ông Cư, vì Huế là quê hương nên ông sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ một cách tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, do biệt thự Pháp cổ với phần nền móng chủ yếu được xây bằng gạch chứ không phải bằng bê tông khối như các công trình thông thường, nên để di dời ngôi biệt thự này sẽ rất khó, gặp nhiều vấn đề phức tạp về mặt kỹ thuật, nhưng ông Cư vẫn đặt kỳ vọng mình sẽ làm được.

Chính diện ngôi biệt thự nhìn từ đường Lê Lợi (Ảnh: Hoàng Hải).

Chính diện ngôi biệt thự nhìn từ đường Lê Lợi (Ảnh: Hoàng Hải).

Được biết, hiện ông Cư cũng đang thực hiện di dời ngôi chánh điện nặng 1.000 tấn tại cổ tự Diệu Đế tại TP Huế. Thay vì phá dỡ chánh điện cũ như ý định trước đây, nhà chùa đã mời “thần đèn” Nguyễn Văn Cư di dời vị trí ngôi chùa này.

Ông Cư và đội ngũ của ông sẽ tiến hành dịch chuyển ngôi chánh điện 18m so với vị trí ban đầu để giữ nguyên các công trình kiến trúc phía trong, phần quan trọng nhất là giữ nguyên được 3 bệ thờ Phật và bức tranh “Long vân khế hội” được vẽ trên trần chánh điện. Bức tranh “Long vân khế hội” (hay còn gọi là Cửu Long Ẩn Vân) đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục “Bức tranh vẽ trên trần chánh điện xưa và lớn nhất Việt Nam”, vào tháng 3/2008.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.