(GD&TĐ) - Chiều 17/11, với đa số phiếu thuận, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Khoáng sản (sửa đổi) và Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2011.
Hai Luật mới đều có hiệu lực vào ngày 1/7/2011. |
Tại báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, nội dung dự thảo luật đã có sự thay đổi cơ bản so với luật hiện hành là thực hiện cơ chế quản lý nhà nước về khoáng sản phù hợp với nền kinh tế thị trường.
Cụ thể, việc cấp quyền khai thác khoáng sản về nguyên tắc phải được thực hiện trên cơ sở đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo đảm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, xóa bỏ tình trạng xin – cho dễ nảy sinh tiêu cực.
Tuy nhiên, trong thực tế có một số khu vực khoáng sản, loại khoáng sản khi cấp quyền khai thác không thể thông qua đấu giá, chẳng hạn đối với một số loại khoáng sản quý hiếm có tính chiến lược của nền kinh tế hoặc những khoáng sản ở khu vực nhạy cảm về môi trường, về bảo đảm quốc phòng, an ninh...
Do đó, để bảo đảm yêu cầu quản lý chặt chẽ về cấp quyền khai thác khoáng sản, dự thảo luật quy định việc cấp quyền khai thác khoáng sản không thông qua đấu giá chỉ được tiến hành ở khu vực khoáng sản do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở quy định các tiêu chí để xem xét cụ thể. Trong trường hợp này tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của luật.
Như vậy, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện cả ở khu vực hoạt động khoáng sản nhưng chưa thăm dò khoáng sản và khu vực hoạt động khoáng sản đã thăm dò khoáng sản. Trường hợp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản thì tổ chức, cá nhân trúng đấu giá khai thác khoáng sản phải thực hiện việc thăm dò khoáng sản. Kết quả thăm dò khoáng sản do Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia thẩm định và phê duyệt để bảo đảm lợi ích quốc gia.
Liên quan đến nội dung còn nhiều ý kiến trái chiều về chuyển nhượng quyền hoạt động khoáng sản, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về nguyên tắc dự thảo luật không khuyến khích chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản để hạn chế việc mua đi bán lại giấy phép phát sinh nhiều tiêu cực.
Tuy nhiên, trên thực tế, có tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản do điều kiện khách quan không thể tiếp tục thực hiện dự án đầu tư, có nhu cầu chuyển nhượng dự án đã đầu tư để thu hồi vốn. Do đó, để phù hợp với các luật hiện hành như Luật Đầu tư , Luật Doanh nghiệp và hạn chế việc làm thất thoát tài sản xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho phép chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác khoáng sản.
Để hạn chế tình trạng mua đi bán lại giấy phép các dự án nhằm trục lợi gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, dự thảo luật có quy định nguyên tắc, điều kiện tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản được chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản và chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác khoáng sản.
Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.
Cũng trong chiều nay, đa số đại biểu đã nhất trí thông qua dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo quy định của luật, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Luật cũng giao cho Chính phủ quy định chi tiết việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh. Đồng thời, quy định điều kiện cụ thể của địa phương, UBND xã, phường, thị trấn, ban quản lý chợ, khu thương mại… triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể để bảo đảm chất lượng, số lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng khi mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ của các cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh.
Theo quy định của luật, người tiêu dùng khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền lợi của mình không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí tòa án. Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.
Theo Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2011, trong năm tới, bên cạnh các hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, xem xét báo cáo công tác của cả nhiệm kỳ khóa 12 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ... tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 13 sẽ giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.
Quang Anh