Thông gia "đại chiến" vì đón dâu xa

Ngày nhà trai vào chơi nhà, thưa chuyện với đằng gái vợ, chồng bà Phượng phải thuê một cái xe 7 chỗ để đại diện họ hàng vào đó chơi. Đoàn đi chỉ có 5 người vào tới nơi, 4 người say rũ rượi. Đội hình y như một đoàn quân thất trận, ai nấy đầu tóc sợi dọc sợi ngang, mặt mũi tái xanh, nhìn thật tội nghiệp!

Thông gia "đại chiến" vì đón dâu xa
Trước khi con trai lên thành phố, bà Phượng dặn đi dặn lại: “Con chăm chỉ làm ăn, đừng theo bạn bè la cà hàng quán nhậu nhẹt kẻo tốn tiền. Cố gắng dành dụm lấy cái vốn rồi về quê lấy vợ, chứ đừng kiếm vợ nơi khác. Nhà mình nghèo, bố mẹ chẳng có tiền thuê xe đưa đón dâu đâu. Mà lấy vợ xa, làm được bao nhiêu chỉ nuôi tàu nuôi xe hết thôi”.
Nghe mẹ nói, Thịnh vâng dạ liên hồi, thế mà năm trước, năm sau, nó đã về báo tin: “Con yêu con bé người Thanh Hóa rồi bố mẹ ạ! Chuyến sau con đưa về ra mắt”. Nghĩ đến khoảng cách hai nhà cách nhau hơn 200 cây số mà bà Phượng phát hoảng. Bà ra sức khuyên can con nhưng chẳng được.
Chuyện gì đến rồi cũng đến. Ngày nhà trai vào chơi nhà, thưa chuyện với đằng gái vợ, chồng bà Phượng phải thuê một cái xe 7 chỗ để đại diện họ hàng vào đó chơi. Đoàn đi chỉ có 5 người vào tới nơi, 4 người say rũ rượi. Đội hình y như một đoàn quân thất trận, ai nấy đầu tóc sợi dọc sợi ngang, mặt mũi tái xanh, quần áo xộc xệch, nhìn thật tội nghiệp!
Trong đầu bà Phượng chỉ mong sao nhà gái châm chước, thương con thương cái bớt đi cho những thủ tục rườm rà. Ông Phượng đứng lên phát biểu đôi bàn tay xoắn chặt vào nhau: “Chúng tôi cũng biết thế này là vắn tắt. Nhưng đường sá xa xôi, nếu các ông các bà bên này thông cảm, xin cho chúng tôi tổ chức đặt trầu và xin dâu trọn vẹn trong 1 ngày thì tốt quá”.
Vừa nghe đến đây, đại diện phía nhà gái giãy nảy: “Ấy chết, như thế sao được! Chúng tôi ở đây có tục đặt trầu phải cách cưới 1 tuần. Có thế thì nhà gái mới có lễ vật, trầu cau để đem đi mời cưới chứ”. Thế rồi lễ vật thôi thì đủ thứ nào lễ ngọt, lễ mặn, lễ rau xanh... bà Phượng đang say xe nghe vào mà muốn ngất xỉu.
don-dau.jpg
Nghe trong người sức khỏe không cho phép, bà Phương đành nói: “Thôi thì đường xá xa xôi, lễ đặt trầu của các cháu, họ nhà em xin phép đi xe máy ít người, còn đâu dành đến hôm cưới...”. Nghe thế, phía đằng gái nghĩ ngay là đằng trai khinh mình nên mới tiếc tiền thuê xe cộ. Ông thông gia đứng lên nói thẳng: “Trong này tục lệ đặt trầu thì đông người, còn cưới cử đại diện là xong”. Đằng trai chịu cứng họng, đến nước này, dừng lại sao được, đành “nhắm mắt đưa chân”.
Với lễ đặt trầu, bà Phượng huy động anh em con cháu được hơn chục người bốc hết lên xe. Đi cho có số đông chứ người thì say nghiêng say ngả, đội hình đâu có hoành tráng. Đến nơi tập kết lễ vật thì nom đến lễ mặn đôi gà trống thiến chết cỏng queo từ lúc nào. Bà Phượng sợ quá vội nháo nhào nhờ người lái xe vào xóm mua đôi gà khác.
Đằng nhà gái thì thấy xe nhà trai đã đến đầu ngõ mà mãi không chịu đưa người vào, ai nấy xì xèo lấy làm khó chịu. Lúc ngồi vào bàn đàm phán, đằng nhà gái có ý trách đằng trai tới muộn. Đại diện đằng trai cũng tức tiết nói: “Các ông các bà trong này phiền hà không thương con cháu, đòi hỏi lắm lễ nghi quá. Sau này cũng chỉ khổ vợ chồng chúng nó thôi!”
grace-gn-new-t.jpg
Sau buổi ấy, về tới nhà, ông bà Phượng lăn ra ốm. Ngày cưới sắp đến mà ông bà không gắng gượng được, đành ủy quyền việc đi đón dâu lại cho vợ chồng bác cả. Khốn nỗi, ô tô của nhà trai vào đến nơi không có mặt bố mẹ chú rể, đằng gái nhất định không chịu trao dâu. Chú rể xin xỏ thế nào họ cũng không nghe.
Thế là ông bà Phượng đành phải gọi điện trực tiếp thông báo: “Vợ chồng chúng tôi đang nằm viện. Nếu ông bà thương con cháu, quyết tâm gả thì hai bên làm đủ thủ tục để gia đình chúng tôi xin đón cháu Loan về. Nếu không thì ông bà cũng nói rõ một câu, chuyện cưới xin giữa hai bên xem như bỏ”. Bấy giờ, mẹ cô dâu mới khóc mếu xin họ hàng cho cháu về nhà chồng. Rồi ông bà sui gia cũng đành theo xe hoa ra thăm ông bà Phượng vào ngày cưới của con gái.
Theo Phunuvietnam.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ