Thông điệp từ giải thưởng

GD&TĐ - Nobel Hòa bình được nhìn nhận là giải thưởng danh giá nhất trong hệ thống giải Nobel được trao hàng năm.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Năm nay, Nobel Hòa bình được trao cho Nihon Hidankyo của Nhật Bản. Tổ chức này đã đánh bại 285 ứng cử viên khác, gồm 197 cá nhân và 88 tổ chức khác.

Giải Nobel Hòa bình được một Ủy ban bao gồm 5 thành viên chọn ra. 5 thành viên này do Quốc hội Na Uy đề cử. Giải được trao từ năm 1901. Theo Từ điển Oxford về lịch sử thế giới thế kỷ 20, Giải Nobel Hòa bình hàng năm vinh danh những cá nhân hoặc tổ chức có đóng góp nhiều nhất hoặc tốt nhất cho tình bằng hữu giữa các dân tộc trên thế giới, cho việc xoá bỏ hoặc cắt giảm quân đội và duy trì cũng như thúc đẩy tiến triển của hoà bình thế giới.

Có thể thấy được ngay qua đó bản chất và mục đích của Giải Nobel Hòa bình là chính trị bởi hoà bình thế giới hay quan hệ giữa các quốc gia, giữa các dân tộc trên thế giới luôn là chuyện chính trị.

Nihon Hidankyo, thành lập năm 1956, là tổ chức của các nạn nhân sống sót sau vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản hồi tháng 8/1945. Tổ chức này theo đuổi hai mục đích chính là giúp đỡ những nạn nhân của hai vụ thảm sát hạt nhân nói trên và nỗ lực đấu tranh để vũ khí hạt nhân không được sử dụng trên thế giới.

Nihon Hidankyo sử dụng số phận của những nạn nhân này để thức tỉnh cả thế giới về hậu quả và hệ luỵ của việc sử dụng vũ khí hạt nhân; nhắc nhở nhân loại về trách nhiệm cấm, cấm phổ biến, giải trừ và kiểm soát vũ khí hạt nhân cũng như không để cho vũ khí hạt nhân được sử dụng ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Ủy ban trao Giải Nobel Hòa bình của Na Uy tôn vinh những tôn chỉ, mục đích nói trên của Nihon Hidankyo. Đấy cũng là thông điệp trọng tâm của Giải Nobel Hoà bình năm nay. Hiroshima và Nagasaki được nhắc trở lại và thời sự hoá trong chính trị thế giới.

Những nạn nhân của hai vụ sử dụng bom nguyên tử nói trên thông qua việc trao giải năm nay để nhắc nhở tất cả mọi người trên Trái đất về trách nhiệm không để cho lặp lại Hiroshima và Nagasaki trong tương lai.

Thông điệp từ giải thưởng cũng còn là nhân loại càng không thể quên Hiroshima và Nagasaki khi hiện tại mọi chuyện liên quan đến vũ khí hạt nhân trên thế giới gây quan ngại sâu sắc hơn bao giờ hết. Mỹ và Nga đã ngưng trệ trên thực tế mọi tiến trình và cơ chế giải trừ và kiểm soát vũ khí hạt nhân song phương.

Nga và Triều Tiên ở hai khu vực mà tình hình chính trị an ninh diễn biến phức tạp và khó lường trước đến mức hai nước này đã tuyên bố sẵn sàng sử dụng đến cả vũ khí hạt nhân để ứng phó khi bị thách thức, đe doạ và xâm hại an ninh từ bên ngoài.

Cạnh tranh hạt nhân vẫn tiếp diễn giữa một số bên. Các cường quốc hạt nhân tiếp tục tăng cường tiềm lực và hiện đại hoá vũ khí hạt nhân của họ. Trên thế giới, không chỉ có tiếp tục răn đe mà còn xuất hiện cả đe doạ sử dụng lẫn sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân. Chính vì thế mà việc hướng tới thế giới không sử dụng vũ khí hạt nhân và không có vũ khí hạt nhân như tôn chỉ mục đích của Nihon Hidankyo càng thêm cần thiết và cấp thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.