Thông điệp trong tập bản thảo bí ẩn

Thông điệp trong tập bản thảo bí ẩn

(GD&TĐ) - Trong tập bản thảo viết tay thuộc sở hữu của nhà sưu tầm đồ cổ Mỹ Wilfrid Voynich dưới dạng một quyển sổ đóng bìa da, dường như được hoàn thành vào thế kỷ XV, có những dòng chữ và hình vẽ bí ẩn. Từ hơn 100 năm nay, các nhà mật mã học cừ khôi nhất thế giới đã cố gắng giải mã tập bản thảo này. Nhưng họ không thành công. Hiện tại, trên tạp chí “Plos One” (Mỹ), hai nhà nghiên cứu  cho biết, quyển sổ của Voynich có chứa một thông điệp nào đó.

Nhà sưu tầm đồ cổ người Mỹ gốc Ba Lan Wifrid Voynich đã mua được tập bản thảo nói trên vào năm 1912 tại Frascati gần Roma (Italy). Bản thảo bao gồm 120 trang, kích thước mỗi trang là 23,5x16,2 cm, được viết bằng một thứ chữ chân phương trong đó có một số ký tự trông như chữ cái Latinh và chữ số Ả rập, tuy nhiên toàn bộ ký tự không giống với bất kỳ bảng chữ cái đã biết nào trên thế giới.

Có lần để cho thuận lợi, các nhà mật mã học đã dịch các ký tự trên bản thảo ra các chữ cái Latinh (mặc dù vẫn còn tranh cãi về vấn đề có bao nhiêu ký tự được sử dụng trong bản thảo). Khi đó, văn bản có nội dung đại loại như sau: “Yteedy qotal dol shedy qokedar chcthey otordoror qokal otedy qokedy qokedy dal qokedy qokedy skam”. Cho đến nay chưa ai có thể hiểu được nội dung này.

Hình vẽ những loài cây lạ

Văn bản đi kèm với hàng chục hình vẽ minh họa. Chúng ta có thể nghĩ rằng chúng cung cấp các chỉ dẫn về nội dung mà văn bản thể hiện. Tuy nhiên, trong thực tế các hình minh họa lại làm nhiễu loạn thêm. Đó là hình vẽ những loài cây kỳ lạ, phần lớn không thể nhận dạng. Bên cạnh đó là những dấu hiệu hoàng đạo, những ngôi sao, những biểu tượng của thuật giả kim,  phác thảo những phụ nữ đang tắm... Tất cả đều không có ý nghĩa gì lớn.

Lúc còn sống, Voynich không muốn tiết lộ nguồn gốc tập bản thảo. Do vậy, một số người thậm chí nghi ngờ chính ông là người làm tập bản thảo đó. Thế nhưng 4 năm trước, tập tài liệu này đã được các nhà khoa học ở Trường Đại học Arizona xác định niên đại bằng phương pháp phóng xạ carbon và họ đã khẳng định là nó hình thành trong nửa đầu thế kỷ XV.

Cho đến nay, chưa có một nhà mật mã học hoặc ngôn ngữ học nào có thể giải mã và đọc được thứ chữ lạ viết trên bản thảo. Nhiều chuyên gia mật mã học nổi tiếng nhất đã dồn sức giải mã nhưng tất cả đều thất bại. Trong số các chuyên gia đó, có nhà mật mã học Mỹ William Frederick Friedman. Ông nổi tiếng vì thành tích phá mã của quân đội Nhật Bản trong Thế chiến II. Sau chiến tranh, ông là người lập ra phòng mật mã trực thuộc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).

Gần 10 năm trước, trên tạp chí “Mật mã”, nhà sử học kiêm nhà mật mã học Gordon Rugg ở Trường Đại học Keele (Anh) đã khẳng định rằng tập bản thảo chỉ chứa đựng những câu vô nghĩa, không chứa đựng bất kỳ thông điệp gì. Rugg thậm chí còn tạo ra một văn bản vô nghĩa theo mẫu của bản thảo Voynich để chứng minh nhận định này.

Ám ảnh bởi bí mật của tập bản thảo

Tuy nhiên, phân tích mới nhất, đăng tải trên tạp chí “Plos One” nói rằng giáo sư Rugg nhầm lẫn, còn bản thảo đúng là chứa một thông điệp nào đó.

Tác giả của nhận định này là Marcelo A. Montemurro và Damian H. Zanette.

Marcelo Montemurro là một trong các nhà nghiên cứu bị ám ảnh bởi bí mật của tập bản thảo. Là một nhà vật lý lý thuyết, ông đã bỏ ra nhiều năm để nghiên cứu tính chân thật của văn bản. Montemumrro đã nghiên cứu thống kê tần số xuất hiện các từ khác nhau trong tập bản thảo. Cách hiểu của ông như sau: Trong mỗi văn bản có những từ chủ chốt và có ý nghĩa cơ bản đối với việc chuyển giao nội dung. Nói tóm lại, về mặt ngữ nghĩa thì những từ này có ràng buộc với nhau. Khi đề tài được miêu tả thay đổi thì những từ chủ chốt này cũng thay đổi theo. Phân tích các nhóm từ liên quan với nhau, có thể phát hiện ra quy luật mà theo đó đề tài thay đổi.

Trước hết, đó có thể là chứng cớ cho thấy các từ không được phân bổ đồng đều mà hoàn toàn tình cờ, vì vậy đây không phải là những câu vô nghĩa. Phân tích của các nhà khoa học khẳng định trong tập bản thảo của Voynich cũng có các nhóm từ chủ chốt và chúng có sự phân bố giống như trong văn bản viết bằng thứ ngôn ngữ tự nhiên. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu cũng  phát hiện ra sự tương đồng giữa các nhóm từ chủ chốt và các hình vẽ minh họa. Như vậy, đây không phải là văn bản vô nghĩa vì nó có cấu trúc ngôn ngữ.

Tuấn Sơn

(Theo báo nước ngoài)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ