Thông điệp mạnh mẽ trong bức thư cô giáo gửi học sinh

GD&TĐ - Bức thư của một cô giáo dạy Ngữ văn tại Hà Tĩnh đang gây nhiều xúc động tới học sinh, phụ huynh trước thềm năm học mới.

Cô Hồng Cẩm trong buổi chia tay học sinh lớp 12 tại trường.
Cô Hồng Cẩm trong buổi chia tay học sinh lớp 12 tại trường.

Những ngày này, học sinh Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung đang trải qua những cung bậc cảm xúc đặc biệt. Với cô Phan Thị Hồng Cẩm (GV Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Đức Thọ, Hà Tĩnh) hiểu và chia sẻ học trò vẫn chưa đủ, bởi bức thư được cô viết bằng tay, xuất phát từ trái tim chứa đựng những trăn trở, yêu thương, dặn dò học trò của mình trước thềm năm học mới.

Mong muốn là được dạy offline

Trong bức thư cô Phan Thị Hồng Cẩm chia sẻ: “Hôm nay, thầy cô lại được tập huấn lại về kĩ năng dạy học trực tuyến, rồi miệt mài thiết kế lại bài học để linh hoạt thích nghi với mọi hoàn cảnh. Mỗi bài học có thể đặt ở các tình huống khác nhau: offline – online 75% - online 50% - online 25%... Điện thoại của các thầy cô lâu lâu lại sáng lên vì những thông báo cập nhật mới của trường thay đổi từng ngày, từng buổi”.

Bức thư hơn 800 chữ viết bằng tay trên khổ giấy A4.
Bức thư hơn 800 chữ viết bằng tay trên khổ giấy A4.

Điều mong muốn lớn nhất đối với tất cả giáo viên lúc này là được dạy offline. Trong bức thư, cô Cẩm chia sẻ, có cậu lớp 12 dí dỏm nhắn cho tôi rằng: “Cô ơi! Em muốn bị cô búng tai thử một lần! Em muốn được cô gọi lên bảng trả bài! Em thèm cảm giác bị cô nhắc nhở: “Anh kia! Ngồi ngay ngắn lại nào”… Ngay bây giờ, kể cả tiếng bước chân chạy bình bịch và tiếng thở hổn hển cùng một “rổ” lí do muộn giờ của các anh “cá biệt” cũng là mơ ước đến cháy lòng”.

Mong muốn là thế nhưng khi đối diện với thực tế thì cô Hồng Cẩm lại tự trấn an, động viên chính mình và học trò rằng: “Dịch bệnh đang rất căng thẳng, chúng ta vẫn đang cảm nhận rất rõ về ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Nhưng triệu triệu con tim và khối óc đang gồng mình chống dịch với niềm tin mãnh liệt.

Khi TPHCM bước vào ngày đầu tiên thực hiện lệnh giới nghiêm để xiết chặt giãn cách thành phố. Khi màn đêm đang lặng yên, khi chúng ta đang chìm vào giấc ngủ thì lễ xuất quân âm thầm để kịp “thời khắc lịch sử” của thành phố này diễn ra vào đêm 22/8. Khi mà hàng nghìn quân nhân, y bác sỹ, chiến sỹ của Học viện Quân y đã đặt chân vào mảnh đất miền Nam ruột thịt… Chúng ta hãy học cách biết ơn và đây là lúc cô trò chúng ta phải tiếp tục hành động”.

Cô Hồng Cẩm trong buổi chụp ảnh kỷ yếu học sinh lớp 12.
Cô Hồng Cẩm trong buổi chụp ảnh kỷ yếu học sinh lớp 12.

Ngay sau đó, cô Hồng Cẩm liền đưa ra phương án, truyền đi một thông điệp mạnh mẽ tới học trò: “Ngày tựu trường và khai giảng ắt hẳn phải thực hiện Online, nhưng ngay lúc này các em và cô hãy thiết lập một đường truyền. Và cô đã biết mình cần phải làm ngay một điều gì đó cho những ngày Covid đừng qua đi trong chậm chạp và mệt mỏi”.

Gặp nhau trên Zoom, Team, Google meet, Zalo, facebook

Trở lại vị trí của một cô giáo “như mẹ hiền”, cô Hồng Cẩm chuyện trò riêng với "con trai, con gái” của mình qua những dòng thư: “Khi mà các anh chị vừa tốt nghiêp THPT với những điểm số đáng tự hào đang chờ đợi cho chặng đua tiếp theo thì các em hãy chuẩn bị hành trang bước vào ngưỡng cửa mới nhé! Dù có thể không gặp nhau trực tiếp trên giảng đường thì cô tin rằng chúng ta vẫn luôn cùng chung một chí hướng, chung một bầu trời ước mơ và nhiệt huyết cháy bỏng”.

“Chúng ta sẽ gặp nhau trên Zoom, Team, Google meet, Zalo, facebook… Ngay từ bây giờ, hãy xác lập thói quen thích nghi với những thay đổi bất ngờ trong cuộc sống. Đừng ngại ngần với công nghê. Hãy chịu khó tự học những thứ chúng ta chưa biết, các em nhé” – cô Cẩm nhắn gửi.

Bức thư viết tay dài 3 trang A4.
Bức thư viết tay dài 3 trang A4.

Trong lá thư tay, cô Cẩm dặn dò trò của mình với sự yêu thương và đầy trách nhiệm: Ngoài sách vở, dụng cụ học tập đầy đủ; quần áo giản dị, sạch sẽ; nước uống thường xuyên; khẩu hiệu 5k…, các em hãy  thiết lập giúp cô một đường truyền. Đường truyền của niềm tin, của đam mê, của bản lĩnh và trí tuệ. Mỗi chúng ta sẽ là một “sợi truyền” để giữ giữ lửa.

Hãy nhìn sang bên cạnh các em, những bạn chưa có máy tính, không có smartphone, nếu vẫn chưa đến trường được, hãy hỗ trợ các bạn ấy. Bên cạnh chúng ta, nếu có bạn nào từ vùng dịch trở về, hãy tìm cách kết nối an toàn, để bạn không bị lỡ nhịp… Vốn dĩ, cô biết các em là những đứa trẻ biết nhường cơm sẻ áo, biết yêu thương những ai khốn khổ hơn mình… Đó là cách để các em, các thầy cô thiết lập những đường truyền đấy các em ạ”.

Kết thúc bức thư, cô Cẩm không quên truyền đi thông điệp mạnh mẽ tới học trò của mình: “Khi chúng ta đã thiết lập đường truyền rồi, cô tin rằng chẳng có một con virus nào có thể hạ gục nổi chúng ta. Hãy là những chiến sĩ yêu nước trên mặt trận văn hóa. Hãy không ngừng học tập và sáng tạo… chúng ta nhất định sẽ có một đường truyền bất tận và không có con virus nào có thể xâm nhập được".

Cô Phan Thị Hồng Cẩm trong một tiết dạy Ngữ văn tại trường.
Cô Phan Thị Hồng Cẩm trong một tiết dạy Ngữ văn tại trường.

Ngay sau khi bức thư được cô giáo Hồng Cẩm gửi học sinh toàn Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai và đăng tải trên trang mạng xã hội của mình đã nhận được nhiều lời cám ơn và mong bức thư được lan tỏa thật nhiều. Phụ huynh học sinh tên Lê Hồng Phú (thị trấn Đức Thọ, Hà Tĩnh) nói rằng: “Thật xúc động. Bức thư này cần được lan tỏa để các thế hệ học trò hiểu cố gắng ngay lúc này".

Còn phụ huynh Nguyễn Ngọc Mai (TP Hà Tĩnh) xúc động nói: “Đọc những dòng tâm tư mà cô giáo gửi gắm cho học sinh trước thềm năm học mới thật xúc động. Thế mới biết cái tâm của các giáo viên, luôn muốn học trò của mình đạt những điều tốt đẹp nhất, vượt qua được đại dịch Covid-19".

Chia sẻ với về bức thư dài hơn 800 chữ này, cô Phan Thị Hồng Cẩm cho biết: "Tôi đã viết trong một buổi tối, xuất phát từ tình yêu thương học trò trong thời điểm dịch bệnh hoành hoành. Sự chờ đợi ở năm học mới, vừa háo hức, vừa lo lắng. Cảm thấy cần gửi điều gì đó đến học sinh để vững tâm hơn. Vì bên các em luôn có thầy ở đó, đợi các em để truyền kiến thức. Tôi viết thư như muốn truyền động lực, niềm tin, có điều đó thì học sinh và phụ huynh sẽ an tâm hơn".

Được biết, bức thư này đã được cô Hồng Cẩm viết bằng tay, trên khổ giấy A4, xếp gọn và gửi tới học sinh như một món quà cho các em trong năm học mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.