Chân thực, đời thường mà rất sâu sắc, truyện ngắn Ông giáo… “gàn” của tác giả Trần Minh, đăng trên Số thứ Hai Báo Giáo dục và Thời đại (ngày 11/9/2023) mang đến cho người đời bài học quý, đáng suy ngẫm.
Ông giáo Thảo có tấm lòng thơm thảo
Trăm năm hữu hạn, đời người rồi cũng sẽ hư không, chút gì vương lại có chăng là những nhớ thương trong lòng hậu thế. Gần tám mươi tuổi, ông giáo Thảo trong câu chuyện Trần Minh kể đã rời xa bục giảng, song trái tim ấm áp của người thầy vẫn luôn tỏa sáng, tỏa sáng từ việc làm nhân ái trong cuộc sống đời thường nên ta càng trân trọng, kính yêu. Cái khéo của người viết truyện là chọn được khoảnh khắc đời thường để điểm tô trọn vẹn nhân cách người thầy trong cả một đời, trước sau vẫn thế, có khi nào đổi khác.
Lẽ thường, người nghệ sĩ tỏa sáng nơi ánh đèn sân khấu lung linh, người thầy để thương để nhớ nơi trái tim học trò từ những bài học hay trên bục giảng. Trong tác phẩm, chuyện về một thời đã qua của ông giáo Thảo được người viết tóm lược bằng vài câu văn ngỡ như đơn giản: “Nghe đâu, trước khi nghỉ hưu, ông dạy môn Toán tại một trường cấp ba. Vào dịp Hai mươi tháng Mười một hằng năm, vẫn có một vài tốp học sinh tóc đã muối tiêu đến thăm và tặng hoa cho ông”.
Hai câu văn ngắn, vẻn vẹn mấy mươi chữ, lớp nghĩa chủ yếu là cung cấp thông tin, ông Thảo trước là thầy dạy toán ở một trường cấp ba, học trò cũ đến thăm tặng hoa nhân dịp Hai mươi tháng Mười một hằng năm. Song, nếu ngẫm kĩ, hình ảnh “học sinh tóc đã muối tiêu” (trưởng thành, thậm chí lớn tuổi, tóc đã có sợi bạc) về thăm thầy cũ sẽ là một sự khẳng định, ân tình đáp lại ân tình.
Thuở trên bục giảng, tấm lòng ông giáo thơm thảo tuyệt thế nào thì giờ đây trò mới tìm về thăm hỏi tri ân. Vài ba nét chấm phá, nhưng người đọc vẫn tin, ông giáo vợ mất sớm, nuôi năm người con thành đạt đã sống trọn với những năm tháng làm thầy, thế nên ở cái phố nơi ông sống, người ta vẫn kính trọng gọi là “ông giáo”, trò vẫn về thăm với một lòng thành kính biết ơn. Gương sáng của người, ta hãy tự soi mình giữa muôn kiếp nhân sinh?
Sức hấp dẫn truyện, đôi khi được tạo nên ngay từ nhan đề. “Ông giáo gàn”, người đọc sẽ bị hút theo diễn biến cốt truyện để rõ hơn cái “gàn” của ông giáo mà người kể chuyện sẽ giới thiệu đầu đuôi như thế nào? Gần tám mươi tuổi, năm người con trai thành đạt, nhất là anh Hiền, Tổng Giám đốc một công ty lớn, “nhà vừa to, vừa đẹp lại có tới hai cái ô tô bóng loáng trong ga-ra”, cớ gì ông giáo Thảo lại “tha thẩn nhặt phế liệu trong đống rác trên một tuyến phố nhỏ cách nhà chừng hai cây số, chở đến một tụ điểm thu mua đồng nát để bán”.
Rồi nữa, người ta còn “bắt gặp ông giáo đứng nói chuyện với một phụ nữ làm nghề mại dâm, quen mặt ở khu vườn hoa” mỗi lần đi tập thể dục ở công viên. Sự việc một, tiếp nối sự việc hai, cái “gàn” được đẩy đến mức cao hơn. Dân phố bàn tán, cậu con út còn nghỉ việc, theo dõi bố để xác minh sự việc, “đúng như những gì hàng xóm mách, ông giáo có đi nhặt rác.
Nhưng đáng xấu hổ hơn, số tiền bán phế liệu, chiều về ông đưa hết cho một người phụ nữ trẻ làm nghề mại dâm ở khu vực vườn hoa thành phố”. Trong mắt của các con, ông giáo Thảo đúng là “lẩm cẩm, gàn dở”, sao lại làm những việc tréo ngoe, lạ đời như thế.
Hồi hộp, kịch tính, những việc làm được coi là “gàn” của ông giáo được mấy anh con trai lên kế hoạch chấm dứt, nhất quyết “phải làm gì để bố dừng lại”, không “bôi tro trát trấu lên anh em mình’. Hai phương án được thực thi, thu chiếc xe ba bánh ông giáo Thảo hay dùng đi tập thể dục, thuê lưu manh dằn mặt người phụ nữ ông cụ hay cho tiền, bắt cô ta đi nơi khác làm ăn, không được liên hệ với ông giáo nữa.
Thế rồi, mấy tháng buồn bã, không ra khỏi nhà, ông giáo Thảo mất sau khi ngã, ông mang đi luôn điều bí ẩn của những việc mình làm, các con chưa hiểu, người đời băn khoăn. Có lẽ, trong con mắt của nhiều người, thậm chí cả năm người con, ông giáo gàn đúng là gàn thật. Chất kịch của truyện được đẩy tới cao trào, tác giả rất khéo mở nút với bức thư dài tới ba tờ giấy viết kín hai mặt mà người phụ nữ “xấu xa, đáng nguyền rủa” bị “xua đuổi mấy năm về trước” đã gửi tới các con ông giáo nhân ngày giỗ của ông cụ.
Bức thư xóa tan mọi hồ nghi, làm rõ những việc làm được cho là “gàn” của ông giáo Thảo. Thì ra, “Ông giáo gàn” mà giàu lòng trắc ẩn, thương người. Đi tập thể dục ở công viên, ông giáo Thảo thấy một người phụ nữ trẻ làm nghề mại dâm mang theo đứa con nhỏ chừng ba, bốn tuổi đứng chờ khách ở đây. Mỗi lần có khách, người phụ nữ này lại bế đứa bé tới gửi bà bán hàng nước ở vỉa hè gần đó để “đi khách”.
Thương người, day dứt, sợ đứa bé sẽ mang theo mặc cảm nhơ nhớp về mẹ suốt đời, ông giáo Thảo đi nhặt phế liệu để thêm thắt vào đồng lương hưu đưa hết cho cô gái đó, giúp cô ta có tiền gửi con vào nhà trẻ. Xúc động tấm lòng người Thầy, dù người thầy đáng kính đó đã rời bục giảng.
Hành động nhân từ của ông giáo gần tám mươi nhắc ta bài học quý: Lòng tốt nhất định không cần phải khoe ra, sen khiêm nhường giản dị giữa chốn đầm lầy vẫn ngát thơm và thơm mãi; lòng thiện sẽ hướng thiện con người, cứu vớt con người, đưa họ từ bóng tối lầm lỡ tìm về với ánh sáng. Dõi theo diễn biến câu truyện, ấn tượng đậm sâu nhất của người đọc về ông giáo Thảo là một người Thầy có nhân cách đẹp, đức độ, nhân từ. Tấm lòng, nhân cách đẹp đó vẫn âm thầm tỏa sáng giữa cuộc sống đời thường, giản dị thanh cao và đáng quý biết nhường nào.
Tác phẩm Ông giáo… “gàn” đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại. |
Nước mắt của năm người con trai
Truyện ngắn lẽ thường là một lát cắt của đời sống, song tài năng của người viết, nhất định phải từ lát cắt đó mà giúp người đọc hiểu bản chất cuộc đời, thấu tỏ con người và ngộ ra những bài học bổ ích. Đọc truyện “Ông giáo gàn” (Trần Minh), tôi nghĩ nhiều đến phần kết lắng đọng rưng rưng: “Đọc xong bức thư, năm anh em Hiền không ai bảo ai quỳ rạp trước di ảnh của ông giáo, nước mắt tuôn trào. Trong lòng họ đều tự trách mình, là con cái mà chưa hiểu hết tấm lòng của bố!”.
Bức thư người phụ nữ mại dâm năm nào gửi cho các con ông giáo tựa như bụi vàng làm nên giá trị tác phẩm, bức thư làm ngời sáng nhân cách người cha, và còn bài học về cách nhìn người và sự thấu hiểu dành cho những người con. Hành động “quỳ rạp”, kết hợp với giọt “nước mắt tuôn trào”, đó là niềm xúc động, nhưng hơn cả là sự ân hận, day dứt “con cái chưa hiểu hết tấm lòng của bố”.
Cũng phải thôi, sông sâu, sào dài đo còn được, lòng người ai tường rõ nông sâu. Lẽ ra, trước lúc thực hiện hai phương án cấm cản việc làm “gàn’ của ông giáo, họ nên tìm hiểu đầu đuôi thì mấy tháng cuối đời ông Thảo sẽ không “buồn bã” rồi lặng lẽ mang theo cả những bí ẩn ra đi như vậy. Năm người con của ông Thảo thành đạt, giàu có, thậm chí hiếu thuận, muốn tốt cho cha, giữ thể diện cho mình. Giá như, tinh tế một chút, họ sẽ không phải xót đau về việc mình làm.
Câu truyện khép lại, bài học mở ra, làm con hãy hiểu lòng cha mẹ, đừng áp đặt bởi một mai chẳng kịp nữa đâu! Nghĩ vậy, ta sẽ thấy được ý nghĩa sâu sắc của một chi tiết nhỏ, và chi tiết nhỏ làm nên một truyện ngắn hay tạo ấn tượng khó phai trong lòng bạn đọc. Mong sao, giọt nước mắt, cái quỳ rạp trước di ảnh cha của mấy người con sẽ là tiếng chuông lay tỉnh với những phận làm con trong cuộc sống hôm nay.
Điểm nhấn về nghệ thuật truyện ngắn
Giá trị, sức hút của một truyện ngắn được tạo nên bởi chiều sâu ý nghĩa, song chiều sâu ý nghĩa đó cần được biểu hiện bởi những hình thức nghệ thuật độc đáo. Hồi hộp cùng câu chuyện về “Ông giáo gàn”, tôi nghĩ cái hay nhất của truyện là người viết đã tạo nên một tình huống giàu kịch tính, đủ các bước: Mở đầu - thắt nút - phát triển - cao trào - mở nút.
Từ câu chuyện bình thường về ông giáo gần tám mươi, vợ mất sớm, con cái thành đạt, các con trang bị cho bố chiếc xe ba bánh đi tập thể dục, người đọc bất ngờ với hành động đi nhặt phế liệu bán, lấy tiền cho cô gái bán dâm, gây sự hiểu nhầm cho các con, tiếp đến là cái chết mang theo cả những hoài nghi, và kết thúc là bức thư gửi đến xóa tan mọi bí mật. Cách kể giàu chất kịch mang đến cho người đọc sự thích thú, tò mò, để rồi dõi theo và hồi hộp về câu chuyện ông giáo gàn mà lại không gàn.
Truyện được kể bởi ngôi kể thứ ba, ở phương thức trần thuật này, người kể nằm ngoài cốt truyện, không phụ thuộc vào thế giới của các nhân vật trong truyện mà chỉ thực hiện nhiệm vụ dẫn dắt, người kể ẩn mình, nhưng có quyền năng toàn tri biết hết đường đi nẻo về của nhân vật.
Chuyện về ông giáo Thảo giúp người bởi lòng trắc ẩn yêu thương được thuật lại một cách tự nhiên mà lôi cuốn, vẻ đẹp tính cách nhân vật được khắc họa đậm nét, khách quan mà chân thực. Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa lời người kể chuyện, lời nhân vật, sự sáng tạo chi tiết nghệ thuật đã góp phần làm nên giá trị đặc biệt của truyện.
Trái tim làm nên trang văn, nghệ thuật khẳng định vị thế người cầm bút. Với một truyện ngắn, dung lượng chưa tới hai nghìn chữ, cốt truyện giản dị, bằng tài năng của mình, người viết tạo nên một lát cắt hay về dòng chảy đời sống, nhắn gửi người đọc chiều sâu ý nghĩa, lan tỏa bài học giá trị.
Dư âm sẽ còn lan tỏa
Đông đã về, cái se lạnh của những cơn gió mùa sẽ tan đi bởi nghĩa tình ấm áp. Truyện ông giáo già đi nhặt rác bán, cùng với đồng lương hưu của mình trao tặng cho người phụ nữ khổ và đứa trẻ tội nghiệp, giúp họ thay đổi cuộc đời đọng lại trong tôi những cảm xúc khó quên. Của cho không bằng cách cho, nhất là kiếm tiền bằng sức lao động để giúp người thì chẳng có gì xấu hổ cả.
Bởi thế, câu chuyện về người thầy về hưu, lặng lẽ giúp cô gái làm nghề mại dâm, tránh làm tổn thương bảo vệ tâm hồn con trẻ, mặc ai đó cho là “gàn” rất đáng suy ngẫm. Làm việc thiện, chớ nề hà, không đắn đo điều tiếng, hãy cứ hành động với cái tâm chân thành của mình, thế là đủ.
Tác phẩm văn chương giá trị không bao giờ kết thúc ở trang cuối, truyện về “Ông giáo gàn” chắc hẳn sẽ lan tỏa đến người đọc những bài học vô cùng sâu sắc. Ông giáo Thảo đi xa, song tấm lòng thơm thảo sẽ còn mãi. Nghiệp làm thầy vất vả chông chênh, giữ được cốt cách người thầy là niềm hạnh phúc, giữa muôn kiếp nhân sinh, đục trong lẫn lộn, mong sao mỗi người thầy sẽ giữ trọn đạo làm Thầy. Đó là tự trọng, và cũng là trách nhiệm của những ai đã và đang theo nghiệp trồng người cao quý.