Tấm lòng người thầy giữa đại ngàn Tây Bắc

Tấm lòng người thầy giữa đại ngàn Tây Bắc
Trường cấp 3 Cò Mạ nổi bật giữa trung tâm xã
Trường cấp 3 Cò Mạ nổi bật giữa trung tâm xã

Thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ và hiểm trở. Vượt qua những địa danh như Cửa gió, Cửa rừng…mới thấy được phần nào những nguy hiểm đang rình rập, nếu chỉ sơ sẩy tay lái thì cả người và xe có thể lao xuống vực bất cứ lúc nào.

Chúng tôi tìm đến trường PTTH xã Cò Mạ sau một hồi vật lộn với “con ngựa sắt” trên hơn 4 km lội bùn. Ngôi trường dễ dàng được nhận ra bởi nó là khu nhà xây duy nhất giữa một thung lũng nhỏ hẹp, bốn bề là núi đá vôi âm u ẩm ướt. Đang trong kỳ nghỉ hè mà vẫn còn một lớp học, thấp thoáng bóng thầy giáo đang giảng bài. Cả trường chỉ còn lại hai giáo viên trực trường - thầy hiệu trưởng và thầy giáo đang lên lớp.

Thầy Phạm Hữu Kiền được điều động từ trường PTTH thị trấn lên giữ chức hiệu trưởng kể từ khi trường mới thành lập năm 2004. Lúc đó số lượng giáo viên ở trường chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thầy cho biết: “Học sinh của trường thì đến 95% con em thuộc các dân tộc Mông, Thái, Kháng, hầu hết các em nói tiếng phổ thông còn chưa sõi. Việc dạy học cho các em đã khó khăn giờ lại càng khó khăn hơn!”. Thầy lắc đầu thở dài: “Các chú nhìn thì biết đấy! Lương giáo viên vùng 3 có cao hơn thật, nhưng ở trong này muốn ăn ngon không có cái để mà mua. Thức ăn từ bó rau đến cân thịt thì đắt gấp đôi gấp ba ở thị trấn…”

Thầy Kiền dẫn chúng tôi sang lớp đang học để gặp một thầy giáo trẻ tuổi từ vùng xuôi lên, tình nguyện ở lại Tây Bắc dạy học. “Đã ba năm rồi thấy ấy xin tình nguyện hè ở lại trông trường, dạy phụ đạo hè và ôn thi đại học cho các em”- thầy Kiền cho biết.

Đó là thầy giáo Trần Văn Linh. Lúc đó thầy đang cặm cụi giảng phụ đạo Toán cho một lớp học chỉ có 6 học sinh. Dáng người nhỏ nhắn, mảnh khảnh, nhưng đôi mắt sáng với đôi tay cầm phấn linh hoạt. Giọng thầy ôn tồn nhưng không giấu được vẻ nhẫn nại trước mấy đứa học trò quần áo chàm bạc phếch.

Giờ giải lao, thầy Linh tranh thủ tiếp chuyện tôi: “Đã lâu lắm rồi mới được gặp người thành phố! Ở cái đất này, mình chỉ biết thông tin qua đài FM và những tập sách báo cũ từ huyện chuyển vào. Cuộc sống thiếu thốn đủ bề, nhưng ơn trời vẫn có một vài học sinh ham học”- Đôi mắt thầy Linh hướng về mấy đứa trẻ người Mông với ánh mắt tự hào.

Sinh năm 1982, quê ở Kiến Xương - Thái Bình, thầy Linh vốn có ước mơ trở thành một kỹ sư. Nhưng rốt cuộc thầy lại đến với nghề giáo. Tốt nghiệp Đại học Tây Bắc năm 2004 với tấm bằng cử nhân toán loại khá, thầy tình nguyện xin lên trường vùng cao này.

Thầy Trần Văn Linh (ngoài cùng bên trái) cùng các em học sinh dân tộc
Thầy Trần Văn Linh (ngoài cùng bên trái) cùng các em học sinh

Nhìn về mấy căn nhà lụp xụp dưới trung tâm xã, thầy nghẹn ngào tâm sự: “Quê mình trước đây cũng nghèo và rách như thế kia, nhưng còn có điện, có ti vi mà xem, chứ mấy đứa học trò mình nhà cách trung tâm xã hàng chục cây số, sáng ra làm bạn với chim rừng, tối về âm thầm bên đống củi leo lét …”

Trường PTTH Cò Mạ tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp năm 2009 chỉ 15%, nhưng dưới sự chỉ dạy của thầy Linh đã có đến hơn 5 em đỗ vào các trường Cao Đẳng, Đại học và dự bị Đại học. “Ở trường này, đó đã là một thành tích kỳ diệu rồi đấy! ” - thầy Kiền hiệu trưởng khẳng định.

Trường PTTH Cò Mạ cũng như ở nhiều ngôi trường vùng cao khác đều có chung cái cảnh: “Học sinh đến mùa gieo hạt, rồi hái ngô, chúng lại bỏ về gần hết. Mỗi lớp học lúc đó chỉ còn lại vài ba đứa” - thầy Linh cho biết. Không nản chí, thầy Linh đã cùng nhiều thầy cô khác đi bộ tới các bản trong xã tìm nhà học sinh để vận động các em và gia đình cho chúng đến trường. Thậm chí có bản cách xa trường hơn 30 cây số như Hát Pang, Mường Bám, v.v, đường đi chủ yếu là đường đồi và đường rừng. Những chuyến đi thường kéo dài từ sáng tới đêm, thậm chí đến tận tối hôm sau.

Nhiều khi nhìn bữa ăn của các học sinh dân tộc chỉ với “cơm độn khai sắn và bát canh muối, vài cọng rau luộc”, thầy Linh không khỏi đau xót. Thầy kể tiếp: “Thương chúng nó lắm! Nhưng cũng chỉ thỉnh thoảng xén bớt đồng lương cùng mấy đồng nghiệp góp tiền cải thiện cho chúng nó bữa cá khô ăn cho có chất…”

Kể về một kỷ niệm với học sinh, thầy Linh tủm tỉm: “Bọn trẻ vùng cao hiểu biết ít. Có lần, một học sinh nữ nội trú đến tuổi dậy thì, đêm đau bụng hốt hoảng đến gõ cửa phòng mình...Thế là bị dư luận hiểu lầm, suýt bị kỷ luật. Sau Ban giám hiệu mới vỡ lẽ”. Ngay sau “sự kiện” đó, thầy Linh đã lên kế hoạch mở các buổi ngoại khóa nhằm giáo dục cho các em về sức khỏe sinh sản vị thành niên. Ý kiến này của thầy đã được Ban giám hiệu nhà trường hưởng ứng và cho triển khai. Bằng những kinh nghiệm tham gia công tác Đoàn khi còn là sinh viên, thầy đã đầu tư nhiều công sức để tổ chức này có một tác dụng thực sự đối với học sinh các dân tộc vùng cao…

Ban ngày ở Cò Mạ còn đỡ, nhưng về đêm, nơi đây “lại giống như một hang đá lạnh lẽo” - thầy Linh tả. Nhưng vượt lên nỗi buồn, nỗi sợ hãi và cô đơn, trong “hang đá lạnh lẽo” đó, thầy Linh lại cặm cụi đọc tài liệu, soạn giáo án và lên kế hoạch dạy học cho hôm sau …Nhiều đêm nhớ nhà, nhớ người thân, thầy lại gạt nỗi nhớ đi bằng cách vùi đầu vào những trang sách văn học…

Bằng số tiền dành dụm và đi vay được hơn 10 triệu đồng, thầy Linh đã mua cho mình một chiếc máy tính xách tay, rồi kiến nghị nhà trường xin Sở Giáo dục & Đào tạo máy chiếu để sinh động hóa bài giảng, tạo sự thích thú và đam mê học tập ở các em. Với phương pháp dạy học mới này, những chuyển động trong hình học, vật lý và cả chân dung những nhà Toán học nổi tiếng đã được truyền tải đến học sinh một cách sinh động hơn nhiều. Thầy Linh hồ hởi kể: “Học trò thích lắm! Hôm nào mình lên lớp bằng máy chiếu chúng cũng vỗ tay rào rào. Hỏi chúng có hiểu không, đứa nào cũng gật gật mà mình mát lòng! Sau lần đó các thầy cô ở trường mình cũng học tập theo, mua máy tính xách tay về giảng bài. Giờ phải có đến 30% giáo viên trong trường có máy tính xách tay rồi!”

Đã ba mùa hè thầy Linh không về quê. Thầy ở lại dạy phụ đạo cho các em học sinh không theo kịp chương trình, mà lại dạy không công. Tôi hỏi thầy về điều này, thầy chỉ đáp: “Về làm sao được khi học sinh đang cần mình!” Rồi thầy lại nhìn về mấy đứa học sinh qua khe cửa sổ…Đất này chủ yếu là học trò con nhà nghèo. Nhiều em thương thầy, ái ngại dúi cho thầy cân sắn, bắp ngô thay cho tiền thù lao dạy thêm, thầy gạt đi: “Cầm về mà ăn cho thêm sức mà học” .

Trong lúc trò truyện, nhìn ánh mắt xa xăm trên khuôn mặt của thầy, tôi hiểu thầy cũng nhớ nhà, nhớ quê lắm! Thầy tâm sự : quyết định của thầy ở lại Tây Bắc dạy học bị gia đình và bạn bè phản đối nhiều. Thầy kể về chuyện tình của mình với một cô sinh viên cùng khóa. Sau khi ra trường, thầy rủ cô ấy ở lại dạy học và lập nghiệp ở đây, nhưng bị từ chối. Rồi công việc và các em học sinh đã lấp đầy nỗi buồn trong thầy.

Thầy Linh 2 năm liền đã được UBND huyện Thuận Châu và Sở GDDT Tỉnh Sơn La tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục. Năm nay là năm thứ 3 thầy tiếp tục được nhà trường đề nghị Sở GDDT khen thưởng.

Ông Bạc Cầm Thành, chủ tịch xã Cò Mạ nói với chúng tôi: “ Xã biết ơn những thầy giáo như thế lắm! Xã cũng đề nghị lên huyện thường xuyên về việc khen thưởng và tạo điều kiện cơ sở vật chất cho các thầy cô giáo trong trường cấp 3 Cò Mạ rồi. Nhưng tôi nghĩ, sự hy sinh của các thầy thì không có phần thưởng nào cho xứng!”

Chúng tôi rời Cò Mạ lúc trời nhá nhem tối. Những đoạn đường phía trước làm tôi ớn lạnh. Nhưng một sự ấm áp nghẹn ngào đã kịp choán ngợp tâm hồn tôi khi nhớ lại những gì đã nhìn thấy, đã nghe kể về thầy giáo trẻ Trần Văn Linh nơi ngôi trường heo hút sương phủ…

                                                                                  Tây Bắc, tháng 07 năm 2009

                                                                                      Bài, ảnh: Dương Quang Tùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ