Hơn 10 năm đi dạy, thầy đã giúp đỡ hàng trăm thanh niên nông thôn cơ nhỡ thành những người có công ăn việc làm ổn định.
Đến nay thầy Ngân đã giúp hàng chục thanh niên có hoàn cảnh gia đình khó khăn tại các huyện Định Quán và Tân Phú (Đồng Nai) học nghề ra trường tìm được việc làm, ổn định cuộc sống.
Cưới vợ cho trò
Năm 2003, bạn Huỳnh Văn Đường (ở xã Phú Điền, Tân Phú, Đồng Nai) có hoàn cảnh gia đình nghèo, mấy chị em thì đã lập gia đình theo chồng. |
Đường đến tỉnh Bình Dương xin làm công nhân tại khu công nghiệp. Nhưng chỉ với trình độ lớp 5 và không có nghề nghiệp gì, các công ty không nhận Đường làm việc.
Trở về nhà Đường buồn vì không biết tương lai làm nghề nghiệp gì để sống.
Năm đó, thầy Ngân vừa mới về nhận công tác dạy nghề tại Trung tâm Dạy nghề huyện Định Quán, thấy vậy thầy liền động viên Đường vào học nghề cơ khí hàn bậc cao.
Những ngày đi học Đường được thầy Ngân trích phần lương của mình ra hỗ trợ lo tiền ăn, rồi giới thiệu vào ở ký túc xá. Học xong ra trường vừa đi làm, Đường quen bạn gái và lập gia đình. Thấy hoàn cảnh gia đình Đường quá khó khăn, bố mẹ đã mất, nên thầy
Ngân đứng ra lo tổ chức cưới vợ cho Đường. Hiện nay Đường đi làm và có cuộc sống ổn định. Mặc dù xa cách nhưng thầy Ngân vẫn luôn quan tâm và hỏi thăm cuộc sống của Đường.
Trong số hàng trăm học trò học nghề cơ khí hàn bậc cao đã được thầy Ngân dạy, đến nay chỉ tính riêng tại khu vực trung tâm huyện Tân Phú đã có hàng chục em ra mở tiệm và phát triển tốt.
Chúng tôi tìm đến tiệm cơ khí Hải Phòng (số nhà 368, quốc lộ 20, tổ 7, ấp Hiệp Quyết, huyện Định Quán) do anh Lê Văn Long làm chủ - một trong những “học trò U-50” đã được thầy Ngân dạy nghề. Anh Long năm nay 53 tuổi, có gia đình và hai con đã lớn.
Từ quê Hải Phòng, anh Long vào Đồng Nai lập nghiệp với nghề làm rẫy. Sau nhiều năm có chút vốn liếng, anh Long quyết định học nghề cơ khí hàn bậc cao - vốn là nghề từ nhỏ anh luôn mơ ước nhưng chưa có điều kiện theo học.
Qua 6 tháng phấn đấu học tập, anh Long tốt nghiệp với kết quả giỏi nhất lớp, rồi tự mình mở tiệm hàn cơ khí chuyên cắt hàn các loại ôtô, máy cày.
“Nhờ theo học ngành cơ khí hàn bậc cao, tôi đã nắm được cả lý thuyết và kỹ năng thực hành để làm tốt công việc hằng ngày. Hiện sau khi trừ chi phí, tôi thu nhập 25-30 triệu đồng/tháng, đủ để ổn định cuộc sống và lo cho con ăn học” -Aanh Long cho biết. Hiện thầy Ngân và anh Long vẫn thường xuyên trao đổi những kinh nghiệm trong nghề nghiệp.
Hạnh phúc lớn khi học trò có nghề nghiệp
Những năm trước đây khi nghề cơ khí hàn ít được người học quan tâm, ngoài việc tham gia giảng dạy thầy Ngân còn tranh thủ đi các xã lân cận tiếp xúc với những thanh niên nghèo, thất nghiệp rồi tư vấn hướng dẫn các em theo thầy học nghề.
Từ “kênh tuyển sinh miệng” gần gũi và khéo léo của thầy, năm vừa qua thầy đã tư vấn được 15 thanh niên vào học, tổ chức được một lớp riêng biệt dạy nghề cơ khí hàn.
Sau hơn 10 năm dạy nghề ở vùng xa, đến nay gia tài lớn nhất của thầy là hàng trăm học trò đã có tay nghề ra trường đi làm ổn định cuộc sống.
Hiện tại cuộc sống gia đình thầy vẫn còn nhiều khó khăn, cả nhà vẫn đang phải ở trọ, thầy chưa bao giờ dám mơ ước tương lai có đủ tiền mua được lô đất để xây nhà.
Nhưng với thầy, hạnh phúc lớn nhất là hằng ngày được quan tâm dạy nghề cho những thanh niên vùng nông thôn.
Từ bỏ công ty nước ngoài Năm 1996, thầy Ngân tốt nghiệp ngành cơ khí hàn tại Trường cao đẳng Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long. Với tay nghề kỹ thuật vững vàng, thầy được nhiều công ty tại TPHCM mời về làm việc với tiền lương khá cao. Tuy nhiên sau vài năm làm việc, thầy nghĩ: “Mình học ra rồi phục vụ công việc cho công ty nước ngoài thì chỉ làm lợi cho các công ty đó và bản thân, tại sao mình không nghĩ hướng giúp các em có hoàn cảnh gia đình nghèo khó, không có điều kiện học được nghề nghiệp. Từ đó tôi quyết định đến những vùng sâu vùng xa dạy nghề cho các em”. |