Thời trang “cái bang” của Nicole Mc Laughlin

GD&TĐ - Có một xu hướng thời trang mới được hình thành trong 2 năm đại dịch mà đứng sau nó là nhà thiết kế Nicole Mc Laughlin: Biến các đồ vật và thức ăn thường dùng trong nhà thành những thứ có thể mang trên người.

Thời trang “cái bang” của Nicole Mc Laughlin

Xu hướng thời trang của Nicole Mc Laughlin vừa vui nhộn vừa là một thông điệp môi trường.

Cho các thứ bỏ đi thêm một cơ hội

Nếu lang thang trên hai mạng xã hội Instagram, TikTok và tình cờ nhìn thấy chiếc nịt ngực làm bằng khăn… lau nhà thương hiệu Dove hay giày dép làm bằng banh tennis… bạn có thể đang được chiêm ngưỡng những tác phẩm thủ công của Nicole Mc Laughlin.

Thiết kế trang phục chỉ dùng một lần từ các sản phẩm quen thuộc hàng ngày hoặc từ thời trang dạo phố sang trọng bỏ đi, nhà thiết kế đến từ khu Brooklyn, New York đã mang đến cho mỗi sáng tạo của mình sự vui tươi sức hấp dẫn mới.

Trong hai năm qua, Mc Laughlin thu hút được hàng trăm nghìn người theo dõi với các thiết kế từ bất ngờ đến tuyệt vời và có lúc… không thực tế. Ví dụ một đôi sandal “shoeshi” với quai dép là khay sushi bán mang về!

Trong khi chiếc nịt ngực và quần sịp bằng da được trang bị thêm các ngăn dựng dụng cụ của Mc Laughlin và chiếc áo vest làm bằng những gói ngũ cốc kết nối tạo niềm vui, chúng cũng khiến cho chúng ta phải suy nghĩ lại về công dụng của những thứ có sẵn trong nhà và sắp bỏ đi.

“Không phải vài món mà có rất nhiều. Nhưng tiếc thay, chúng ta thường có cái nhìn hạn chế về cách sử dụng lại chúng. Ví dụ chúng ta nghĩ một chiếc áo khoác chỉ là một chiếc áo khoác đơn thuần chứ không thể là một đôi giày hay thứ gì khác.

Thực tế không phải vậy. Vấn đề là hãy phá bỏ những mục đích sử dụng gắn chết với sản phẩm để có thể đa dạng hoá chúng. Tức là cho chúng thêm cơ hội biến thành những sản phẩm tái chế đa dạng phục vụ mình. Lúc đó bạn sẽ phát hiện ra sự khác biệt và thú vị của mỗi sản phẩm có trong nhà” - Mc Laughlin nói trong một cuộc phỏng vấn.

Gắn liền với bảo vệ môi trường

Một số sản phẩm thời trang của Nicole Mc Laughlin.
Một số sản phẩm thời trang của Nicole Mc Laughlin.

Từ lâu, thời trang được xem là một ngành lãng phí lớn, với hơn 80% quần áo được chôn lấp hoặc đốt. Trong khi đa phần trách nhiệm thuộc về các thương hiệu, người tiêu dùng cũng có thể tạo ra sự thay đổi bằng cách mua ít hơn và mặc quần áo lâu hơn.

Việc đổi quần áo cũ thành quần áo mới đã truyền cảm hứng cho một cộng đồng trực tuyến đang phát triển mạnh trên YouTube, Pinterest và TikTok với những video hướng dẫn và truyền cảm hứng sáng tạo.

Chỉ riêng TikTok, hashtag phổ biến các nội dung này đã có gần 6 tỷ lượt xem. Người dùng đã biến những chiếc áo len cũ thành một số sản phẩm khác, dạy cách vá quần áo bị rách, “biến tấu” áo quần để tiết kiệm và cổ vũ cho hoạt động tự tái chế trong ý thức bảo vệ môi trường.

Đi theo xu hướng này nhưng là sáng tạo của riêng mình, Mc Laughlin bắt đầu các dự án cá nhân ngoài giờ làm việc khi cô đang thiết kế đồ họa cho hãng giày thể thao Reebok và tận mắt chứng kiến ​​rất nhiều sản phẩm lỗi bị vứt đi một cách uổng phí.

Cô thử mang một số về nhà, tháo rời ra, tạo mẫu hàng mới rồi đăng kết quả lên các tài khoản mạng xã hội của mình. Không ngờ chúng nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt.

“Khi tách một thứ gì đó ra, mổ xẻ nó từ trong ra ngoài, bạn sẽ nhận thấy có nhiều chi tiết bên trong, và những mảnh riêng rẽ có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, cho ra nhiều sản phẩm khác nhau mà nếu được sản xuất dây chuyền trong nhà máy, nó sẽ rất mắc, đặc biệt là đối với những món thông dụng” - Mc laughlin nói trên TikTok.

Bài đăng đầu tiên được nhiều người quan tâm của Mc Laughlin là một đôi giày thể thao ấm cúng nhưng vẫn siêu thực làm từ những quả bóng tennis mở ra. Nó gợi nhớ đến đôi giày xốp tổ ong Yeezy đắt tiền.

Thiết kế từ trực quan

Thời trang “cái bang” của Nicole Mc Laughlin ảnh 2

Trước khi bắt tay vào những thử nghiệm đầu tiên của mình, Mc Laughlin học hỏi kỹ năng và kỹ thuật may rất bài bản từ bạn bè, gia đình và dành gần hết thời gian làm việc tại phòng may nhỏ trong nhà.

Cô không bán các thiết kế “tái chế” (hầu hết được tách ra một lần nữa để sử dụng lại) dù vẫn hợp tác với Crocs và công ty cũ Reebok để sản xuất các bộ sưu tập thời trang cao cấp. Tuy nhiên, một số món tái chế “không đụng hàng” của cô đã được những người nổi tiếng mặc.

Ví dụ người mẫu Kristen McMenamy mặc một chiếc áo khoác tái chế từ găng tay Puma trên bìa tạp chí Vogue của Anh vào tháng 12/2021. Trong khi đó, rapper người Puerto Rico Jhay Cortez lại mặc chiếc mặc áo vest bánh mì lát trong một video ca nhạc vào mùa thu năm ngoái.

Mc Laughlin cũng được các thương hiệu trả tiền để nâng cấp và quảng cáo sản phẩm của họ trên các kênh truyền thông xã hội của cô. Trong số đối tác có cả Arc’teryx, Puma và Camelbak. Họ gửi mẫu hoặc hàng dư thừa đến và Mc Laughlin sẽ thiết kế lại dựa vào quan sát trực quan trên chính bản thân.

“Tôi đeo hay mặc chúng lên người và nghĩ xem nên tạo ra thứ gì từ đó. Nếu đó là đồ thể thao, tôi sẽ ướm vào chân và suy nghĩ hoặc đội lên đầu và xem liệu tôi có thể tạo ra một chiếc mũ từ nó hay không.

Nói chung, tôi thích sáng tạo từ những thứ hư hỏng hoặc bị đập bỏ vì nó cho bạn nhiều không gian để bay bổng hơn. Nếu nó bị thủng hoặc trầy rách, tôi có thể... biến thành điểm nhấn cho sản phẩm mới” – cô nói.

Truyền cảm hứng cho lớp trẻ

Mc Laughlin cũng thích sử dụng càng nhiều món đồ trong một thiết kế càng tốt. Mũ trùm đầu, quần ngắn, áo nịt ngực, giày chẳng hạn. Những chiếc túi quá khổ, lùng thùng là đặc điểm nổi bật trên các thiết kế của cô. “Vì nó cho phép tiết kiệm tiền cho những phụ tùng và túi khác.

Tôi rất bực mình khi nhìn thấy một chiếc áo hay quần không có túi hoặc chỉ có túi giả. Mọi phụ nữ đều cần túi để đựng đồ riêng tư. Vì vậy, cái gì của tôi cũng có túi, nếu có thể, kể cả áo ngực và quần sịp” – cô bộc bạch.

Hiện Mc Laughlin vẫn được nhiều thương hiệu tìm đến để cố vấn các ý tưởng thiết kế mới. Trong mọi cuộc hội thảo và tập huấn được Cooper Hewitt thuộc Bảo tàng Thiết kế Smithsonian, ở New York bảo trợ, Mc Laughlin giao nhiệm vụ cho các sinh viên chế tác giày dép từ chính tủ quần áo của mình hoặc những thứ sàng lọc từ thùng rác của họ nhưng lưu ý đến tính bền vững. Thách thức này có tên Project Runway. “Có nhiều chỗ cho mọi người tham gia.

Có quá nhiều sản phẩm chúng ta có thể chế tác theo những cách khác nhau từ những món bỏ đi hay thừa mứa. Các bạn không cần phải là một chuyên gia thời trang để có thể góp phần tạo ra sự thay đổi.

Nó đơn giản ngay từ khi cắt một chiếc áo phông cũ hay xẻ một quả banh tennis. Hãy bắt đầu từ trong tủ quần áo của bạn, xem cái gì lưu giữ trong một thời gian dài mà không cần đến nữa rồi tự hỏi bạn muốn làm gì với chúng.

Ví dụ, có thể tháo tay áo cũ ra và ghép chúng lại với nhau để tạo thành một chiếc túi hay tạo ra một chiếc áo khoác không tay? Các bạn thử làm xem và sẽ thấy thích thú” – Mc Laughlin nhấn mạnh với các sinh viên thiết kế.

Theo Business Insider 1.2022

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô trò Trường Mầm non Khong Hin (huyện Tuần Giáo, Điện Biên). Ảnh: NTCC

Ngăn chặn từ gốc bạo hành trẻ mầm non

GD&TĐ - Từ các vụ bạo hành trẻ mầm non ở một số cơ sở, nhóm lớp ngoài công lập gần đây, giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo hành được ngành Giáo dục tăng cường.