Gia tăng bà bầu đi khám vì nắng nóng
Thời tiết Hà Nội đang trải qua những ngày nắng nóng nhất kể từ đầu năm đến nay. Theo các chuyên gia trong những ngày nắng nóng, trẻ nhỏ, người già và bà bầu là đối tượng dễ bị ảnh hưởng đến sức khoẻ nhất.
Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, dù mới nắng nóng 3 ngày, nhưng số lượng bà bầu đến khám đang có chiều hướng gia tăng. Tại khoa Khám bệnh, mỗi ngày có hơn 100 bệnh nhân đến khám thai sản, đa số các bà bầu đến khám vì lo lắng thời tiết nắng nóng sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.
Ths. BS Lưu Quốc Khải – Trưởng khoa đẻ A2 (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho biết, đây mới là thời điểm đầu hè, các bà bầu không nên quá lo lắng, ảnh hưởng đến sức khoẻ mẹ và bé.
Các bà bầu chờ khám thai tại BV Phụ sản Hà Nội.
BS Khải cũng khuyến cáo, việc các bà bầu lo sảy thai ở đầu thai kỳ hoặc sinh non ở cuối thai kỳ trong điều kiện thời tiết như hiện nay là không nên, bởi nhiệt độ cao nhất hiện tại mới ở mức 37 độ. Hơn nữa, điều kiện chăm sóc sức khoẻ tại các gia đình hiện nay là khá tốt, nên việc sảy thai, sinh non vì nắng nóng là khó xảy ra.
“Tại thời điểm hiện tại, các thai phụ nên uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả và tăng sức đề kháng cơ thể, hạn chế đi ra ngoài nắng nóng là đủ”, BS Khải khuyên.
Nước hoa quả giải nhiệt tốt cho bà bầu, nhưng không nên lạm dụng
Một vấn đề khác được rất nhiều bà bầu quan tâm trong những ngày hè, đó là việc có nên hay không uống một số lại nước giải nhiệt trong mùa hè như nước mía, nước ép dứa…
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh (nguyên Trưởng khoa Vi Chất Dinh Dưỡng, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia) cho rằng, bà bầu có thể uống được hầu hết các loại nước giải nhiệt mùa hè, đặc biệt là các loại nước sinh tố, trái cây từ rau quả đều rất tốt.
Tuy nhiên, cũng như tất cả các loại đồ ăn thức uống khác, bà bầu chỉ nên uống các loại nước giải nhiệt với lượng vừa phải.
Nắng nóng như thời điểm hiện tại khó có thể khiến thai phụ sảy thai hay sinh non.
Nước dứa
Đã có ý kiến cho rằng, trong dứa có chứa bromelain – chất có thể gây co bóp tử cung và từ đó gây sảy thai. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh ăn dứa/uống nước dứa có thể gây sảy thai.
Theo phân tích của PGS Lương, lượng bromelain trong một quả dứa không ảnh hưởng đến thai kỳ của các bà mẹ.
“Trên thực tế, để tạo ra ảnh hưởng đến thai kỳ, bạn phải ăn từ 7-10 trái dứa cùng một lúc, và điều này hầu như không thể xảy ra." PGS Ninh cho hay. "Tuy vậy, cũng không nên ăn/uống quá nhiều nước dứa bởi theo y học cổ truyền, dứa là loại trái cây có tính nóng, trong 3 tháng đầu thai kỳ, nếu bạn bị nghén nhiều như nôn, ợ nóng thì nên hạn chế ăn/uống nước dứa."
Nước dừa
Đối với nước dừa, PGS Ninh cho rằng các bà bầu không nên uống quá nhiều cũng như không nên uống vào buổi tối vì sẽ làm lạnh bụng, đầy hơi, khó ngủ dẫn tới tiêu chảy, khiến bà bầu khó chịu.
Nước mía
Nước mía cũng như nước dừa không nên uống buổi tối. Đồng thời, không nên uống nước mía thay nước lọc vì có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ. Các bà bầu nên ước lượng uống bao nhiêu ép nước bấy nhiêu, không nên bảo quản lượng nước dư trong tủ lạnh bởi đây là loại nước có lượng đường cao, dễ tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, gây rối loạn tiêu hóa.
Ngoài ra, bà bầu đi ngoài trời nắng nóng cũng không nên uống ngay nước mía quá lạnh vì dễ bị bệnh viêm họng, cảm cúm, sốt hơn.