Vụ thủy điện Rào Trăng 3: “Con nhắn đang vào vùng lũ... rồi sau đó bặt tin”

GD&TĐ - Ông Nguyễn Cảnh Anh (59 tuổi) ôm chặt chiếc điện thoại, tìm xem lại tin nhắn cuối cùng mà con trai – đại úy Nguyễn Cảnh Cường gửi về, không kìm lòng được, bật khóc. Thời gian trên tin nhắn của con trai dừng lại ở ngày 12/10.

Ông Nguyễn Cảnh Anh (TP Vinh, Nghệ An) đau đớn khi nhận tin con trai út là đại úy Nguyễn Cảnh Cường hi sinh trên đường vào vùng lũ.
Ông Nguyễn Cảnh Anh (TP Vinh, Nghệ An) đau đớn khi nhận tin con trai út là đại úy Nguyễn Cảnh Cường hi sinh trên đường vào vùng lũ.

Khi cả 13 thi thể cán bộ, chiến sĩ cứu nạn bị vùi lấp ở trạm kiểm lâm 67 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) được tìm thấy, ở quê nhà các anh, mọi hi vọng mong manh về một phép màu đã tắt.

“Con vào vùng lũ, xe lội nước không đi nữa được bố ạ”

Sáng nay 916/10), ông Nguyễn Cảnh Anh (SN 1961, xóm 18B, xã Nghi Liên, TP Vinh, Nghệ An) ngồi lặng trong căn nhà chật người đến thăm hỏi, chia buồn. Con trai út của ông -  đại úy Nguyễn Cảnh Cường là một trong 13 người đã hi sinh khi trên đường vào vùng sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 làm nhiệm vụ cứu nạn.

Ngoài sân, đồng đội của con trai ông cũng đã đến, cùng với gia đình lo liệu tang lễ, chuẩn bị cho ngày đón sỹ quan trẻ về với quê nhà với đất mẹ.

Mọi chờ đợi, hi vọng của ông Nguyễn Cảnh Anh sụy đổ khi thi thể con trai út - đại úy Nguyễn Cảnh Cường được tìm thấy
Mọi chờ đợi, hi vọng của ông Nguyễn Cảnh Anh sụy đổ khi thi thể con trai út - đại úy Nguyễn Cảnh Cường được tìm thấy

Gia đình đại úy Nguyễn Cảnh Cường (SN 1991) có truyền thống quân ngũ. Nối nghiệp ông nội, bố mẹ, Cường thi đậu vào ĐH Sỹ quan thông tin. Tốt nghiệp loại xuất sắc, anh được phân công về Lữ đoàn thông tin 80, Quân khu 4. Trải qua nhiều vị trí công tác, Cường được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng. So với tuổi đời, anh là một trong những sỹ quan trẻ của lực lượng vũ trang Quân khu 4 mang hàm đại úy.

Nói về con trai, ông Nguyễn Cảnh Anh kể, đơn vị đóng quân ngay trong TP Vinh, nhưng Cường ít khi về. Theo quy định của đơn vị, 2 tuần Cường được về nhà một lần, nhưng mỗi khi đồng đội có việc gấp, anh đều xung phong trực thay. Vì thế, có khi mấy tháng liền Cường mới về nhà. Mọi nhiệm vụ được giao, anh không quan ngại gian khổ, khó khăn, luôn hoàn thành xuất sắc.

Người cha thẫn thờ, ngồi lặng tìm đọc lại tin nhắn cuối cùng của con, rồi bật khóc.
Người cha thẫn thờ, ngồi lặng tìm đọc lại tin nhắn cuối cùng của con, rồi bật khóc.

Lần mưa lũ này, miền Trung chìm trong biển nước, Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) sạt sở, công nhân gặp nạn. Cường cùng đồng đội nhận lệnh vào thiên tai, nguy hiểm. “Chiều ngày 12, con vẫn nhắn tin cho tôi nói “con đang ở trên xe lội nước vào vùng lũ bố ạ”. Nhưng tiến vào sâu, đường ngập, sạt lở nặng, xe không đi được, phải đi bộ, chuẩn bị vào vùng sóng yếu. Từ đó thì không thấy tin nhắn, cuộc gọi nào nữa”, giọng ông Anh nghẹn lại.

Ngồi ôm khư khư lấy chiếc điện thoại, đọc đi đọc lại dòng tin nhắn, hình ảnh cuối cùng mà Cường gửi về rồi từ đó bặt tin, người bố không kìm lòng được nữa, bật khóc. Ngày tháng trên tin nhắn của con trai dừng lại ở ngày 12/10.

Tin nhắn, hình ảnh cuối cùng của đại úy Nguyễn Cảnh Cường gửi về cho gia đình dừng lại ở ngày 12/10
Tin nhắn, hình ảnh cuối cùng của đại úy Nguyễn Cảnh Cường gửi về cho gia đình dừng lại ở ngày 12/10

“Sáng hôm 13/10, tôi gọi điện liên tục cho con không được, lại gọi khắp nơi, cho đồng đội, đơn vị của con... Lúc ấy, tôi biết được Cường là 1 trong 13 người mất tích, cùng đoàn với thiếu tướng Man. Con mình đã gặp nạn rồi”, ông Anh đau đớn. Cũng từng là người lính, ông cố gắng gượng, bình tĩnh nhưng lúc này, đôi mắt đỏ hoe của người cha đã đầy đau thương, sụp đổ.

Vợ chồng mới cưới, còn chưa kịp có con

Ngay sau khi tìm thấy thi thể của 13 cán bộ, chiến sĩ bị mưa lũ vùi lấp, trong đêm 15/10 - vợ, con trai cả, con rể và con dâu út của ông Anh theo xe đơn vị vào Huế. Còn ông ở lại quán xuyến việc nhà, và trông chừng ông bà nội của Cường, đều ngoài 80, vì quá thương cháu đã ngã quỵ ở quê tại huyện Anh Sơn (Nghệ An).

“Từ lúc con mất tích, tôi vẫn giấu ông bà, vì sợ tuổi cao sức yếu chịu không nổi cú sốc này. Nhưng tối hôm qua, có người họ hàng ở xa đọc tin, gọi điện về cho ông hỏi thăm, nên ông biết rồi. Sáng nay, tôi đã nhờ chính quyền địa phương ở Anh Sơn đến nhà trông coi, chăm sóc giúp”, bố Đại úy Nguyễn Cảnh Cường nói.

Đơn vị, hàng xóm đến giúp gia đình chuẩn bị lễ tang cho đại úy Nguyễn Cảnh Cường
Đơn vị, hàng xóm đến giúp gia đình chuẩn bị lễ tang cho đại úy Nguyễn Cảnh Cường

Những người hàng xóm cũng không kìm nổi nước mắt xót xa: “Cường còn trẻ quá, nó mới lấy vợ được 10 tháng, hai vợ chồng còn chưa kịp có con...”

Đại úy Nguyễn Cảnh Cường cưới vợ tháng 12/2019, vợ anh công tác tại một bệnh viện trên địa bàn thành phố Vinh. Cả hai đều công tác gần nhà nhưng đặc thù công việc, nhiệm vụ, vợ chồng không mấy khi được gần nhau.

Cùng công tác ở TP Vinh (Nghệ An), nhưng do đặc thù nhiệm vụ, công việc, 2 vợ chồng đại úy Cường không có nhiều thời gian gần nhau.
Cùng công tác ở TP Vinh (Nghệ An), nhưng do đặc thù nhiệm vụ, công việc, 2 vợ chồng đại úy Cường không có nhiều thời gian gần nhau.

Vừa rồi, sau khi hoàn thành đợt huấn luyện ở huyện Nam Đàn, Cường được nghỉ 2 ngày, nhưng vợ có đợt học tại Hà Nội. Anh bắt xe khách ra Hà Nội, thì vợ đang đến ở chăm chị gái mới sinh. Thấy không tiện, Cường lại bắt xe quay trở về, không gặp được vợ.

Rồi sau đó, anh nhận lệnh, lên đường như bao chuyến công tác, bao nhiệm vụ anh đã từng thực hiện. Nhưng lần này lại là chuyến đi định mệnh, trận lũ đã vùi lấp người chiến sĩ ấy trong đêm mưa rừng dữ dội.

“Lấy nhau gần một năm chưa có con, 2 vợ chồng đi khám rồi lấy thuốc về, chưa kịp uống thang nào thì Cường đã đi mất rồi”, ông Anh quay mặt khóc.

Người cha khóc nghẹn khi hi vọng, chờ đợi một phép màu cho con trai được sống không xảy ra...
Người cha khóc nghẹn khi hi vọng, chờ đợi một phép màu cho con trai được sống không xảy ra... 

Đoàn công tác của Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế gồm 21 người. Khi cách khu vực thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 30km thì xe không di chuyển được nữa, phải đi bộ. Di chuyển thêm 15 km thì trời tối, mưa lớn, tầm nhìn hạn chế nên đoàn quyết định nghỉ tại trạm Trạm Kiểm lâm 67 chờ trời sáng để đi tiếp. Đoàn chia ra nghỉ ở 2 khu nhà khác nhau. Đêm 12/10, một mái núi trượt xuống, vùi lấp hoàn toàn khu nhà Đại úy Nguyễn Cảnh Cường và 12 người khác.

Lễ an táng Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường sẽ diễn ra tại quê nhà vào ngày 18/10, sau khi hoàn tất lễ truy điệu tại Bệnh viện 268, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Với sự hy sinh anh dũng trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả do mưa lũ, Đại úy Nguyễn Cảnh Cường được truy thăng quân hàm lên Thiếu tá. Ngày 15/10, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh truy tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tranh biện giúp trẻ có khả năng giao tiếp tốt và tư duy logic. Ảnh: INT

Bí quyết dạy trẻ tranh biện hiệu quả

GD&TĐ - Để có thể sở hữu kỹ năng tranh biện, trẻ cần lưu ý tới một số yếu tố như lựa chọn chủ đề, đưa ra lập luận vững chắc, lý lẽ thuyết phục...