Vụ phá rừng ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình): Giơ cao rồi… để đấy?

GD&TĐ - Sau nhiều ngày chờ đợi kết quả xử lý trách nhiệm của những người được giao nhiệm vụ giữ rừng, dư luận tỉnh Quảng Bình đã tỏ ra thất vọng bởi mức kỷ luật không đủ tính răn đe và nghiêm khắc…

Phần gỗ không có giá trị được lâm tặc bỏ lại giữa rừng thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
Phần gỗ không có giá trị được lâm tặc bỏ lại giữa rừng thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Đầu năm 2019, dư luận tỉnh Quảng Bình xôn xao về việc cơ quan chức năng phát hiện lượng lớn gỗ mun quý hiếm bị khai thác tại tiểu khu 649 và 650 thuộc lâm phận quản lý của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (VQG PN-KB). Kết quả của đoàn kiểm tra liên ngành cho thấy thực trạng đáng báo động khi giữa vùng lõi VQG này “lâm tặc” đã khai thác hơn 100 m3 gỗ, trong đó hơn 60 m3 gỗ mun. Cơ quan chức năng ước tính số gỗ mun có giá trị được lâm tặc lấy đi khoảng 15 m3.

Giám đốc Ban quản lý kiêm Hạt trưởng Kiểm lâm VQG PN-KB Lê Thanh Tịnh thẳng thắn thừa nhận, để xảy ra tình trạng “lâm tặc” ngang nhiên khai thác rừng trái phép để lấy gỗ quý hiếm, trách nhiệm chính và trực tiếp thuộc về Ban quản lý và lực lượng chuyên trách giữ rừng.

Sau một thời gian, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình đã có kết luận và cho rằng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB Lê Thanh Tịnh và Phó Giám đốc Ban quản lý, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB Đinh Huy Trí đã có khuyết điểm, vi phạm trong việc để xảy ra vụ khai thác gỗ trái phép tại hai tiểu khu 649 và 650 thuộc VQG PN-KB. Sau khi phát hiện vụ việc, ông Lê Thanh Tịnh và ông Đinh Huy Trí đã có nhiều biện pháp để phối hợp kiểm tra, điều tra vụ việc, chấn chỉnh công tác bảo vệ rừng và nghiêm túc kiểm điểm, nhận rõ trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc. Những khuyết điểm, vi phạm của ông Tịnh và ông Trí chưa đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật…

Liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn tại 2 xã Thanh Hóa và Lâm Hóa của huyện Tuyên Hoá vào năm 2018, ông Cao Xuân Tín - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa trực tiếp phụ trách lĩnh vực về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Ông Tín đã thiếu kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị để xảy ra vụ khai thác gỗ trái phép.

Vào thời điểm đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Bình cho rằng, những khuyết điểm, vi phạm của ông Tín gây nhiều bức xúc và dư luận không tốt trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng bộ và cá nhân ông Cao Xuân Tín. Với nội dung, tính chất, nguyên nhân và mức độ vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Cao Xuân Tín.

So sánh hai vụ phá rừng này dễ thấy việc phá rừng tại vùng lõi VQG PN-KB nghiêm trọng hơn bởi vì ở đó là rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêm ngặt. Có người ví một con muỗi cũng không qua mắt được lực lượng bảo vệ nhưng tại sao mức kỷ luật lại khác nhau? Trong khi một phó chủ tịch phụ trách lại bị khiển trách còn chủ rừng VQG PN-KB lại không chịu hình thức kỷ luật nào?

Dư luận rất không đồng tình bởi những vụ phá rừng đã xảy ra mà cán bộ, lãnh đạo đơn vị quản lý rừng không bị xử lý trách nhiệm, chưa kể tỉnh Quảng Bình đã có “bảo kiếm” về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng. Nhiều ý kiến cho rằng, việc chỉ đạo xử lý của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình như vậy là giơ cao đánh khẽ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ