Vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu bẩn: Cưỡng chế nếu không xây hồ chứa khép kín

Vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu bẩn: Cưỡng chế nếu không xây hồ chứa khép kín

Quyết liệt vì sức khỏe hàng triệu dân Hà Nội

Tháng 10/2019, hàng triệu người dân Hà Nội bức xúc khi dùng phải nước sạch sinh hoạt nhiễm dầu do Nhà máy nước sông Đà cung cấp. Các đối tượng đổ trộm dầu thải nguy hại vào nguồn nước đã bị Công an tỉnh Hòa Bình bắt giữ và đang xử lý theo quy định của pháp luật.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự cố được tỉnh Hòa Bình chỉ rõ là: Nhà máy nước sông Đà (Viwasupco) không có hệ thống dẫn nước, bể lắng khép kín. Viwasupco dùng Đầm Bài của tỉnh Hòa Bình làm hồ lắng tự nhiên.

Trong khi đó, nguồn đổ vào hồ Đầm Bài còn có nước của các con suối, nước sinh hoạt của người dân. Vì thế, không đảm bảo an toàn cho việc sản xuất nước sạch sinh hoạt cấp cho người dân Hà Nội.

Ngày 25/10/2019, Bí thư Hòa Bình, ông Bùi Văn Tỉnh họp và chỉ đạo Viwasupco trả lại hồ Đầm Bài cho tỉnh. Không sử dụng Đầm Bài làm hồ lắng, dự trữ nước thô cung cấp cho nhà máy nước như hiện nay.

“Nếu tiếp tục sử dụng nguồn nước hồ Đầm Bài cho nhà máy xử lý thì không thể đảm bảo hoàn toàn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh nguồn nước. Đây là hồ thủy lợi, có chức năng chính đảm bảo tưới tiêu cho 645 ha đất sản xuất của khu vực xung quanh”, Bí thư Hòa Bình chỉ đạo.

Tuy nhiên, sau chỉ đạo này của Tỉnh ủy Hòa Bình thì sự việc giậm chân tại chỗ. Các cơ quan hữu trách địa phương không có động thái buộc Viwasupco phải xây dựng hệ thống khép kín, trả lại hồ Đầm Bài. Vì đó, hàng triệu người dân Hà Nội vẫn phải dùng “nước sạch” sông Đà pha với nước hồ Đầm Bài (có cả nước thải sinh hoạt của người dân).

Trên tinh thần bảo vệ sự an toàn nguồn nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân Hà Nội, Báo GD&TĐ liên tục có các bài viết phản ánh về sự chậm trễ, có phần thiếu quyết liệt này của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình.

Tháng 11/2019, Báo GD&TĐ ra văn bản yêu cầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản trả lời rõ lộ trình thu hồi hồ Đầm Bài từ Viwasupco. Việc này nhằm đảm bảo nguồn nước đầu vào sản xuất của nhà máy an toàn. Đây cũng là yêu cầu chính đáng, mong mỏi của hàng triệu người dân Hà Nội.

Sẽ cưỡng chế nếu Viwasupco không chấp hành

Sau một loạt động thái của Báo GD&TĐ, UBND tỉnh Hòa Bình đã có lộ trình cụ thể buộc Viwasupco trả lại hồ Đầm Bài cho tỉnh Hòa Bình. Phải xây dựng hệ thống khép kín, hồ lắng của nhà máy để sản xuất nước sạch cung cấp cho người dân Hà Nội.

Ngày 27/12/2019, UBND tỉnh Hòa Bình có Văn bản số 2124/UBND-NNTT (do Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Văn Dũng ký) gửi Báo GD&TĐ khẳng định: Hồ Đầm Bài rộng 69ha, lưu vực 16 km2, có nhiều khe suối, khe tụ thủy và hệ thống mương dẫn hở rất khó kiểm soát an ninh nguồn nước, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm.

Để ngăn ngừa, UBND tỉnh quyết liệt triển khai các biện pháp để thực hiện tiến trình chấm dứt việc sử dụng hồ Đầm Bài là hồ sơ lắng, dự trữ nước thô.

Ngày 5/11/2019, UBND tỉnh Hòa Bình có Văn bản số 2453/QĐ-UBND quyết định về việc tạm dừng hiệu lực chủ trương đầu tư số 01/QĐ-UBND và chủ trương đầu tư số 70/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hòa Bình (về mở rộng sản xuất của Viwasupco).

Tìm hiểu của Báo GD&TĐ được biết, đến nay UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã có văn bản yêu cầu Viwasupco phải xây dựng và hoàn thiện dây chuyền công nghệ xử lý nước mới thay thế dây chuyền cũ.

Không sử dụng Đầm Bài làm hồ dự trữ và sơ lắng. Trước ngày 31/12/2019, Viwasupco phải hoàn thành phương án lấy nguồn nước từ sông Đà cung cấp trực tiếp vào nhà máy xử lý. Phương án này gửi Sở KH&ĐT xem xét, báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình thể hiện sự quyết liệt, trách nhiệm với sức khỏe của hàng triệu người dân dùng nước sạch Hà Nội khi gia hạn đối với Viwasupco: “Đến hết tháng 1/2021, Viwasupco không hoàn thành phương án lấy nước trực tiếp từ sông Đà (không sử dụng hồ Đầm Bài làm bể sơ lắng, trung chuyển nước nguyên liệu), UBND tỉnh Hòa Bình sẽ báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cưỡng chế thu hồi việc sử dụng hồ Đầm Bài.

UBND tỉnh Hòa Bình báo cáo, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP Hà Nội nghiên cứu, có giải pháp tìm nguồn nước thay thế”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...