Trường Quốc tế Singapore Đà Nẵng: Bị kiện vì bị ngừng cung cấp dịch vụ giáo dục

GD&TĐ - Ông N.V.T, thường trú tại TPHCM, xác nhận đã nộp đơn khởi kiện chi nhánh Công ty CP Kinderworld Việt Nam - đơn vị quản lý Trường Quốc tế Singapore tại quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Trong ngày 27/8, ông T. đã ủy quyền cho người đến TAND quận Ngũ Hành Sơn để nộp đơn khởi kiện và giao tài liệu, chứng cứ liên quan.

Trường Quốc tế Singapore Đà Nẵng
Trường Quốc tế Singapore Đà Nẵng

Trong đơn khởi kiện, ông T. yêu cầu, TAND quận Ngũ Hành Sơn xem xét và buộc bị đơn tiếp tục cung cấp dịch vụ cho con ông là N.X.B (SN 2013) trong năm học 2019 - 2020. Đồng thời, ông T. yêu cầu phía bị đơn hoàn trả số tiền phí đặt cọc 8 triệu đồng; bồi thường thiệt hại số tiền gần 300 triệu đồng do hành vi ngưng cung cấp dịch vụ giáo dục của trường này đối với con ông; bồi thường tổn thất tinh thần cho nguyên đơn và cháu B. theo quy định, công khai xin lỗi trên các phương tiện đại chúng.

Phí đặt cọc có phải là chiếm dụng vốn?

Theo phản ánh của ông N.V.T, khi ông có nguyện vọng đăng ký cho con là cháu N.X.B vào học lớp 1 tại Trường Quốc tế Sigapore Đà Nẵng, nhà trường có gửi 2 văn bản cung cấp dịch vụ do chi nhánh Công ty CP Kinderworld Việt Nam tại Đà Nẵng soạn thảo. Theo đó, ngoài các khoản phí kiểm tra đầu vào (2.940.000 đồng), phí ghi danh (8.600.000 đồng) , học phí (220.480.000 đồng) thì phụ huynh phải đóng thêm phí đặt cọc là 8 triệu đồng/HS. “Theo tôi được biết thì khoản tiền này áp dụng cho toàn bộ HS mới nhập học và HS chuyển cấp trong hệ thống và nhà trường chỉ hoàn trả khi HS thôi học tại trường. Như vậy, nhà trường đã chiếm dụng vốn của phụ huynh trong một thời gian dài” - ông T. nêu quan điểm.

“Phí đặt cọc này chỉ được nhà trường thanh toán sau 90 ngày kể từ ngày thông báo thôi học. Có nghĩa là tôi chỉ được nhận lại khoản phí đặt cọc này khi con tôi chấm dứt việc học tập tại đây là lớp 12. Nhận thấy phí đặt cọc này là khoản thu không đúng quy định của pháp luật trong lĩnh vực giáo dục nói riêng và quy định trong Bộ luật Dân sự nói chung, nhưng do trước đó ngày 15/5/2019 tôi đã nộp đủ số tiền phí và học phí theo thông báo của phía nhà trường, vì vậy khi chi nhánh Công ty CP Kinderworld Việt Nam gửi thông báo đăng ký nhập học, tôi đã ghi ý kiến là không đồng ý với khoản phí đặt cọc mà phía công ty yêu cầu” - ông T. lý giải lý do không chấp nhận khoản tiền gọi là phí đặt cọc do nhà trường đề ra.

Cần chấp hành các quy định của pháp luật

Ngay sau đó, ông T. đã có có đơn khiếu nại gửi tới UBND TP Đà Nẵng, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, Thanh tra Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng để khiếu nại về khoản phí đặt cọc này. Sở GD&ĐT Đà Nẵng sau đó đã có Văn bản số 2056, ngày 17/7/2019 trả lời đơn của ông T. Theo đó, Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho rằng, đây là thỏa thuận dân sự giữa phụ huynh và nhà trường, đồng thời đề nghị phụ huynh làm việc với trường để giải quyết dứt điểm vụ việc và báo cáo kết quả trước ngày 31/7/2019.

Theo văn bản của Công ty CP Kinderworld Việt Nam thì khoản phí đặt cọc được xây dựng trên cơ sở Điều 328, Bộ luật Dân sự năm 2015 và tham khảo thực tiễn áp dụng của các trường quốc tế khác trên toàn lãnh thổ Việt Nam và Đà Nẵng nhằm bảo đảm việc phụ huynh sẽ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ phát sinh trong quá trình học tập của HS tại trường. Khoản phí đặt cọc này được hoàn trả lại cho phụ huynh khi học sinh thôi học tại trường sau khi đã khấu trừ các nghĩa vụ tài chính mà phụ huynh phải thực hiện (nếu có).

Ông N.V.T bày tỏ: “Việc nhà trường đơn phương ra thông báo chấm dứt cung cấp dịch vụ giáo dục cho con tôi như vậy là rất thiếu thiện chí và mang tính áp đặt, trong khi đây là một thỏa thuận dân sự. Tôi có quyền yêu cầu nhà trường phải làm rõ, căn cứ vào đâu để thu khoản tiền này mà cho rằng đây là khoản phí bắt buộc.

Bản thân tôi vẫn mong muốn con mình được tiếp tục học tại đây nên mới cần làm rõ khoản phí đặt cọc chứ không phải tôi đồng ý chấm dứt hợp đồng với nhà trường. Chính vì vậy, tôi không đồng ý ký vào đơn xin rút tiền mà phía nhà trường đưa ra”. Ông T. cho biết, sau đó, gia đình ông phải tìm kiếm trường khác cho em N.X. B. theo học nhưng việc ngừng cung cấp dịch vụ giáo dục của Trường Quốc tế Singapore tại Đà Nẵng đã khiến cháu B. bị ảnh hưởng tâm lý do phải rời xa bạn bè mà cháu đã quen từ bậc mầm non và phải mất một thời gian mới ổn định được khi chuyển sang trường mới.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Mai Tấn Linh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, ngay khi tiếp nhận đơn của ông N.V.T, Sở đã làm việc với nhà trường. Tuy nhiên, tại buổi làm việc, chỉ có Hiệu trưởng nhà trường tham dự chứ không có phía công ty tham gia. Trong khi đó, với các khoản thu, Hiệu trưởng không thể quyết định được.

“Sở GD&ĐT cũng đã khuyến nghị, đối với các khoản thu phải được tiến hành trên cơ sở có sự đồng thuận giữa phụ huynh và nhà trường để không tạo thành điểm nóng” - ông Linh nêu quan điểm. Ngoài ra, ông Linh cũng cho biết, trong tháng 9, Sở GD&ĐT sẽ tiến hành thanh tra các khoản thu tại Trường Quốc tế Singapore Đà Nẵng. “Dù là giao dịch dân sự giữa phụ huynh và nhà trường thì các khoản thu cũng phải chấp hành đúng các quy định của pháp luật Việt Nam” - ông Linh cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...