TPHCM kiến nghị nâng mức cho vay đối với HSSV khó khăn: Trường học ủng hộ

GD&TĐ - UBND TPHCM vừa kiến nghị Chính phủ xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng mức cho vay đối với học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn. Điều này đã nhận được đông đảo ý kiến đồng tình từ các cơ sở GD.

Phòng Công tác SV Trường ĐH Nông Lâm TPHCM đang trả giấy xác nhận vay vốn cho SV. Ảnh: NLU
Phòng Công tác SV Trường ĐH Nông Lâm TPHCM đang trả giấy xác nhận vay vốn cho SV. Ảnh: NLU

40% sinh viên xin giấy xác nhận vay vốn

Nhiều trường ĐH cho biết, nhu cầu vay vốn để trang trải chi phí học tập từ nguồn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội trong SV là rất lớn. Điều này cho thấy ý nghĩa thiết thực và hiệu quả của chính sách tín dụng đối với HSSV của Chính phủ. Tuy nhiên, với những biến động của thị trường nên mức vay dành cho HSSV hiện nay là tương đối thấp, chưa đủ để trang trải chi phí học tập.

Ông Nguyễn Bá Anh - phụ trách công tác truyền thông Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (NTTU), cho biết trung bình mỗi năm có khoảng 40% SV xin giấy xác nhận vay để trang trải chi phí học tập từ nguồn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đại diện NTTU chia sẻ thêm, một phần là do hoàn cảnh của các SV còn nhiều khó khăn; bên cạnh đó là lãi suất của chương trình phù hợp với điều kiện chung hiện nay.

Một SV HCMUTE chia sẻ: “Số tiền được vay là 1,5 triệu đồng/tháng đối với những SV nghèo như em thì thật là ý nghĩa và may mắn. Tuy nhiên, sau khi nắm bắt được đề xuất của UBND TPHCM, em mong muốn trong thời gian tới, mình và các bạn sẽ được vay số tiền nhiều hơn (2,5 triệu/tháng) để thực sự an tâm học hành, không phải lo đi làm thêm. Bởi mức vay hiện tại bao gồm cả học phí, ăn ở, sinh hoạt đi lại… thì chưa đủ”.

Số liệu thống kê sơ bộ của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE), từ 1/8/2019 đến nay đã có 7.172 SV đăng ký giấy xác nhận để phục vụ vay vốn. Theo ông Lê Quang Bình – cán bộ phụ trách công tác SV HCMUTE cho biết trường nộp học phí đến hết tháng 11 nên dự kiến còn tăng khoảng 30% nữa. Tương tự tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, số liệu thống kê từ 5/9/2018 - 5/9/2019 có 3.597 SV đăng ký giấy xác nhận để phục vụ vay vốn. Chỉ riêng từ đầu tháng 7 đến nửa đầu tháng 9/2019, đã có 1.623 lượt SV đăng ký giấy xác nhận…

Biên độ vay mở rộng càng nhiều càng tốt

Văn bản kiến nghị mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng mức cho vay đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn từ 1,5 triệu đồng lên 2,5 triệu đồng/tháng được đề xuất sau khi TPHCM nhìn lại quá trình triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn TPHCM.

Theo đó, cần mở rộng đối tượng thụ hưởng của chương trình cho vay đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn thuộc đối tượng là hộ có mức sống trung bình và nâng mức cho vay từ 1,5 triệu đồng lên 2,5 triệu đồng/tháng để phù hợp với mức tăng học phí và biến động giá cả thị trường. Bên cạnh đó, UDND TPHCM cũng kiến nghị có cơ chế khoanh nợ hoặc kéo dài thời gian trả nợ 3 - 5 năm cho những trường hợp hộ gia đình vay vốn HSSV đã hết thời gian gia hạn nợ và có đơn đề nghị trả nợ dần, được chính quyền địa phương xác nhận về hoàn cảnh. Đồng thời nên khoanh nợ và gia hạn nợ cho những em đã ra trường nhưng chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định, không phù hợp ngành học, không có thu nhập để phụ giúp gia đình trả nợ.

Kiến nghị của UBND TPHCM nhận được sự đồng tình của nhiều HSSV và các cơ sở GD. Ông Lê Quang Bình - cán bộ phụ trách công tác SV HCMUTE, đồng thời cũng là SV đã từng vay vốn, cho biết mức vay hiện tại 1,5 triệu/tháng x 5 tháng/học kỳ = 7,5 triệu, nếu tính học phí các trường tự chủ thì không đủ đóng học phí. Nhưng khó khăn thì cũng phải vay, được bao nhiêu thì đỡ bấy nhiêu. “Mức học phí SV phải đóng cho một học kỳ khoảng 10 triệu. Nếu như SV học thêm ngoại ngữ nữa thì mức vay 2,5 triệu/tháng là hợp lý. Đủ cho SV đóng học phí” - ông Bình cho biết.

Tương tự, ông Nguyễn Bá Anh (NTTU) chia sẻ: “Thực tế cho thấy, mức cho vay hiện nay là chưa hợp lý. Bởi về nguyên tắc, số tiền cho vay từ chương trình tín dụng dành cho HSSV được xác định để trang trải cho các chi phí như: Tiền học phí, chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn ở đi lại trong suốt quá trình học. Khoảng 10 năm trước thì chi phí của một sinh viên khoảng 1 triệu/tháng, nhưng hiện nay rơi vào khoảng 2 - 3 triệu/tháng. Theo tôi, đây là một đề xuất vừa hợp lý vừa mang tính nhân văn của TPHCM”.

Theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM (NLU), các SV thuộc đối tượng được vay rất cần được thụ hưởng chính sách ưu việt của Đảng, Chính phủ. Việc tăng mức vay lên 2,5 triệu là hết sức cần thiết, đặc biệt đối với các khu vực đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội. Với mức chi phí hiện nay thì chưa thể trang trải các chi phí tối thiểu cho việc học hành và nghiên cứu chuyên sâu...

Bên cạnh đó, TS Trần Đình Lý thông tin thêm để hỗ trợ SV tốt hơn cần nhân rộng các mô hình doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ SV, lo kinh phí ăn ở học hành... Mô hình đang là đầu tiên và duy nhất của cả nước là ký túc xá miễn phí Cỏ May tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM. Với 54 phòng hiện đại, đầy đủ trang thiết bị cho hơn 300 sinh viên ăn, ở miễn phí, KTX Cỏ May là nơi phục vụ miễn phí cho sinh viên nghèo học giỏi.

“Để hạn chế số lượng SV học xong không có đủ điều kiện trả nợ hoặc né tránh việc này, cần tăng cường đầu tư định hướng nghề nghiệp để các em được học đúng ngành, làm đúng nghề, như vậy sẽ gắn bó lâu dài và yên tâm với nghề nghiệp, không gặp khó khăn, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh bản thân, gia đình và xã hội” - TS Trần Đình Lý chia sẻ.

Số liệu thống kê và ý kiến từ các trường càng khẳng định chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ về tín dụng đối với HSSV là một bước tiến quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và xu thế phát triển của xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ