Kỳ họp thứ 15 của HĐND TPHCM: vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ trong thời gian tới

Quang cảnh kỳ họp thứ 15 của HĐND TPHCM
Quang cảnh kỳ họp thứ 15 của HĐND TPHCM

Công tác quản lý, giám sát lỏng lẻo: Nguyên nhân của những sai phạm về xây dựng

Quan tâm về thực trạng xây nhà trái phép, cũng như các sai phạm của các chủ đầu tư các chung cư trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cư dân, cũng như hiện tượng quản lý cấp phép xây dựng các huyện ngoại thành còn lỏng lẻo, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung và đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc chất vấn giám đốc Sở Xây dựng vì sao đã nhiều lần cải cách phương thức quản lý, cấp phép xây dựng nhưng tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng vẫn rất nhiều?

Có hay không sự lỏng lẻo trong công tác giám sát, kiểm tra của lực lượng thanh tra? Vì sao các chủ đầu tư chung cư có vấn đề về tài chính, năng lực, đặc biệt là các vi phạm trong xây dựng khiến việc cấp sổ hồng cho người dân gặp khó khăn vẫn mãi xảy ra? trách nhiệm của Sở Xây dựng ở đâu?

Trả lời các vấn đề hai đại biểu chất vấn, ông Lê Hòa Bình- Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM thừa nhận nguyên nhân do công tác của đội thanh tra xây dựng trong kiểm tra, giám sát còn hạn chế, những hạn chế này sẽ sớm được khắc phục. Ông Bình cho biết, hiện Sở Xây dựng đang trình dự án thí điểm và xin ý kiến chuyển đội thanh tra Sở Xây dựng về đội trật tự xây dựng quận, huyện để giám sát chặt chẽ hơn, hướng tới khắc phục phần nào hạn chế còn tồn tại này.

" Thực tế nhìn từ những lỗ hổng và sai phạm của nhiều chủ đầu tư, người dân thời gian qua có thể thấy chúng ta cần có một quy trình liên thông giữa công tác cấp giấy giữa Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên & Môi trường. Bởi hiện nay hai bộ phận của hai Sở vẫn còn làm việc rời rạc, chưa liên thông, Thanh tra xây dựng thì thanh tra về hoạt động xây dựng, Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường thì thanh tra về hoạt động công tác cấp giấy phép...chính sự thiếu liên thông này mà thực trạng xây nhà trái phép, vi phạm của các chủ đầu tư vẫn còn, Sở sẽ sớm tìm giải pháp tháo nút thắt này”- ông Bình nói.

Nói về hiện tượng chủ đầu tư không chịu cấp sổ hồng cho cư dân, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Lê Hòa Bình thừa nhận đây là thực tế còn tồn tại ở nhiều chung cư trên địa bàn TP. "Thực tế, có chủ đầu tư làm dự án, khởi công dự án xong rồi lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cầm cố ngân hàng. Sở sẽ tiếp tục thống kê, tổ chức thanh tra, báo cáo UBND TPHCM để có hướng giải quyết" - ông Bình cho biết.

Chia sẻ thêm với giám đốc Sở Xây dựng TPHCM về vấn nạn trên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng có 3 nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng trên gồm: Năng lực tài chính yếu (chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước hoặc đã thế chấp đất) và quyền sử dụng đất. Kế đến pháp lý chưa hoàn chỉnh trong quá trình thực hiện dự án (chủ đầu tư điều chỉnh thực hiện quy hoạch xây dựng không đúng với giấy phép). Cuối cùng là việc chưa tiến hành nghiệm thu công trình nhưng đã đưa người dân vào ở.

Xây dựng trái phép vẫn là vấn nạn nhức nhối chưa thể chấm dứt tại TPHCM. Trong ảnh, một căn nhà xây trái phép bị lực lượng chức năng cưỡng chế
 Xây dựng trái phép vẫn là vấn nạn nhức nhối chưa thể chấm dứt tại TPHCM. Trong ảnh, một căn nhà xây trái phép bị lực lượng chức năng cưỡng chế

Từ thực tế đang tồn tại đầy rẫy ở nhiều dự án chung cư, Phó chủ tịch UBND TPHCM đề xuất nên xử lý hình sự với các chủ đầu tư cố tình cầm cố tài sản người dân. Với các tranh chấp dân sự, UBND TPHCM, Sở Xây dựng TPHCM sẽ có trách nhiệm hướng dẫn người dân để ra tòa phán quyết. Còn với các trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước có thể tháo gỡ được, TP sẽ tháo gỡ nhằm tránh thiệt hại cho người dân.

2025 giảm được vấn nạn kẹt xe và hết ngập?

Trả lời các chất vấn của các đại biểu về các dự án trọng điểm trong việc kéo giảm vấn nạn kẹt xe, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết: Thời gian qua, thành phố tập trung vào các dự án đường hướng tâm, quốc lộ kết nối TPHCM với các vùng như quốc lộ 50, 22 và 13. Đặc biệt là các tuyến đường kết nối đến sân bay Tân Sơn Nhất và các dự án giao thông kết nối cảng Cát Lái. Tuy nhiên, do chậm nguồn vốn nên chưa giải quyết được vấn đề.

Giám đốc Sở GTVT TPHCM cũng cho biết: Theo đánh giá đến năm 2021 phía nam và cửa ngõ sân bay hướng Trường Chinh - Âu Cơ vẫn sẽ còn gặp khó khăn. Đến năm 2025, khi tuyến Metro số 1 đi vào khai thác thì khu vực phía nam Sài Gòn vẫn chưa giải quyết được điểm nghẽn.

Những dự báo này hoàn toàn dựa trên các cơ sở khoa học, số liệu thực đến thời điểm năm 2018. Vì vậy, việc HĐND TPHCM ưu tiên bố trí vốn là thực sự cần thiết và cần đẩy nhanh để phát huy hiệu quả việc giảm ùn tắc"- ông Lâm nói.

Không chỉ thiếu vốn, chậm vốn cho các dự án trọng điểm, các vấn đề về giải tỏa mặt bằng, đấu thầu và thiết kế cũng ít nhiều khiến nhiều dự án trọng điểm trong giải quyết hạ tầng giao thông cho TPHCM chậm tiến độ.

Hiện chúng tôi đã có mô hình đánh giá mô phỏng giao thông TP. Nếu đúng như mô phỏng dự báo, thành phố đang có 2 điểm nghẽn lớn nhất là sân bay Tân Sơn Nhất và khu vực phía Nam. Cửa ngõ sân bay áp lực đối mặt như đã nói ở trên. Riêng đối với giao thông khu Nam Sài Gòn (dự án cầu đường Nguyễn Khoái kết nối quận 7, quận 4 với quận 1) hiện đang rất căng thẳng do chưa được HĐND TPHCM mức đầu tư (dự kiến 2.000 tỉ đồng) để đưa vào kế hoạch bố trí vốn. Đây sẽ là khó khăn lớn.

Ngập lụt vẫn là nỗi ám ảnh chưa thể giải quyết của người dân TPHCM trong thời gian tới
 Ngập lụt vẫn là nỗi ám ảnh chưa thể giải quyết của người dân TPHCM trong thời gian tới

Không chỉ quan tâm đến các vấn đề về sai phạm trong xây dựng, hiện trạng phân lô, tách thửa đất nông nghiệp tràn lan, tại phiên thảo luận chuyên đề, nhiều đại biểu còn đặc biệt lưu tâm đến các dự án trọng điểm trong công tác chống ngập lụt của TPHCM.

Báo cáo với các đại biểu tại tổ thảo luận chiều ngày 12/7, ông Trương Trung Kiên- Trưởng ban Đô thị HĐND TPHCM cho biết: các đơn vị chức năng đã hoàn thành hơn 84% việc nâng cấp các tuyến hẻm theo mục tiêu, hoàn thành chỉnh trang 1.343 tuyến đường hẻm kết hợp kết nối hệ thống thoát nước với các tuyến thoát nước chính...Trong đó, các đơn vị đã triển khai thực hiện hàng loạt dự án chống ngập do triều. Dự kiến đến năm 2020, 48 dự án sẽ hoàn thành và 16 dự án khác sẽ tiếp tục được thực hiện, hoàn thành sau năm 2020.

Tuy nhiên, theo ông Kiên đa số các dự án chống ngập vẫn đang bị chậm tiến độ. “Mục tiêu giải quyết các tuyến ngập do mưa, ngập do triều, xây dựng cải tạo các nhà máy xử lý nước thải và các hạng mục dự án chống ngập do triều khó có thể hoàn thành giai đoạn 2016-2020 theo kế hoạch. Nhiều dự án đang thực hiện gặp vướng mắc về vốn, bồi thường và giải phóng mặt bằng nên hiệu quả bị hạn chế”-ông Kiên thẳng thắn chia sẻ.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, bà Nguyễn Thị Lệ- Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết: HĐND TPHCM sẽ ưu tiên tổ chức các kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của TPHCM nhằm đảm bảo công tác điều hành hoạt động của chính quyền TPHCM, kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách của TPHCM, chăm lo đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cũng yêu cầu các đại biểu ngay sau kỳ họp cần nhanh chóng tiến hành tiếp xúc cử tri, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ, người lao động. Từ đó phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, đổi mới, sáng tạo, tạo không khí thi đua, sáng tạo vượt mọi khó khăn thách thức, tận dụng thời cơ để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ năm 2019.

Thông tin tại nghị trường về kỳ họp không giấy đầu tiên, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết; Theo thống kê bước đầu, chỉ riêng tiền văn phòng phẩm, “kỳ họp không giấy” đã giúp tiết kiệm được 110 triệu đồng. Mô hình này cũng được đại biểu đánh giá từ tốt đến rất tốt.

Các đại biểu giơ tay tán thành các tờ trình tại kỳ họp lần thứ 15 của HĐND TPHCM
 Các đại biểu giơ tay tán thành các tờ trình tại kỳ họp lần thứ 15 của HĐND TPHCM
 Trong chiều 13/7, tổng cộng HĐND TP đã thông qua nghị quyết đối với 20 tờ trình của UBND TPHCM, có nhiều tờ trình có sự tác động rất lớn như:

1. HĐND TPHCM thông qua Nghị quyết, chấp thuận bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công thêm 1.471 tỷ đồng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư Khu công nghệ cao TPHCM tại Quận 9.

2. Bên cạnh đó, HĐND TPHCM cũng đã thông qua tờ trình xin kinh phí 323 tỉ đồng để xây Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo.  Theo đó, Trung tâm sẽ được xây dựng tại 123 Trương Định, phường 7, quận 3. Đây là công trình cấp 2 với tổng diện tích sàn xây dựng các tầng trên là 9.818 m2 và diện tích các tầng hầm là 10.472 m2. Thời gian thực hiện dự án từ 2019-2023. HĐND TPHCM lưu ý Trung tâm cần có kiến trúc phù hợp với không gian khởi nghiệp.

3. Tăng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát chuẩn cận nghèo. Theo đó, mức cho vay mới sẽ tăng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng, người vay không phải đảm bảo tiền vay. Ngoài ra, tăng thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo từ 5 năm lên 10 năm. Bên cạnh đó, hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát chuẩn cận nghèo là người dân tộc thiểu số vay vốn từ quỹ xóa đói giảm nghèo TPHCM được ngân sách TPHCM hỗ trợ cấp bù phần lãi suất 4%/năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ