Tái diễn tình trạng dân đu cáp vượt sông Pô Kô

GD&TĐ - Trong thời gian đợi cây cầu treo hoàn thành và đưa vào sử dụng, người dân 2 xã Đắk Nông và Đắk Ang phải đi bè qua sông.

Người dân tiếp tục đu cáp vượt sông Pô Kô trong thời gian chờ đợi cây cầu treo hoàn thiện.
Người dân tiếp tục đu cáp vượt sông Pô Kô trong thời gian chờ đợi cây cầu treo hoàn thiện.

Tuy nhiên, mỗi khi mưa lớn, nước dâng cao khiến việc đi bè gặp khó khăn, nguy hiểm. Chính vì vậy, người dân đành đu cáp vượt sông để sản xuất và canh tác.

Đu cáp vượt sông

Trong cơn bão số 9 vào cuối năm 2020, cây cầu treo bắc qua sông Pô Kô bị xé toạc. Người dân tại các thôn Tà Poók, Kà Nhảy (xã Đắk Ang) và thôn Nông Nội (xã Đắk Nông), huyện Ngọc Hồi, Kon Tum tự chế cáp treo để đu qua sông. Không những vậy, một số phụ huynh bất chấp nguy hiểm đu cáp vượt sông đưa con đến trường.

Vào tháng 11/2020, Báo GD&TĐ đã có bài viết “Huyện Ngọc Hồi – Kon Tum: Sập cầu, dân đu cáp vượt sông Pô Kô”. Ngay sau khi báo chí phản ánh, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ và không đu cáp qua sông.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng làm bè để người dân thuận tiện di chuyển trong thời gian xây dựng cầu. Tuy nhiên, sau 8 tháng quay lại đây, theo ghi nhận của chúng tôi, người dân vẫn hàng ngày đu cáp vượt sông Pô Kô canh tác.

Theo tìm hiểu, cuối năm 2020, huyện Ngọc Hồi đã bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng 2 cầu treo tại thôn Nông Nội và Tà Poók với tổng số vốn hơn 8 tỷ đồng. Kế hoạch 2 cây cầu treo sẽ hoàn thành trong tháng 6/2021. Tuy nhiên, đến nay cả 2 cây cầu chỉ mới hoàn thiện phần mố cầu và trụ néo dây.

Sau thời gian dài chờ đợi cây cầu hoàn thiện, cuộc sống người dân, học sinh nơi đây bị đảo lộn. Những ngày qua, để thuận tiện việc vận chuyển nông sản, phục vụ sản xuất, cáp treo vượt sông tiếp tục được người dân trưng dụng. Mỗi ngày, có hàng chục lượt người đu cáp treo qua sông Pô Kô. Trong đó, phụ nữ và trẻ em cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

Treo mình lắc lư trên chiếc ròng rọc, chỉ sau vài chục giây, anh Lê Chứ Hạnh (thôn Nông Nội, xã Đắk Nông) đã tiếp đất gọn gàng bên bờ sông. Anh Hạnh cho hay, mỗi ngày có hàng chục người dân sử dụng ròng rọc để đu cáp vượt sông Pô Kô. Mặc dù, người dân đều biết là nguy hiểm nhưng do không có cầu đi lại nên mọi người đành bất chấp.

“Nương rẫy của bà con đa phần ở bên kia bờ sông. Do đó, hàng ngày để thuận tiện việc sản xuất, vận chuyển nông sản người dân thường đu cáp qua sông. Khi hay tin chuẩn bị xây dựng 2 cây cầu bắc qua sông Pô Kô, bà con ai nấy đều vui mừng. Tuy nhiên đến nay, sau nhiều tháng, cây cầu chỉ mới xong phần mố cầu. Không biết đến bao giờ người dân mới thoát khỏi cảnh đu cáp qua sông”, anh Hạnh nói.

Hỗ trợ người dân sang sông bằng thuyền

Về vấn đề này, ông Xiêng Lăng Nguyện, Chủ tịch UBND xã Đắk Nông (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) cho biết, đơn vị đã nắm được việc người dân tiếp tục đu cáp sang sông.

Theo ông Xiêng Lăng Nguyện, đơn vị đã quyết định thành lập tổ công tác tổ chức và kiểm soát người qua lại trên sông Pô Kô để bảo đảm an toàn cho người dân. Cụ thể, tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nông làm tổ trưởng và các thành viên gồm: Công an xã, Ban Chỉ huy Quân sự và một công chức xã.

Tại đây, tổ công tác sẽ tổ chức cho người dân qua lại sông Pô Kô bằng thuyền. Bên cạnh đó kiểm tra, kiểm soát và cho người dân qua lại khi thực sự cần thiết. Đặc biệt, chuẩn bị áo phao, phao cứu hộ và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân khi di chuyển bằng thuyền.

Còn ông Nguyễn Đức Xuân, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Ngọc Hồi (chủ đầu tư) cho hay, đến nay 2 cây cầu bắc qua sông Pô Kô chưa thể hoàn thành và đưa vào sử dụng là do vướng mắc trong công tác đền bù. Bên cạnh đó, quá trình vận chuyển vật liệu sang bên kia sông để thi công cũng gặp nhiều khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.