Sửa Nghị định đã lỗi thời để chặn tiền cứu trợ vào nhầm... "nhà quan"

GD&TĐ - Trao đổi với PV, các chuyên gia cho rằng, Nghị định 64/2008 là một văn bản dưới luật đã lỗi thời. Và, việc sửa đổi Nghị định này sẽ giúp ngăn chặn tiền, hàng hóa cứu trợ đi nhầm vào... "nhà quan".

Học sinh, sinh viên ngành Giáo dục luôn tiên phong hưởng ứng lời kêu gọi hỗ trợ đồng bào khó khăn của Ủy ban MTTQ Việt Nam. Ảnh minh họa
Học sinh, sinh viên ngành Giáo dục luôn tiên phong hưởng ứng lời kêu gọi hỗ trợ đồng bào khó khăn của Ủy ban MTTQ Việt Nam. Ảnh minh họa

Tạo hàng lang pháp lý cho cá nhân làm từ thiện

Thủ tướng mới đây đã có chỉ đạo xây dựng thay thế Nghị định 64/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn. Bộ Tài chính cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Nghị định 64/2008 đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi.

Thực tế thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra với nhiều mức độ khác nhau nhưng nghị định chưa quy định rõ mức độ cụ thể để xác định trường hợp nào do Ủy ban Trung ương MTTQ ra lời kêu gọi, trường hợp nào do Ủy ban MTTQ kêu gọi.

Các nội dung chi từ nguồn vận động, đóng góp tự nguyện chủ yếu tập trung vào việc cứu đói, cứu rét (lương thực, thực phẩm, chăn màn, quần áo, thuốc chữa bệnh…) và những nội dung chi này có phần trùng với nội dung chi hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Chưa thực sự đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân khu vực bị thiệt hại.

Nghị định cũng chưa quy định hình thức hỗ trợ (bằng tiền hay hiện vật) từ nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các nội dung chi hỗ trợ theo quy định. Khi tổ chức thực hiện Nghị định 64/2008, một số địa phương còn gặp khó khăn trong việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị như Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, các sở LĐ-TB&XH, NN&PTNT, Tài chính…

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, để hoạt động cứu trợ của các cá nhân, tổ chức minh bạch, có tổ chức cần hoàn thiện khung pháp lý.

Luật hoặc các văn bản dưới luật như nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan về việc huy động cứu trợ thế nào, công khai minh bạch ra sao, số tiền đó chuyển đến tay ai… Hiện còn có khoảng trống về vấn đề đó. Việt Nam có thiên tai, lũ lụt liên tục, việc cứu trợ, làm từ thiện là thường xuyên, nên cần có văn bản hướng dẫn cụ thể.

“Từ trước đến nay ngay cả hoạt động cứu trợ của các tổ chức, cũng đã xảy ra tình trạng tiền, hàng cứu trợ rơi vào tay của một nhóm lợi ích. Đã có những đợt cứu trợ thiên tai mà tiền không đến đúng người thụ hưởng.

Đã xảy ra tình hình cứu trợ rơi vào người nhà của cán bộ, quan chức địa phương… Trong khi có những cá nhân huy động từ thiện rất lớn nhưng lại chưa có văn bản nào hướng dẫn. Khoảng trống pháp lý này cần phải được lấp để tránh những hành vi trục lợi”, ông Lê Như Tiến cho hay.

Siết lại hoạt động từ thiện

Ông Lê Như Tiến cho rằng, quy định mới thay thế cần xây dựng để tạo ra hành lang pháp lý bảo đảm cho hoạt động cứu trợ, thiện nguyện làm sao huy động được nhiều nhất nguồn lực của xã hội. Quy định phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi tổ chức, cá nhân có tấm lòng chia sẻ vật chất, tài lực cho các trường hợp cần trợ giúp thông qua các đầu mối (cá nhân, tổ chức) vận động, tiếp nhận.

Tạo ra cơ chế để nâng chất hoạt động của các tổ chức đoàn thể (như Hội Chữ thập đỏ, MTTQ...) trong việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện. Các tổ chức này khi được nâng chất, hoạt động hiệu quả sẽ tạo ra niềm tin, thu hút được nguồn lực từ xã hội ủy thác cho các tổ chức này. Có cơ chế kiểm soát, bảo đảm việc phân phối, sử dụng nguồn lực đóng góp tự nguyện được đúng và đủ đến địa chỉ cần giúp. Khuyến khích tinh thần thiện nguyện, giúp đỡ nhau.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng thay đổi Nghị định 64 phải theo hướng xã hội hóa công tác từ thiện. Trên cơ sở đó quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc huy động từ thiện, cứu trợ.

Mục đích là tập hợp được nhiều nhất sức mạnh toàn dân tham gia vào công tác cứu trợ, cứu nạn, cổ vũ động viên tinh thần người tham gia cứu trợ chứ không phải là một thứ khung pháp lý cứng nhắc gây khó cho những người có tấm lòng vàng.

Các quy định này phải được xây dựng cụ thể để hoạt động thiện nguyện trở nên có tổ chức, đi vào quy củ, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, mang tính tự phát lộn xộn như hiện nay. Bởi nếu để tự phát sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng làm từ thiện để trục lợi, để đánh bóng tên tuổi, lợi dụng cho các mục đích cá nhân.

“Khi đã quy định một cách bài bản, có tổ chức, việc từ thiện sẽ thực chất hơn. Hiện rất nhiều đoàn từ thiện lên đường vào cứu trợ đồng bào bão lụt. Nhưng có tình trạng nơi xa xôi, bị cô lập, khó tiếp cận… vẫn cứ thiếu thốn không có đồ ăn.

Nơi dễ tiếp cận hơn, thiệt hại ít hơn thì đoàn cứu trợ xếp hàng để tặng quà, thậm chí có chỗ thừa mứa lãng phí. Do vậy, nguyên tắc cứu trợ là nơi khó khăn nhất, thiệt hại nhất phải được giúp đỡ nhiều nhất. Nếu cứ làm tự phát, sẽ khó thực hiện được điều này. Ngoài ra phải có chế tài nghiêm trị những kẻ trục lợi từ thiện, lợi dụng tình thế thiên tai khó khăn để làm lợi cho bản thân”, ông Nguyễn Túc chia sẻ.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên đại biểu Quốc hội cho biết, vận động, tiếp nhận và phân phát tiền cứu trợ là một quyền dân sự. Quyền này chỉ có thể hạn chế bởi luật (Điều 2, Bộ luật Dân sự). Nghị định 64 chỉ là một văn bản dưới luật đã lỗi thời, không còn giá trị.

Việc xây dựng một nghị định mới cho phù hợp với thực tiễn là việc rất cần thiết. Mong rằng Bộ Tài chính theo sự chỉ đạo của Chính phủ sẽ khẩn trương tiến hành sửa đổi Nghị định 64 càng sớm càng tốt. Có vậy, chắc chắn nguồn lực xã hội hỗ trợ khắc phục khó khăn sẽ được phát huy hơn nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ