Việc ca sĩ Thủy Tiên quyên góp hơn 100 tỷ đồng cứu trợ: Pháp luật thừa nhận?

GD&TĐ - Thông tin ca sĩ Thủy Tiên quyên góp được hơn 100 tỷ đồng để hỗ trợ người dân vùng lũ miền Trung nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Không ít ý kiến băn khoăn về tính pháp lý của việc này.

Ca sĩ Thủy Tiên trao tiền hỗ trợ người dân vùng lũ miền Trung. Ảnh: FBNV
Ca sĩ Thủy Tiên trao tiền hỗ trợ người dân vùng lũ miền Trung. Ảnh: FBNV

TS Bùi Kim Hiếu - Trưởng khoa Luật Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) cho rằng nghĩa cử của ca sĩ Thủy Tiên được pháp luật thừa nhận.

Cần phải xác định bản chất của quan hệ pháp luật

Theo TS Bùi Kim Hiếu, chúng ta cần phải xác định rõ bản chất quan hệ pháp luật của hành vi kêu gọi, vận động, tiếp nhận, phân phối hàng, tiền cứu trợ của các nghệ sĩ.

Theo Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ - CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, chỉ có các tổ chức, đơn vị theo quy định mới được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ.

Đó là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Báo, đài của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương; Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định; Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; Các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Điều luật này còn quy định ngoài các tổ chức, đơn vị theo quy định, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng hóa cứu trợ.

Thế nhưng, Khoản 1 Điều 2 của Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ cũng quy định: “Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách trong việc đóng góp và tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất; giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”.

Như vậy, dưới góc độ pháp lý, pháp luật không cấm hoạt động từ thiện, tổ chức vận động để phục vụ cho từ thiện, mà còn khuyến khích, tạo điều kiện để cá nhân được thực hiện để khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân khi thiên tai xảy ra.

Việc ca sĩ Thủy Tiên lập một tài khoản tiếp nhận tiền, trực tiếp hỗ trợ bà con vùng lũ là hành động tự phát, không có tính chất thường xuyên. Bản chất của hành động quyên góp tiền, tài sản, lương thực này chính là một quan hệ dân sự được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự Việt Nam, không được điều chỉnh bởi các quy định đối với các quỹ từ thiện cụ thể là Nghị định 64/2008 nêu trên. 

Pháp luật không cấm?

Việc kêu gọi, vận động, tiếp nhận, phân phối hàng, tiền cứu trợ của các nghệ sĩ, TS Bùi Kim Hiếu cho rằng, quan hệ pháp luật được hình thành giữa các bên là quan hệ pháp luật dân sự. Do đó, quan hệ pháp luật này sẽ do Luật Dân sự điều chỉnh.

Theo TS Bùi Kim Hiếu, trường hợp ca sĩ Thủy Tiên là thực hiện thiện nguyện đúng bản chất của một hợp đồng ủy quyền. Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Trên cơ sở hợp đồng ủy quyền, người được ủy quyền đại diện cho người ủy quyền thực hiện các hành vi pháp lý trong phạm vi thẩm quyền. Ở đây, việc người dân ủng hộ tiền qua tài khoản của ca sĩ Thủy Tiên ghi rất rõ “ủng hộ đồng bào lũ lụt”, tức là đã xác định rõ phạm vi được ủy quyền để ca sĩ Thủy Tiên làm công việc thay cho họ.

Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hình thức giao dịch dân sự: “(1) Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể; Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản. (2) Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó”.

Đồng thời, Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định hợp đồng ủy quyền phải tuân thủ theo hình thức nào, do đó, việc lựa chọn hình thức nào là do các bên tự lựa chọn. Ở đây, nếu nói có sự vi phạm chỉ có thể xảy ra khi có sự tranh chấp giữa người ủng hộ tiền với ca sĩ Thủy Tiên khi họ chứng minh được rằng ca sĩ Thủy Tiên sử dụng số tiền trên không vì mục đích ủng hộ đồng bào lũ lụt (tức là không thực hiện đúng công việc trong phạm vi được ủy quyền mà thôi).

Đồng thời, Điều 32 Hiến pháp 2013 quy định: “(1) Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. (2) Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ. (3) Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”.

Do vậy, cá nhân người ủng hộ vật chất trong trường hợp này hoàn toàn có quyền định đoạt gửi cho ai đó hoặc tổ chức nào đó để họ thay mình giúp người dân.

Bên cạnh đó, Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”. Trong khi đó, việc kêu gọi ủng hộ và từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên không bị quy định nào của luật cấm, nên không có gì là trái luật, và đương nhiên không trái đạo đức xã hội.

Theo Khoản 2, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Do Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực pháp lý cao hơn so với Nghị định 64/2008, nên giả sử rằng có mâu thuẫn, chồng chéo giữa Bộ luật Dân sự 2015 và Nghị định 64/2008 thì Bộ luật Dân sự 2015 vẫn được ưu tiên áp dụng, tức là giao dịch nêu trên vẫn được pháp luật thừa nhận và hành vi kêu gọi, vận động, tiếp nhận, phân phối hàng, tiền cứu trợ của các nghệ sĩ không vi phạm quy định của pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ