Những nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện chuyển đổi số giáo dục

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đang xây dựng khung năng lực số cho học sinh, từ bậc mầm non đến phổ thông.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Từ năm 2016, Thủ tướng Chính Phủ đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động của ngành Giáo dục, với mục tiêu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ (đặc biệt là CNTT và các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0) vào các hoạt động giáo dục và đào tạo.

Thực hiện Đề án này, thời gian qua, ngành Giáo dục đã triển khai nhiều nhiệm vụ và đạt được kết quả quan trọng.

Về nhân lực số: Môn học Ngoại ngữ và Tin học đã đưa vào giảng dạy ngay từ đầu cấp tiểu học với 3 mạch nội dung xuyên suốt: Học vấn số hóa phổ thông, Ứng dụng CNTT và truyền thông và Khoa học máy tính.

Đặc biệt, nhiều công nghệ cuộc cách mạnh 4.0 được thiết kế đưa vào chương trình dạy học một cách phù hợp như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và robotics…. Giáo dục STEM cũng được đẩy mạnh thông qua việc học tập qua dự án và phát triển các không gian đổi mới sáng tạo trong trường học.

Chương trình giảng dạy không chỉ dừng lại ở cung cấp kiến thức mà quan trọng hơn là cung cấp ký năng, năng lực tư duy số, khả năng làm chủ công nghệ của học sinh.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng khung năng lực số cho học sinh, từ bậc mầm non đến phổ thông, trong đó không chỉ dừng lại ở những kỹ năng sử dụng, kiến thức công nghệ mà hướng đến phát triển năng lực tư duy, khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường công nghệ

Nội dung số: Bộ GD&ĐT đã tổ chức 4 cuộc thi quốc gia về thiết kế bài giảng e-learning nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số của giáo viên và tạo ra Kho học liệu số hữu ích chia sẻ toàn quốc. Đến nay đã có hơn 7.000 bài giảng e-learning và gần 200 đầu sách giáo khoa được số hóa và chia sẻ trên Internet tại địa chỉ igiaoduc.vn.

Quản lý giáo dục trên nền tảng số hóa: Bộ GD&ĐT đã đánh mã định danh và số hóa thông tin hồ sơ của 23 triệu học sinh (bao gồm thông tin cá nhân, kết quả học tập, thể chất, các bệnh về mắt, bệnh về xương, khả năng biết bơi và năng khiếu… ); hồ sơ của 1,4 triệu giáo viên thuộc 53 ngàn trường học trên cả nước. Cơ sở dữ liệu lớn, tập trung này đã giúp ngành Giáo dục thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch, đánh giá, dự báo về các hoạt động giáo dục.

Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát (tháng 2/2020), toàn ngành Giáo dục đã tập trung thực hiện nhiệm vụ kép: vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học.

Ngay cả khi các nhà trường phải tạm dừng đóng cửa để phòng chống dịch, với phương châm “ngừng đến trường, không dừng học”, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo và hướng dẫn nhà trường nhanh chóng chuyển sang tổ chức dạy học trực tuyến trên Internet, những nơi có điều kiện khó khăn thì áp dụng dạy học trên truyền hình, đồng thời có hướng dẫn kiểm tra đánh giá, công nhận kết quả dạy học trực tuyến.

Theo thống kê, trong hơn 4 tháng triển khai dạy học từ xa, có gần 50% trường đại học tổ chức dạy học trực tuyến; tỷ lệ học sinh phổ thông được học qua internet đạt tỷ lệ khoảng 80%.

Ở những vùng khó khăn, nhiều thầy cô tổ chức làm video, clip các bài giảng gửi lên Youtube, Zalo, Facebook và các ứng dụng khác nhằm tạo cơ hội học tập cho học sinh.

Bên cạnh đó, ở trường vùng sâu, vùng xa, các thầy cô đã khắc phục khó khăn bằng cách soạn bài, photo và đến từng nhà gửi bài tập cho từng học sinh.

Ngày 29/9/2020, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã công bố báo cáo PISA. Theo số liệu của báo cáo này, việc học trực tuyến phòng chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Cụ thể, Việt Nam có 79,7% học sinh được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%).

Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị ban hành quy chế quản lý dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông, tạo hành lang pháp lý để hình thức dạy học trực tuyến được công nhận như một phương thức bổ trợ cho dạy học trực tiếp và được công nhận kết quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ