Chuyển đổi số trong giáo dục: Lợi ích trước mắt và lâu dài

GD&TĐ - “Cơ sở dữ liệu ngành giúp nắm bắt nơi nào thừa, thiếu, yếu, khoẻ. Để từ đó giải các bài toán về quản lý, đầu tư, tài chính… cho GD” - NGƯT.PGS.TS Lê Quốc Tiến (Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng) chia sẻ với Báo GD&TĐ trong cuộc trao đổi tâm huyết về chuyển đổi số trong GD.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lợi ích khi từng giáo viên, học sinh có mã định danh

 -Chuyển đổi số (CĐS) trong GD đang còn là một “khái niệm”, hướng nghĩ, cách làm rất mới ở Việt Nam. Vậy mà ngành GD Hải Phòng lại mạnh dạn đầu tư vào đó. Lý do nào dẫn Sở GD&ĐT Hải Phòng đến với quyết định tiên phong táo bạo này, thưa ông?

NGƯT.PGS.TS Lê Quốc Tiến: Mặc dù ở Việt Nam khái niệm CĐS trong GD còn mới mẻ, nhưng trên thế giới có từ lâu rồi. Tôi cho rằng GD phải có được cơ sở dữ liệu lớn (CSDL), tương đối đầy đủ, để từ CSDL này ngành GD thuận lợi hơn trong xây dựng được chiến lược, tham mưu cho UBND. Các chính sách đối với GD phải vừa đúng, vừa trúng. Với Hải Phòng, từ 10/1/2020, được sự trợ giúp từ Bộ GD&ĐT bắt đầu xây dựng CSDL ngành. Nhờ CSDL này mà 423,452 học sinh và 32,441 giáo viên của Hải Phòng có mã định danh (MĐD).

Mục tiêu của chúng tôi xây dựng CSDL này để đảm bảo mỗi một học sinh có một MĐD riêng, từ đó có thể theo dõi quá trình học tập ngay từ khi 3 - 6 tuổi, từ tuổi học mầm non theo suốt chương trình GD phổ thông. GD&ĐT phải được diễn ra trong suốt các cấp học, mầm non, tiểu học, THPT và đến đích là doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để đẩy mạnh GD thường xuyên. Khi có CSDL chúng tôi sẽ xác định được rõ bức tranh của toàn ngành, biết được nơi nào thừa, nơi nào yếu, nơi nào thiếu, nơi nào khoẻ.

NGƯT.PGS.TS Lê Quốc Tiến (ngoài cùng bên phải) tìm hiểu thiết bị dạy học bên lề Hội thảo góp ý các dự thảo thông tư ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 và lớp 6 của Bộ GD&ĐT. Ảnh: An Nhiên
NGƯT.PGS.TS Lê Quốc Tiến (ngoài cùng bên phải) tìm hiểu thiết bị dạy học bên lề Hội thảo góp ý các dự thảo thông tư ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 và lớp 6 của Bộ GD&ĐT. Ảnh: An Nhiên

-Theo ông, chuyển đổi số có thể giúp gì thay sách, đổi mới chương trình GD phổ thông và hơn nữa…?

NGƯT.PGS.TS Lê Quốc Tiến: Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình GD phổ thông mới, trong đó có việc thay SGK. Nhờ chuyển đổi số, GD Hải Phòng có CSDL ngành, đây là cơ sở rất cụ thể giúp Sở GD&ĐT có thể làm việc với từng lớp, từng trường, từng địa phương, từ đó có những tham mưu kịp thời đối với HĐND, UBND thành phố, để có những chính sách, cơ chế về nguồn lực và tài chính phù hợp dành cho đổi mới GD.

Chúng ta vẫn đang nói về Chính phủ số, công nghệ số, trong khi lực lượng học sinh rất lớn. Hải Phòng có hai triệu dân thì một triệu là học sinh và nửa triệu phụ huynh tham gia vào quá trình hướng dẫn, giảng dạy trực tuyến. Điều này giúp quá trình CĐS, cũng như công dân số, Chính phủ số tại Hải Phòng sẽ nhanh chóng thành công.

CĐS trong GD, cũng như dạy học online đã được tiến hành hàng chục năm qua tại các nước trên thế giới, họ đã phải tập trung công sức rất nhiều để thành công. Vừa qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GD&ĐT, UBND thành phố, Hải Phòng đã triển khai giảng dạy online rất bài bản, khoa học và có kế hoạch chi tiết. Hơn nữa, việc học trực tuyến không chỉ ích lợi trong thời gian Covid-19 bùng phát mà còn rất lâu dài.

Một ví dụ cụ thể, hiện nay, chúng tôi có 5 bộ SGK lớp 1. Với CNS, chúng tôi đã có kế hoạch bàn với các tác giả SGK và NXB để số hoá cả 5 bộ SGK này, rồi chuyển cho các giáo viên. Từ đó, các thầy cô dù chỉ dạy một bộ SGK nhưng có thể tham khảo tất cả các bộ sách khác, tìm ra điểm mạnh và điểm yếu của từng bộ, để chọn lựa nội dung phù hợp dạy cho HS. Với việc CĐS, chúng tôi sẽ xây dựng các bài giảng điện tử. Những bài giảng này sẽ giúp cho việc sử dụng các bộ SGK dễ dàng hơn.Chúng tôi để các giáo viên nghiên cứu cả 5 bộ SGK, chính các thầy cô chọn sách là tốt nhất.

Giáo trình tốt cũng có thể xây dựng qua những bài giảng điện tử. Triển khai giáo trình điện tử liên tục có ích lợi ở chỗ những thầy cô dạy giỏi ở thành phố, vùng thuận lợi, thông qua khi xây dựng bài giảng điện tử đưa vào kho học liệu có thể giúp cho những học sinh ở vùng xa, vùng khó khăn đều được tiếp cận. Như vậy tất cả các học sinh đều được hưởng thụ những bài giảng chất lượng.

Mặt khác, các học sinh tiếp thu chậm hay chưa học hết bài học trong ngày, có thể sử dụng bài giảng trực tuyến để học mọi lúc mọi nơi, bổ sung kiến thức thuận lợi. Hình thức này cũng giúp giáo viên có thêm điều kiện hỗ trợ học sinh tiếp thu kiến thức, tạo hứng khởi học tập. Việc dạy học trực tuyến sẽ hỗ trợ học sinh rất tốt trong chuẩn bị cho cuộc cách mạng 4.0.

-Đó là những hỗ trợ ấn tượng cho học sinh, còn về giáo viên, CĐS mang lại những lợi ích gì, thưa ông?

NGƯT.PGS.TS Lê Quốc Tiến: Có thể nói, các sở, ngành ở Hải Phòng đã hỗ trợ giáo dục rất nhiều. Tuy nhiên, trong các năm vừa qua, chúng tôi chưa có dữ liệu cơ bản, căn cơ và chính xác để gửi qua Sở nội vụ, nhằm hỗ trợ về nhân lực tốt nhất. Và như đã chia sẻ ở trên, hệ thống giáo dục Hải Phòng có 32,141 giáo viên. Đến nay, mỗi giáo viên có một MĐD, căn cứ vào đó chúng tôi có thể xác định được trình độ, tuổi tác, môn dạy. Từ đó xây dựng được kế hoạch cụ thể nâng chuẩn cho giáo viên, dựa trên cơ sở xác định điều kiện giảng dạy của các thầy cô.

Các thầy cô cật lực lao động vất vả 5 - 6 ngày trong tuần, dựa vào CSDL ngành, chúng tôi nắm bắt được hoàn cảnh của từng thầy cô, để quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ phù hợp điều kiện của thầy cô. Nhờ vào hệ thống CSDL ngành, chúng tôi có thể xác định rõ được, từng năm nơi nào thừa, thiếu, mạnh, yếu về giáo viên, để báo cáo với UBND thành phố xây dựng kế hoạch trong tuyển dụng.

Khi thấy thiếu giáo viên ở một số môn, chúng tôi đã chủ động ký kết với các trường sư phạm để “đặt hàng” kế hoạch đào tạo. Hơn nữa, với CSDL ngành, chúng tôi sẽ “truyền tin” đến các trường THPT, giao nhiệm vụ cho các hiệu trưởng trong việc trao đổi với các học sinh giỏi, đề xuất lên thành phố để hỗ trợ học phí ngành sư phạm, để các em học giỏi được “đặt hàng” đào tạo, sau khi việc đào tạo sư phạm hoàn tất, các em có thể quay về địa phương sinh sống để tham gia vào hoạt động sư phạm. Có kế hoạch như vậy, chỉ trong 4 - 5 năm nữa, việc thừa thiếu giáo viên sẽ được giải quyết triệt để.

Học sinh Hải Phòng (ảnh minh hoạ)
Học sinh Hải Phòng (ảnh minh hoạ)

Cơ sở dữ liệu ngành giúp đầu tư căn cơ và minh bạch tài chính cho giáo dục

 -Ngoài chuyển đổi số rõ nét ở việc dạy học online và xây dựng CSDL ngành, ông có thể cho biết Hải Phòng sẽ tập trung gì thêm để phát triển CĐS trong GD?

NGƯT.PGS.TS Lê Quốc Tiến: CĐS giúp xây dựng các chương trình, đề án trong GD được thuận lợi hơn. Đối với GD Hải Phòng, năm tới chúng tôi tập trung vào hai trụ cột chính: Thứ nhất là đội ngũ thầy cô. Với sự trợ giúp của CNTT, chúng tôi có thể nắm chắc được 32.141 thầy cô trong hệ thống hiện nay. Mỗi thầy cô có một MĐD rõ ràng. Căn cứ vào độ tuổi, môn học, ngành giáo dục có thể xác định xem chuyên ngành nào còn đang thiếu GV. Với chương trình GD phổ thông mới chúng tôi cũng cập nhật số liệu này. Với sự hỗ trợ của CNTT, ngành giáo dục Hải Phòng có thể trình một kế hoạch cụ thể lên HĐND, UBND thành phố cho việc đào tạo giáo viên, cho việc đổi mới GD.

Thứ hai, về cơ sở vật chất. Các trang thiết bị phục vụ việc tự học rất cần thiết. Tuy nhiên, đây là phạm vi rất lớn, nên nhờ thống kê cụ thể số liệu ngành, chúng tôi có thể xác định rõ tiêu chí để xây dựng từng trường, từng lớp, các phòng học bộ môn, thực hành... Từ đó, sẽ xây dựng cơ sở vật chất mộtcách căn cơ, bài bản từ nay đến năm 2025. Việc CĐS nếu gắn chặt với sự phát triển của ngành GD sẽ cho thấy thực tiễn, sự rõ ràng, minh bạch.

- Cụ thể, CSDL ngành giúp GD địa phương minh bạch như thế nào? giải được bài toán khó về chi ngân sách cho GD ra sao?

NGƯT.PGS.TS Lê Quốc Tiến: Để xây dựng bức tranh tài chính trong GD, chúng tôi trao đổi với các nhà trường, phòng GD&ĐT, để định kỳ tổng hợp ngân sách cho nhà trường, địa phương, từ đó tổng hợp được những con số hết sức minh bạch. Qua đó, chúng tôi sẽ báo cáo được với UBND, HĐND về hiệu quả của đầu tư ngân sách cho GD, để làm sao không ngừng cải tiến, đảm bảo ngân sách được sử dụng minh bạch và đạt hiệu quả cao nhất.

Đối với Hải Phòng, chúng tôi có rất nhiều kênh để theo dõi ngân sách chi cho GD. Chúng tôi cũng chủ động tự xác định ngân sách để UBND thành phố ưu tiên cho GD. 

Khi chúng tôi xây dựng CSDL ngành, được sự hỗ trợ của Bộ GD&ĐT, các thông tin có tính liên thông chứ không co cụm lại. Ví dụ, Sở Tài chính bất kể lúc nào cũng có thể kiểm tra được chi tiêu, đầu tư thế nào cho GD. Đặc biệt, Hải Phòng năm nay đứng đầu cả nước về thực hiện Nghị quyết 54 về thực hiện hỗ trợ học phí cho các cấp học từ mầm non đến THPT. Năm nay chúng tôi đang áp dụng trước cho mầm non và THCS. Với dữ liệu ngành, mỗi một học sinh có một MĐD, nhìn vào các thông tin của MĐD chúng tôi đảm bảo được sự minh bạch khi chi tiêu ngân sách cho từng học sinh.

Căn cứ vào kết quả chúng tôi gửi, Sở Tài chính có thể nhập dữ liệu vào, họ có thể nhận định được ngay tổng số từng quận huyện bao nhiêu học sinh mầm non đi học, bao nhiêu THCS đi học. Từ đó nhân lên ra con số chi cho học phí rất rõ ràng. Điều này tạo nên một căn cứ minh bạch và khoa học. Và chúng tôi hy vọng rằng có như vậy mới tạo nên sự thống nhất. Bởi các nhà hoạch định chính sách, các lãnh đạo Thành uỷ, HĐND, các sở, ban, ngành cần các dữ liệu về GD và để hoạch định chính sách đều có thể đăng nhập vào hệ thống CSDL để nắm bắt các thông tin, con số, rất minh bạch.

-Xin cảm ơn trao đổi của ông!

 "Xây dựng được CSDL ngành giúp tạo kho dữ liệu lớn để các nhà nghiên cứu, xây dựng chiến lược GD có được bức tranh tổng thể, chi tiết, khoa học, minh bạch, từ đó xây dựng các chiến lược phù hợp thực tế GD trong những năm tới đây" (NGƯT.PGS.TS Lê Quốc Tiến). 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ