Nhà thầu chịu mọi chi phí khắc phục

GD&TĐ - Công ty Cổ phần BOT cầu Bạch Đằng cho biết, sẽ tổ chức hội thảo nghe ý kiến phân tích, đánh giá kết quả quan trắc, đo đạc từ các chuyên gia để đưa ra phương án bù vênh mặt cầu đảm bảo êm thuận hơn.  

Các phương tiện lưu thông trên cầu Bạch Đằng
Các phương tiện lưu thông trên cầu Bạch Đằng

Đốt hợp long vênh không hợp lý

Ngày 5/11, trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Tiến Oánh, Phó tổng Giám đốc Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng cho biết: Hiện tượng vênh mặt cầu Bạch Đằng tập trung ở hai vị trí giữa trụ 28 - 29 và 29 - 30, khu vực trước và sau khối hợp long. Tuy nhiên, hiện tượng mặt cầu không bằng phẳng tại những vị trí trên đã được nhà đầu tư phát hiện khi đang thi công, nhà thầu đã khắc phục nhưng chưa hết. “Tôi khẳng định đây không phải hiện tượng lún, võng sau khi thông cầu”, ông Oánh nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, đoạn giữa cầu, tại điểm giao giữa các trụ dây văng có xuất hiện những làn “sóng” trên mặt đường, khi chạy xe tốc độ cao sẽ xuất hiện cảm giác xe chòng chành.

Về phần mình ông Nguyễn Tiến Oánh khẳng định, hai nhà thầu thi công đoạn cầu chính đều là những đơn vị có uy tín và từng làm nhiều cầu dây văng ở các địa phương khác. Tuy nhiên, hiện tượng vênh mặt cầu là không tránh khỏi vì hiện tượng này cũng từng xảy ra ở một số cây câu dây văng lớn khác. 

Ông Oánh cho biết thêm, trong quá trình thi công Công ty đã cùng với các bên liên quan tuân thủ chặt chẽ quy trình kiểm soát chất lượng, đặc biệt là độ vồng thi công các khối đúc hẫng. Tuy nhiên, quá trình thi công cầu có nhiều điểm bất lợi, tại vị trí các khối đúc trước và sau khối hợp long 2 nhịp giữa có sự chênh lệch cao độ dẫn đến mặt cầu không bằng phẳng cục bộ tại các vị trí nêu trên.

Tuy nhiên, theo đại diện phía Công ty BOT Bạch Đằng, hiện tượng này sẽ sớm được khắc phục bởi trong tuần tới nhà đầu tư sẽ tổ chức hội thảo nghe ý kiến phân tích, đánh giá kết quả quan trắc, đo đạc từ các chuyên gia để đưa ra phương án bù vênh mặt cầu đảm bảo êm thuận hơn trong thời gian khai thác về sau. Mọi chi phí bù vênh mặt cầu nhà thầu sẽ chịu trách nhiệm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đình Văn, kĩ sư cầu đường cho biết: Trước khi báo chí đưa tin về hiện tượng võng mặt cầu Bạch Đằng, chúng tôi đã có trao đổi với các kỹ sư trực tiếp thi công, giám sát công trình. Mặt cầu bị võng là do các đốt hợp long có độ vênh chưa hợp lý. Đây là sai sót do chuyên môn, tuy nhiên không ảnh hưởng gì đến chất lượng, kết cấu của cầu.

Điều hạn chế của lỗi hợp long này là làm giảm tốc độ của các phương tiện tham gia lưu thông trên cầu. Biện pháp được đưa ra là trải thảm nâng mặt đường đoạn hợp long để xử lý võng. Tuy nhiên, cũng cần kiểm tra kỹ lưỡng, toàn diện các nguyên nhân để việc xử lý được dứt điểm, tối ưu. Song song với đó cần lắp đặt những biển báo hợp lý để giới hạn tốc độ, tránh xảy ra tai nạn.

Mặc dù cầu Bạch Đằng có hiện tượng mặt cầu không bằng phẳng nhưng vẫn được nghiệm thu đưa vào sử dụng và thu phí
  • Mặc dù cầu Bạch Đằng có hiện tượng mặt cầu không bằng phẳng nhưng vẫn được nghiệm thu đưa vào sử dụng và thu phí

Cần thời gian xác định cầu có lún hay không

Trước hiện tượng lún võng cầu, nhiều ý kiến cho rằng, mặt cầu chưa đảm bảo chất lượng nhưng cầu Bạch Đằng đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng và thu phí là không hợp lý.

Đồng tình với giải pháp trải thảm tôn mặt cầu, kĩ sư xây dựng Nguyễn Văn Tâm nêu quan điểm: “Theo tôi cần phải có một cuộc kiểm tra, đánh giá toàn diện về kết cấu các đoạn hợp long. Đồng thời đối chiếu với hồ sơ trước khi tiến hành xây dựng để từ đó có những tính toán, đánh giá cho phù hợp.

Nếu đơn thuần chỉ là độ võng mặt đường do các điểm hợp long chưa được tính toán hợp lý thì có thể xử lý ngay bằng cách trải thảm tôn mặt đường. Còn nếu do lún thì lại phải có đánh giá cụ thể về mức độ lún sau đó mới có thể đưa ra hướng giải quyết. Trước mắt, về vấn đề cầu có lún hay không cần phải để các phương tiện lưu thông một thời gian nhất định mới thể hiện được. Tuy nhiên, cần đảm bảo các giải pháp an toàn giao thông khi mặt đường chưa đạt tiêu chuẩn tốc độ cho phép”.

Theo Công ty CP BOT Bạch Đằng, quá trình đưa vào khai thác, các thông số kỹ thuật của cầu, trụ tháp, mặt đường, dây văng… thường xuyên được theo dõi, kiểm tra, kết quả đảm bảo theo yêu cầu thiết kế.

Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến được đầu tư theo hình thức BOT do Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công từ tháng 9/2014 với tổng chiều dài 5,3 km, tổng vốn đầu tư 7.277 tỉ đồng. Ngày 1/9/2018, cầu Bạch Đằng chính thức thông xe và đưa vào khai thác sử dụng.

Hạng mục cầu chính dây văng Bạch Đằng dài 700m trong tổng chiều dài toàn Dự án là 5,3 km, vượt qua ngã ba sông Bạch Đằng, sông Cấm. Cầu gồm 4 nhịp dây văng 110m+2x240m+110m với 3 trụ tháp hình chữ H có chiều cao gần 100m, cao độ thông thuyền 48,4m.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.