Theo đại biểu Hoàng Thị Hoa, hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao thành tựu khoa học công nghệ giữa các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học và các doanh nghiệp - ngày càng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và nghiên cứu khoa học cho sự phát triển của doanh nghiệp. Các nước phát triển trên thế giới đều quan tâm, thúc đẩy các hoạt động hợp tác này.
Thông tin nhiều trường đại học đã có liên kết với các doanh nghiệp, có trường có mối liên kết với hàng trăm doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ trong hoạt động đào tạo nhân lực tại nhiều quốc gia trên thế giới, đại biểu Hoàng Thị Hoa cho rằng, Chính phủ cần tạo cơ chế để sự liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp thúc đẩy quá trình hợp tác một cách toàn diện và hiệu quả, nhằm thực tiễn hóa đội ngũ giảng viên và sinh viên trong các trường đại học, trí thức hóa đội ngũ công nhân trong doanh nghiệp.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) |
Cũng theo đại biểu Hoàng Thị Hoa, các nhà kinh tế học hiện nay nhìn chung đã thống nhất quan điểm cho rằng tri thức là đầu vào cơ bản của sản xuất và của nền kinh tế.
Ở các nước phát triển, đối với những sản phẩm có hàm lượng cao về trí tuệ, giá trị tri thức kết tinh trong sản phẩm ngày càng chiếm tỷ trọng lớn - lên tới 80-90%, trong khi giá trị nguyên liệu, năng lượng, lao động phổ thông chỉ chiếm 10-20%.
Tri thức và khoa học công nghệ cùng với lao động có kỹ thuật cao là lực lượng sản xuất trực tiếp và quyết định.
“Phát triển công nghiệp sáng tạo là hoạt động bắt nguồn từ sự sáng tạo, kỹ năng và năng khiếu của cá nhân, có tiềm năng tạo ra của cải, việc làm qua quá trình khai thác tri thức, là sự kết nối giữa văn hóa với thương mại và công nghệ để tạo ra lợi nhuận.
Bởi vậy, cần tạo nên không gian sáng tạo cho cá nhân, hỗ trợ thông qua chính sách, giúp người sáng tạo có thể chuyển tải tri thức, công trình của mình đến với công chúng” – đại biểu Hoa nêu quan điểm.