Ý kiến trái chiều về đào tạo cảnh sát biển

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Theo dự thảo Luật Cảnh sát biển, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN) được đào tạo, bồi dưỡng tại cơ sở đào tạo của Cảnh sát biển Việt Nam, hệ thống giáo dục quốc dân, nhà trường, cơ sở giáo dục nước ngoài về chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ và kiến thức cần thiết khác phù hợp với nhiệm vụ được giao; khuyến khích phát triển tài năng phục vụ lâu dài trong Cảnh sát biển Việt Nam.

Liên quan đến nội dung này, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày nhận định:

Từ khi thành lập đến nay, cán bộ, sĩ quan CSBVN đều được điều động từ các lực lượng khác. Mặc dù CSBVN có một Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nhưng quy mô và khả năng hạn chế; việc đào tạo, huấn luyện phụ thuộc nhiều vào việc phối hợp với các Bộ và các nhà trường khác.

Do đó, chất lượng cán bộ, sĩ quan thiếu đồng bộ, thiếu tính chuyên nghiệp, nhất là về trình độ, kiến thức, kỹ năng thực thi pháp luật và bản lĩnh chính trị, ứng phó, xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển. Vì vậy, để bảo đảm tốt nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng CSBVN “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, UBTVQH đề nghị Quốc hội xem xét, cho chỉnh sửa lại nội dung như Điều 36 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Tuy nhiên, một số Đại biểu quốc hội cho rằng, việc thành lập cơ sở cảnh sát biển Việt Nam sẽ làm phình thêm bộ máy, trái với chủ trương tinh giản biên chế hiện nay. Thể hiện khá gay gắt về điều này, đại biểu Võ Đình Tín (Đăk Nông) đề nghị cần xem xét lại quy định tại Điều 36 vì cho rằng quy định này chưa phù hợp với chủ trương của Đảng, Nghị quyết Quốc hội, chỉ đạo Chính phủ...

Việc quy định đào tạo bồi dưỡng cán bộ chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam là trùng lắp và không thống nhất với quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam, được thực hiện theo Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Cũng băn khoăn về Điều 36, theo đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), đây là nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ nên phải để Chính phủ quy định, không nhất thiết phải ghi vào Luật; như vậy mới tạo cơ chế thông thoáng, đúng với thẩm quyền. Bên cạnh đó, việc quy định cứng vào Luật gây khó khăn khi Chính phủ tổ chức, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của nhà trường, bộ máy sự nghiệp công lập và sẽ phải sửa Luật.

Ngược lại, đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) thì lại cho rằng, nên thiết kế một điều luật riêng cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cảnh sát biển. Đại biểu Hà kỳ vọng, với nội dung này trong Luật sẽ giải quyết được những hạn chế về lực lượng cảnh sát biển như nhận định trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.