Người trồng mía lao đao sau hạn mặn

GD&TĐ - Dư âm của mùa hạn, mặn vừa qua vẫn đeo đẳng người nông dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, gánh chịu hậu quả nhiều nhất có lẽ là những người trồng mía tỉnh Sóc Trăng - trung tâm hạn hán và ngập mặn thời gian qua ở vùng sông nước một thời màu mỡ phù sa này. 

Người trồng mía lao đao sau hạn mặn

Vụ thu hoạch bết bát trước đó là một nhẽ, cho đến nay, dù đã vào mùa trồng lứa mía mới từ lâu theo thông lệ, nhưng nhiều cánh đồng mía vốn ngút ngát tầm mắt trước đây, giờ vẫn trống trơn vì ngập mặn không thể nào trồng cấy nổi.

Mặn chát hạn mặn

Tìm về vùng trồng mía nức tiếng gần xa huyện Cù Lao Dung, chúng tôi ghi nhận một thực trạng buồn. Đi trên tuyến đường huyết mạch, xẻ đôi huyện cù lao qua các xã An Thạnh II, thị trấn Cù Lao Dung, An Thạnh III… chúng tôi thấy nhiều ruộng mía vẫn trống trải. Hỏi ra mới biết, tình trạng hạn, mặn năm nay gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Hết cây lúa, con tôm nay đến cây mía, loài cây có sức chịu đựng, bén rễ được trên những vùng đất khắc nghiệt cũng đành khuất phục trước hạn mặn.

Theo chia sẻ của bà con, vụ mía vừa qua thu hoạch đã không có lãi rồi, đến vụ mía mới cái hạn, mặn vẫn chưa buông tha cho họ. Đứng nhìn ruộng mía thưa thớt vài cây thấp dưới ống chân, ông Đỗ Việt Thắng (Tám Thắng, xã An Thạnh II), buồn bã nói: “Mọi năm đến thời điểm này cây mía đã phải cao ngang ngực, vậy mà giờ nó lèo tèo vậy đó!”.

Gia đình ông Tám Thắng có 3 ha đất trồng mía. Lão nông vừa phải mua giống về gieo lại lần thứ 3 nên dễ hiểu tại sao ruộng mía cây thấp, cây cao, có chỗ mía chưa nảy chồi, để lại nguyên vệt đất trống. Đưa chúng tôi đi một vòng quanh ruộng mía, ông Tám Thắng chia sẻ: Cả đời làm mía tại địa phương này, chưa năm nào khó làm ăn đến vậy. Mảnh ruộng của gia đình gần tới tuổi thu hoạch thì hạn khắc nghiệt, mặn đổ về làm cây mía từ lá đến thân vàng như tôm luộc. Dù mía chưa đủ tuổi, lão nông cũng đành gọi người thu hoạch vội vàng.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi thu hoạch, lão nông tiến hành trồng lại ruộng mía như mọi năm. Nào ngờ, cây giống mới nhú mầm thì đã lại đỏ. Nhiều khúc mía giống chẳng kịp “đẻ con” để thử sức với cái nắng khủng khiếp đã khô nằm bất động. “Khắp cái vùng này, ai xuống giống ngay lúc Trung Quốc mở nước về thì may còn, không là chết hết. Cây nào nhú lên được là nhờ lượng dinh dưỡng có sẵn trong cây mía, chứ khi rễ ra cắm vào đất gặp mặn là bị thối đen”, ông Tám Thắng bày tỏ.

Đang nhổ mấy bụi mía thưa thớt còn sót lại sau mùa hạn mặn, lão nông Ba Nghĩa nói: “Trồng 2 lần rồi mà lên được mấy bụi vậy đó! Độ mặn lên tới 15 - 16 phần ngàn thì sao sống nổi. Bây giờ có mưa rồi nên mua giống mới về trồng lại chắc mới được”. “Cái hạn mặn năm nay nếm được. Vào chính vụ thu hoạch khoảng tháng 2 (âm lịch), bẻ cây mía ăn có thể thấy vị đường, vị muối nó hòa trộn vào nhau”, ông Ba Nghĩa lắc đầu, nói với chúng tôi.

Nỗi lo mía giống cạn kiệt

Từ thực trạng trên, nguồn mía giống tại địa phương đã cạn kiệt. Nhiều bà con phải đi khắp các vùng lân cận săn mía giống với giá đắt đỏ về trồng lại. Cũng không thiếu những ruộng mía đã cải tạo sẵn sàng nhưng phải chờ giống.

Đang cặm cụi với mấy bó mía giống non tơ ven đường, ông Út Cưng (thị trấn Cù Lao Dung), cho biết: Vừa đặt mua đống mía này trên Phụng Hiệp (Hậu Giang) mang về với giá 2.000 đồng/kg. Lần trước gia đình trồng giống tốt mà giá có 1.200 - 1.300 đồng/kg nhưng chúng không sống nổi với nắng nóng. “Trồng đại xem sao chứ trễ lắm rồi, mùa hạn năm sau mà đến sớm như năm nay thì lại mất mùa nữa thôi. Nhà báo cứ đi thẳng theo đường này sẽ thấy, các ruộng mía trống trơn như nhau, ai cũng phải chờ giống”.

Với diện tích hơn 2 ha, 3 lần xuống giống, đến nay tiền đầu tư đã ngốn của gia đình ông Út Cưng hết mấy chục triệu. Theo tính toán của ông, trồng mới mỗi công đất phải đầu tư 1 tấn giống, còn trồng dặm kiểu này cũng vài trăm kg. Hiện tại, nguồn giống cung cấp cho địa phương gần như toàn bộ được vận chuyển từ Phụng Hiệp qua hoặc Long An về. Cây mía mới vài tháng tuổi đã đành, điều kiện tự nhiên của mỗi vùng đất lại khác nhau nên bà con đang lo lắng không biết cây mía có sống nổi không?!

Ông Nguyễn Văn Đắc - Phó phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung - cho biết: Năng suất mía trung bình năm nay giảm khoảng 30% so với cùng kỳ. Niên vụ 2016 - 2017, huyện có 6.500 ha đất trồng mía, mới xuống giống được hơn 4.000 ha, chỉ đạt 62% kế hoạch. Tiến độ chậm hơn 2.000 ha so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế, một số người dân xuống giống sớm bị thiệt hại khá nhiều do thời tiết không thuận lợi. Nắng nóng kéo dài, độ mặn tăng cao, thiếu nước ngọt tưới cho cây mía là nguyên nhân chính gây khó khăn cho vụ mùa.

Từ thực trạng trên, ông Đắc khuyến cáo bà con nên chọn những giống mía ngắn ngày như: KPS01-25; Khonkaen3; K833 để rút ngắn thời gian. “Hiện nay độ mặn trong đất vẫn còn, nếu độ mặn dưới 3 phần ngàn bà con có thể dùng nước tưới vào gốc cây mía. Nhưng nếu phát hiện có độ mặn dù ở mức nào bà con cũng không nên tưới hay phun, xịt lên lá cây mía vì nước sẽ bốc hơi, muối sẽ tích tụ trên lá làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của cây” - ông Đắc nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ