Gian khó
Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp trở lại Nậm Pồ, huyện nằm xa tít phía cực Tây Bắc của Tổ quốc. Chờ chúng tôi ở cổng trụ sở huyện ủy, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nậm Pồ, không giấu được niềm vui khi đón khách phương xa. Bên chén trà cây cao mang thương hiệu “chè Pa Tần - Nậm Pồ”, tỏa hương thơm mát, ông Sơn trầm ngâm nhớ về những ngày đầu thành lập huyện chưa xa.
Thành lập mới trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính từ hai huyện Mường Chà, Mường Nhé, theo Nghị định số 45 của Chính phủ, huyện Nậm Pồ có diện tích tự nhiên 149.559,12 ha; gần 140 km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào, quản lý 42 mốc biên giới; dân số hơn 43 nghìn người thuộc tám dân tộc.
Trong 15 xã toàn huyện, có 8 xã biên giới; xuất phát điểm thấp, nhiều khó khăn; đất rộng, người thưa, địa hình hiểm trở, nghèo tài nguyên, nguồn lực đầu tư rất hạn chế, hạ tầng thấp kém...
Ngày 23/6/2013 trở thành dấu mốc quan trọng nhất khi Nậm Pồ chính thức tách thành huyện. Từ một địa bàn đặc biệt khó khăn, chỉ trong 6 năm, đến nay Nậm Pồ đã nêu cao tính tự lập, đổi mới mọi mặt kinh tế - xã hội cùng với năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của đội ngũ cán bộ quản lý cấp huyện, xã để đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Tư duy mới, cách làm mới
Để có được thành công ban đầu như ngày hôm nay, theo lãnh đạo huyện Nậm Pồ, phải có tư duy mới về phong cách làm việc, cơ quan tham mưu phải phát huy trách nhiệm và tính chủ động thực hiện đúng chức năng tham mưu, giúp UBND tổ chức thực hiện nhiệm vụ, không đùn đẩy, né tránh nhiệm vụ.
Để quản lý bộ máy chặt chẽ, lãnh đạo huyện triển khai quyết liệt, nhiều giải pháp từ tổng thể đến kế hoạch chi tiết để biểu dương kịp thời tập thể, cá nhân nào làm tốt; kiên quyết xử lý thật nghiêm những hành vi nhũng nhiễu người dân, gây phiền hà cho tổ chức, công dân.
Dễ thấy là cơ sở vật chất hàng loạt xã trên địa bàn huyện được chỉnh trang, nâng cấp, như: Si Pa Phìn, Chà Cang, Chà Tở, Chà Nưa, Nậm Khăn, Pa Tần, Na Cô Sa, Nà Khoa, Nà Hỳ, Nậm Chua, Vàng Đán, Nà Bủng... Điện lưới quốc gia được đưa đến 75% số bản, tỷ lệ gấp 6,5 lần ngày mới thành lập huyện.
Hệ thống giao thông nông thôn được mở mới và nâng cấp cho 93% số bản trong toàn huyện. Các điểm xa xôi, đông dân cư được đầu tư mở mới đường ô tô vào bản như: Ngải Thầu, Pá Kha, Bản Nương, Huổi Khương, Huổi Dạo, Nộc Cốc 1, 2, Nậm Chua 2, 3, 4, 5, Sam Lang, Lai Khoang, Pú Đao, Na Cô Sa 4, Hô Củng - Huổi Anh, Huổi Văng - Huổi Noỏng, Hô Hài...
Trong ký ức người dân hai bản Hô Củng và Huổi Anh (xã Chà Tở) vẫn chưa thể quên con đường gian khổ từ bản đến trung tâm xã. Chỉ cách trung tâm xã Chà Tở khoảng 30 km, nhưng trước đây người dân hai bản này phải mất hơn ba giờ đi bộ, lội suối, vượt đồi mới đến trung tâm xã.
Ông Mùa A Giàng, Trưởng bản Huổi Anh, cho biết: Trước đây, giao thông khó khăn nên người dân trong bản cứ nghèo mãi, không hộ nào có kinh tế khá giả. Nay có đường mới bà con không vất vả như trước, đường đến ấm no chắc cũng bớt gập ghềnh gian nan.
![]() |
Nhiều mô hình chăn nuôi hình thành giúp đồng bào thoát nghèo bền vững |
Phát triển kinh tế
Một trong những thành tựu nổi bật của huyện kể từ ngày thành lập, đó là chủ trương phát huy nguồn lực con người bắt đầu từ việc tích cực cải tạo cơ sở vật chất trường lớp học, tranh thủ các nguồn vốn của Nhà nước và của các tổ chức cùng công sức lao động của giáo viên, cha mẹ học sinh.
Thầy Nguyễn Xuân Thuận, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng GD&ĐT huyện, vui vẻ cho biết: Chỉ sau hai năm, từ 80% cơ sở vật chất trường lớp học, nhà và bếp ăn bán trú, sân chơi, nhà vệ sinh ở các trường, điểm trường trong tình trạng tạm bợ, dột nát, lầy lội đã hoàn toàn được bê tông hóa, lớp học bảo đảm ba cứng đến kiên cố hóa. Đó là những yếu tố vô cùng quan trọng góp phần nâng tỷ lệ học sinh trong độ tuổi ra lớp ở cả ba cấp học, từ dưới 70% lên trên 95%.
Những năm qua, huyện Nậm Pồ tập trung triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) về Giảm nghèo bền vững, như: Chương trình 30a, Chương trình 135/CP, Chương trình MTQG về Xây dựng nông thôn mới.
Vài năm gần đây, Nậm Pồ đã huy động được hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn.
Trong đó, ngân sách Trung ương 155,3 tỷ đồng; ngân sách địa phương 17,4 tỷ đồng; xã hội hóa 4,5 tỷ đồng; cho vay tín dụng: 444 tỷ đồng và huy động hỗ trợ từ các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các tổ chức nước ngoài 4, 5 tỷ đồng.
Huyện Nậm Pồ đã sử dụng lồng ghép hiệu quả nguồn vốn đó để đầu tư hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động; hỗ trợ đời sống và sinh kế ổn định dân cư.
Triển khai thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Nậm Pồ thời gian qua tuy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, song có thể nhận thấy những dấu hiệu tích cực, mà “điểm sáng” là các xã: Chà Cang, Chà Nưa.
Ông Lường Văn Đôi đã không giấu được niềm tự hào của người dân tộc Thái ở huyện nghèo biên giới. Dẫu vẫn còn khó khăn trên bước đường phía trước, nhưng chục nghìn người dân trên địa bàn, luôn tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền; sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, nhân dân, tương lai Nậm Pồ sẽ vươn lên thành điểm sáng trên vùng biên giới ở cực Tây Tổ quốc.