Mọi thứ đều đúng, chỉ có trời mưa nhiều quá!?

GD&TĐ - Vấn đề thủy điện và tác động của nó đến môi trường, gây lũ lụt tiếp tục là vấn đề nóng trong phiên thảo luận về KTXH sáng 5/11, được nhiều ĐBQH tiếp tục tranh luận.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm rõ thêm ý kiến của đại biểu liên quan đến vấn đề triển khai các dự án thủy điện.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm rõ thêm ý kiến của đại biểu liên quan đến vấn đề triển khai các dự án thủy điện.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã sử dụng quyền tranh luận để làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến triển khai các dự án thủy điện, việc xử lý các dự án thủy điện, điện mặt trời đã hết vòng đời dự án đã được ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng và ĐBQH Dương Trung Quốc đặt ra trong phiên thảo luận chiều 4/11.

Theo Bộ trưởng, khi có chủ trương đầu tư một dự án thủy điện, trước hết các dự án này đều phải được bổ sung vào quy hoạch, trong đó có các tiêu chí về sử dụng đất thực hiện dự án. Địa phương quyết định việc bổ sung quy hoạch. Sau khi được thông qua, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xin ý kiến các bộ ngành liên quan để đảm bảo phù hợp với các quy hoạch khác nhau. Các dự án thủy điện phải đăng công khai đánh giá tác động về môi trường…

Với các dự án thủy điện hết vòng đời dự án, luật và các văn bản dưới luật đã quy định chủ đầu tư phải đánh giá lại an toàn hồ đập, có phương án tháo dỡ cụ thể. Chủ đầu tư dự án điện mặt trời có trách nhiệm xử lý các tấm pin khi đã hết thời gian sử dụng.

Tuy nhiên, sau phần giải trình thêm của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai), ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau)... đã tiếp tục tranh luận về vấn đề này.

Theo ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng, nghe phát biểu của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh từ hôm qua đến nay thì mọi thứ đều đúng cả, chỉ có trời mưa nhiều quá!? “Tôi có nhận xét thế này, ở đâu có nhiều nhà máy thủy điện thì gắn liền với đó là có lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, ngập lụt... Chúng ta làm nhiều đập thủy điện thì không vỡ ở thủy điện, đập thủy điện thì vỡ ở chỗ khác. Nước dâng cao thì nó phải tìm đường thoát mà thoát nước tạo ra trái quy luật tự nhiên thì sẽ gây những hậu quả”, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nói.

Tán thành với nhận định của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng là các dự án thủy điện có hai mặt, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương cần chỉ đạo để kiểm soát chặt chẽ và kiểm soát một cách hiệu quả hơn những tiêu cực của dự án thủy điện. Ông cũng đồng tình nhận định của đại biểu Dương Trung Quốc về các dự án thủy điện như một quả bom nổ chậm và đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói rõ, hiện nay có đúng là như vậy không? Nếu đúng là quả bom nổ chậm thì chúng ta phải tháo ngòi nổ đó.

Nhắc lại câu chuyện xây dựng thủy điện sông Đà, với mục tiêu ban đầu là trị thủy, sau đó mới tới phát điện,  ĐBQH Lê Thanh Vân nhấn mạnh, nhờ có thủy điện sông Đà mà Hà Nội tránh được các trận lụt lịch sử.  Tuy vậy, mặt trái của thủy điện cũng tồn tại nên phải đánh giá khách quan, nhiều chiều về hiệu quả và tác động của thủy điện. Nhưng không vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện.

Tranh luận lại với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, đối với các dự án thủy điện cần có tầm nhìn sau 30-40 năm để có chế tài buộc doanh nghiệp phải tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ