Phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sáng 3/11, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề về hậu quả của việc các thuỷ điện nhỏ tràn lan nhiều nơi, hiệu quả phát điện chưa thấy đâu nhưng hệ luỵ về việc phá rừng, gây thảm hoạ khi có lũ lụt thì đã “nhãn tiền”.
Bộ trưởng nêu thành tích giữ rừng, đại biểu dẫn chứng chuyện phá rừng
Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiên tai nặng nề, hoành hành tại miền Trung vừa qua, gây thiệt hại đặc biệt lớn về sinh mạng cũng như tài sản của người dân.
Liên tiếp những vụ sạt lở đất xảy ra sau mưa lũ tại Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam vùi lấp rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, người dân. Ông khái quát, những sự cố khủng khiếp đó xảy ra ở khu vực tập trung nhiều thuỷ điện nhỏ, nơi mất nhiều diện tích rừng cho việc làm hồ chứa, đập dâng.
Đại biểu đề nghị rà soát hệ thống hồ đập thuỷ điện vừa và nhỏ trên phạm vi cả nước để đánh giá cụ thể về khả năng tác động khi có lũ lụt, mưa bão.
Chung quan điểm này, đại biểu Hoàng Quốc Thắng (Quảng Trị) nhận định, thuỷ điện nhỏ và vừa mọc khắp nơi, xâm hại nhiều diện tích rừng tự nhiên. Hầu hết các vụ sạt lở, lũ quét xảy ra ở những nơi đồi núi trọc, mất rừng, tức mất khả năng điều tiết lượng nước tự nhiên từ khu vực núi cao đổ xuống.
“Nếu không có sự đánh giá, rà sát về chất lượng rừng, về hệ thống thuỷ điện nhỏ và vừa thì còn chưa có cái nhìn khái quát về các công trình làm ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, đến môi trường và đời sống người dân như thế nào” – đại biểu cảnh báo.
Trao đổi nhanh về những vấn đề các đại biểu đề ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường không đi sâu vào vấn đề thuỷ điện nhỏ huỷ hoại rừng nhưng ông khẳng định, kết quả trồng rừng, giữ rừng đã đạt những thành tích lớn, thể hiện sự cố gắng vượt bậc trong thời gian 30 năm qua. Điều đó khiến tỷ lệ che phủ rừng tăng lên đáng kể.
Chưa thấy thuyết phục, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) tranh luận với Bộ trưởng Nông nghiệp về việc khẳng định kết quả trồng rừng, giữ rừng như trên. Theo đại biểu, những thông tin Bộ trưởng Cường dẫn chứng đối lập với thực tế đang diễn ra, khi thiên tai, bão lụt ngày càng nghiêm trọng vừa qua.
Ông Hiếu băn khoăn, nhà nước hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép triển khai những đại dự án trong lõi rừng, khiến nhiều cánh rừng, nhiều quả núi bị “bạt trắng”, hết thuỷ hiện này tới thuỷ điện khác tiếp tục được cấp phép dày đặc trên cùng một dòng sông, con suối…
Đại biểu cho rằng, nhà nước đã có sự thay đổi tư duy, chủ trương tuyên truyền về việc giữ rừng nhưng để thay đổi hành động thực tế lại không đơn giản. “Khi mỗi người dân vẫn tự hào khoe gia đình làm được căn nhà toàn bằng gỗ, những bộ ghế, chiếc giường toàn gỗ hương, lim, sến, táu… nguyên khối mà lý giải là khai thác từ rừng nguyên sinh bên Lào, bên Campuchia như là “vô can” với chuyện phá rừng thì vẫn còn nguồn tiêu thụ, nhu cầu lớn cho hoạt động phá rừng”.
Thuỷ điện nhỏ là "bình phong" cho việc phá rừng?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) nêu vấn đề, thực tiễn thiên tai bão lụt vừa qua, an ninh nguồn nước phải gắn với phòng chống thiên tai, an ninh năng lượng, vấn đề xây dựng hồ, đập thuỷ điện nhỏ và vừa.
Có nhiều ý kiến cho rằng, mục đích chính của thủy điện nhỏ chính là khai thác gỗ và tài nguyên rừng một cách hợp pháp. Vậy nên nhiều chủ đầu tư khi được cấp giấy phép làm thuỷ điện nhỏ là bán lại dự án ngay sau đó. Đó chính là lúc đã khai thác xong tài nguyên rừng.
Từ đó, đại biểu đề nghị đánh giá lại vấn đề cấp phép làm thuỷ điện nhỏ và vừa, kiểm đếm những dự án đã bán lại, sang nhượng để xác minh nghi vấn các dự án thuỷ điện này là “bình phong” cho việc phá rừng. Đại biểu cho rằng, cần cân nhắc loại bỏ các dự án thuỷ điện nhỏ và vừa ra khỏi quy hoạch điện lực đến 2030.
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) đặt vấn đề, đảm bảo an toàn cho những hồ đập thuỷ lợi, thuỷ điện trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, mưa lũ và nước biển dâng là vấn đề bức thiết.
Những bậc thang thuỷ điện, những hồ chứa lớn liên tiếp “gây hoạ” những năm qua. Mùa mưa năm 2017 – 2018 nổi lên hiện tượng thuỷ điện xả lũ gây hiện tượng lũ chồng lũ đã ảnh hưởng nghiêm trọng vùng hạ du.
Năm 2018 – 2019 lại xảy ra hạn hán trên diện rộng, các hồ chứa thuỷ điện cũng cạn khô, sản lượng điện sụt giảm, không đảm bảo hiệu quả vận hành. Năm 2020, cả nước vừa chứng kiến những sự cố đau lòng liên quan đến thủy điện vừa và nhỏ.
Việc quản lý quy trình vận hành liên hồ chứa cũng còn nhiều vấn đề. Các công trình luôn khẳng định việc xả lũ đúng quy trình nhưng sao mỗi lần thuỷ điện xả lũ đều làm ngập vùng hạ du, làm mất mát tài sản, thiệt hại mùa màng của người dân? Đại biểu tiếp tục gửi câu hỏi này tới Bộ trưởng Nông nghiệp, Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường , Bộ trưởng Công Thương về việc vận hành, điều hành các thuỷ điện với quy trình xả lũ.
Bản chất vấn đề điều hành cắt giảm lũ, theo đại biểu, là giải quyết bài toán mâu thuẫn giữa lợi ích của các chủ hồ đập với việc đảm bảo an toàn vùng hạ du cho người dân và hiệu quả nguồn nước với phát điện của ngành điện. Đặt lợi ích nào lên trên hết là câu hỏi cử tri đặt ra với quốc hội để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm trong công tác vận hành các hồ đập này.
Xác định công trình thuỷ lợi, thuỷ điện là một hệ thống để tăng cường an toàn cho vùng hạ du trong việc kiểm soát lũ, đảm bảo an ninh nguồn nước, đáp ứng biến đổi khí hậu, đại biểu đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp trình Chính phủ hướng đầu tư công cụ đo đếm, dự báo để vận hành đầy đủ quy trình điều tiết nước, giảm thiểu rủi ro cho hạ du.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần xây dựng bản đồ ngập vùng hạ du, cắm mốc chỉ giới quản lý để xác định phạm vi ngập của khu vực, thuỷ điện nào gây ngập vượt mốc giới, ảnh hưởng đời sống người dân thì phải đền bù.
Nhà nước cũng cần giám sát chủ đầu tư các công trình hồ đập, vận hành các thuỷ điện hiệu quả hơn, nhất là trước những thời điểm có khả năng thiên tai như bão lũ, hạn hán.