Hơn 3,5 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn học tập

GD&TĐ - Chiều 16/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội, một trụ cột của hệ thống chính sách giảm nghèo.

Trên 3,5 triệu học sinh, sinh viên vay vốn học tập. Ảnh minh họa/internet
Trên 3,5 triệu học sinh, sinh viên vay vốn học tập. Ảnh minh họa/internet

Ấn tượng những con số

Sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội trong thực hiện tín dụng chính sách được xem là một đặc thù sáng tạo của Việt Nam.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.

Phát biểu tại Hội nghị, nhấn mạnh tín dụng chính sách xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển xã hội, tạo xung lực cho giảm nghèo bền vững, Thủ tướng nêu một số kết quả của chương trình này.

Cho tới nay, đã có gần 32 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách vay vốn, doanh số 433.000 tỷ đồng, giúp 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo và trên 112.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn để xuất khẩu lao động.

Trên 3,5 triệu học sinh, sinh viên vay vốn học tập. Nhiều chương trình quan trọng khác về xóa đói giảm nghèo được triển khai như 9,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn…

Việc tiếp cận vốn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn lực tài chính được bảo đảm, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người nghèo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động cho Ngân hàng chính sách xã hội
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động cho Ngân hàng chính sách xã hội

Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) là thực hiện tốt việc nhận tiền gửi từ người nghèo nhằm tạo thói quen tích lũy và hỗ trợ người nghèo từng bước tiếp cận tín dụng ngân hàng.

“Chúng ta có hơn 20 chương trình tín dụng chính sách, gần 7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có dư nợ nhưng tỉ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,81%, con số rất thấp so với các ngân hàng thương mại”, Thủ tướng nói. Đây là số liệu hết sức đáng mừng.

Mô hình tổ chức thực hiện tín dụng chính sách ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với điều kiện, cấu trúc hệ thống chính trị của Việt Nam khi đến nay, có 11.000 điểm giao dịch, 200.000 sổ tiết kiệm vay vốn ở tất cả các thôn, bản trong cả nước, kể cả vùng sâu, vùng xa.

NHCSXH cần tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội. Ảnh minh họa/internet
NHCSXH cần tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội. Ảnh minh họa/internet

Đầu tư cho người nghèo là đầu tư cho phát triển

Các địa phương cần quan tâm bố trí vốn ủy thác sang NHCSXH, hỗ trợ cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH.

Nhắc lại chuyến công tác hồi đầu năm nay tại địa bàn “4 khó” của đất nước là xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, nơi có đông đồng bào dân tộc nhất, nghèo nhất, xa xôi nhất, hẻo lánh nhất, Thủ tướng cho biết, “người ta có báo cáo điển hình là chúng tôi đã được vay vốn NHCSXH như thế này, lý do vì sao chúng tôi vay được thế này và chúng tôi đã phát huy tác dụng thế này”. Điều này cho thấy hệ thống của NHCSXH đã được phổ cập sâu rộng đến các vùng miền.

Qua hoạt động của NHCSXH, đã khắc phục hạn chế của chính sách hỗ trợ cho không, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức của người nghèo từ mặc cảm, tự ti, ỷ lại, sợ vay vốn, không biết cách sử dụng vốn đến có ý chí làm ăn, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Vốn tín dụng chính sách góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi, giảm thiểu bất ổn xã hội.

Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, còn nhiều việc phải làm bởi “nếu để người dân nghèo quá, khó khăn quá, chênh lệch mức sống lớn quá thì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa không thành công”. Đến nay, cả nước còn 1,9 triệu hộ nghèo và 1,3 triệu hộ cận nghèo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Do đó, theo Thủ tướng, cán bộ làm tín dụng, hệ thống làm tín dụng chính sách nhất thiết phải gần dân, sát dân, phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để đáp ứng tốt hơn, phù hợp với nhu cầu của người vay vốn.

NHCSXH cần tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững.

Lưu ý NHCSXH coi trọng chất lượng tín dụng, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tạo thuận lợi nhất để người nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận vốn tín dụng NHCSXH. NHCSXH phải kịp thời xem xét, giải quyết các đề xuất, kiến nghị một cách chủ động.

Các bộ, ngành cần chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng cường nguồn lực, thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. “Lần đầu tiên Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội ghi kế hoạch trung hạn cho NHCSXH với con số là 21.000 tỷ đồng trong 5 năm”, Thủ tướng cho biết. “Chính phủ quan niệm rằng đầu tư cho NHCSXH, cho người nghèo là đầu tư cho phát triển”.

Ghi nhận các kiến nghị của một số đại biểu, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu đề xuất, kiến nghị của các địa phương, kịp thời trình cấp có thẩm quyền để điều chỉnh chính sách tín dụng, đối tượng, mức cho vay, bảo đảm phù hợp với thực tế, khả năng của ngân sách Nhà nước, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn tín dụng của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Nhấn mạnh vai trò của xã hội hóa nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, Thủ tướng mong muốn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước… ủy thác vốn, đóng góp vốn tự nguyện, không hoàn lại thông qua NHCSXH để chung tay tạo lập nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ