Hà Nội tiên phong xây dựng thành phố thông minh

GD&TĐ - Hà Nội vừa tổ chức lễ động thổ và công bố dự án Thành phố thông minh có tổng mức đầu tư gần 4,2 tỷ USD. Dự án được hứa hẹn là sẽ áp dụng nhiều công nghệ thông minh như: Năng lượng, giao thông, quản trị, học tập, đời sống và kinh tế. Khu vực này sẽ được xây dựng với tính cộng đồng rất cao, bảo đảm đầy đủ tiện ích từ trường học, y tế, an ninh, thương mại cũng như công viên cây xanh, mặt nước…

Phối cảnh dự án Thành phố thông minh tại Đông Anh (Hà Nội)
Phối cảnh dự án Thành phố thông minh tại Đông Anh (Hà Nội)

Siêu dự án tiên phong

Mới đây, UBND TP Hà Nội phối hợp với Liên danh Tập đoàn BRG và Sumitomo Corporation (Nhật Bản) tổ chức lễ động thổ và công bố dự án Thành phố thông minh với tổng mức đầu tư 4,138 tỷ USD tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh. Đây là một trong những dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay và là sự kiện thiết thực trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019).

Theo đó, dự án hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy, rút kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề về quy hoạch, hạ tầng giao thông, năng lượng, giáo dục, y tế, môi trường phát triển theo hướng bền vững, dựa trên nền tảng công nghệ số thông minh tại các khu đô thị, nhằm mang đến cho người dân một cuộc sống tốt đẹp hơn, thuận lợi hơn.

Đồng thời, khu đô thị mới này sẽ phù hợp với chủ trương giãn dân nội đô và phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng của TP Hà Nội, phù hợp với định hướng của Trung ương. Chính phủ đã quyết định Hà Nội là một trong 3 thành phố của Việt Nam xây dựng Thành phố thông minh vào năm 2025, tầm nhìn năm 2030.

“Lễ động thổ và công bố dự án đánh dấu sự khởi đầu trong việc triển khai xây dựng Thành phố thông minh đầu tiên của Việt Nam và tại Hà Nội”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Đánh giá về dự án, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định, Thành phố thông minh khi triển khai sẽ đánh dấu bước tiến mới trong việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. Việc xây dựng và phát triển thông minh các khu đô thị đã trở thành xu hướng toàn cầu. Việt Nam đã có những bước đi và sự chủ động để đón xu thế này, mà một trong những thể hiện rõ nét nhất là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh của Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030.

Áp dụng nhiều công nghệ thông minh

Dự án sẽ phù hợp với chủ trương giãn dân nội đô, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, áp lực giao thông
 Dự án sẽ phù hợp với chủ trương giãn dân nội đô, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, áp lực giao thông

Nằm gần như chính giữa trung tâm TP Hà Nội và sân bay Nội Bài, tương lai tuyến đường sắt đô thị số 2, từ Nam Thăng Long tới Trần Hưng Đạo được hoàn thành, sẽ đưa khu đô thị này thành một trung tâm mới của Hà Nội. Dự án được lập dựa trên quy hoạch đô thị thông minh dọc trục Nhật Tân - Nội Bài, chiều dài khoảng hơn 11km, từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài. Toàn bộ dự án sẽ được triển khai theo 5 giai đoạn, giai đoạn cuối dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

Kiến trúc của thành phố được quy hoạch theo hướng thân thiện với thiên nhiên, sử dụng công nghệ cao vào các lĩnh vực năng lượng, giáo dục, sức khỏe, nước sạch… Điểm nhấn kiến trúc của thành phố này là tòa tháp tài chính dự kiến cao 108 tầng, nằm ngay điểm đầu vào cửa ngõ Thủ đô nhìn về cầu Nhật Tân.

Điểm nổi bật của dự án là sẽ áp dụng nhiều công nghệ thông minh với 6 yếu tố như: Năng lượng, giao thông, quản trị, học tập, đời sống và kinh tế. Hệ thống quản lý tòa nhà thông minh và công nghệ năng lượng tái tạo cũng sẽ được ưu tiên áp dụng nhằm tối ưu hóa nguồn cung và lưu trữ năng lượng.

Dự án cũng dự kiến triển khai hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường, kết nối khu vực thành phố thông minh với trung tâm Hà Nội bằng hệ thống đường giao thông đô thị và tàu điện. Dự án sẽ lắp đặt hệ thống giám sát và cảnh báo thông minh đa chức năng nhằm giám sát chất lượng không khí, nước, thời tiết, nguy cơ thảm họa cũng như an ninh, đảm bảo an toàn tối đa cho cư dân; ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại vào trong cuộc sống như công nghệ 5G, nhận diện khuôn mặt và công nghệ blockchain, góp phần cải thiện các dịch vụ của TP Hà Nội.

Trước đó, tại buổi tọa đàm “Đô thị thông minh” trong khuôn khổ Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo Hà Nội 2019, theo các chuyên gia, một đô thị thông minh sẽ không thể bỏ qua việc tạo không gian làm việc vừa bảo đảm tiện ích, gọn nhẹ vừa tăng hiệu quả công việc cho người lao động. Không gian làm việc phải bảo đảm việc cung cấp các dịch vụ tiện ích, thân thiện cho người lao động. Người lao động phải cảm thấy thoải mái như ở nhà, nơi họ có thể chia sẻ niềm vui với đồng nghiệp thay vì chỉ lo cho công việc của mình.

Cùng với đó, đô thị thông minh còn là việc giảm áp lực ùn tắc giao thông; áp dụng khoa học công nghệ với các nền tảng số để hỗ trợ cho phát triển đô thị. Việc nhiều người dân Thủ đô sử dụng phương tiện cá nhân nhiều hơn phương tiện công cộng khiến vấn đề ùn tắc giao thông vẫn đang là bài toán khó. Để giải quyết vấn đề này, Hà Nội đã triển khai đề án ưu tiên phương tiện công cộng (xe buýt), hạn chế phương tiện cá nhân hướng tới cấm xe máy vào nội thành năm 2030.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ