Độc đáo nghề nuôi trâu xe

GD&TĐ - Trong điều kiện đất đai, thổ nhưỡng như hiện nay, vùng duyên hải Thừa Thiên - Huế là nơi thích hợp nuôi trâu để khai thác sức kéo. Tuy hiện nay máy móc cơ giới đã được đưa vào khai thác khá nhiều, song xe trâu vẫn còn quan trọng trong việc vận tải vật liệu để xây dựng nhà cửa, lăng mộ...

Cộ trâu là hình ảnh rất quen thuộc ở xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế
Cộ trâu là hình ảnh rất quen thuộc ở xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế

Theo anh Hoàng Xuyên, nguyên Bí thư xã Vinh An (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) nghề xe trâu ở vùng duyên hải Thừa Thiên - Huế có từ những năm 1970. Không chỉ phụ nữ mà cả trẻ em cũng “nhảy” vào nghề phụ xe trâu như chăn trâu, cắt cỏ. Con trâu bấy giờ là “cần câu cơm” của nhiều gia đình nghèo ở vùng duyên hải. Từ khi xe “công nông” bị cấm lưu thông, xe trâu có giá vì nhu cầu vận chuyển ở vùng nông thôn ngày càng nhiều.

Giá trâu lên vùn vụt. Anh Nguyễn Văn Hy ở thôn 6 (xã Vinh Thanh, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) chia sẻ: “Tôi chạy xe trâu đã 18 năm, lúc xe cọc cạch ra đời. Có lần đã định bán nó nhưng người ta trả chỉ vài triệu đồng nên tôi giữ lại. Bây giờ, mua lại 1 con trâu phải mất đến 35 triệu đồng. Trâu lên giá là vậy nhưng hiện nay có nhiều người sắm xe trâu lắm. Riêng tôi, từ khi không còn xe công nông, công việc “lút đầu”. Chỉ chở cát sạn, vật liệu xây dựng... mỗi tháng tôi cũng thu nhập được từ 5 đến 6 triệu đồng”.

Từ xã Phú Hải đến Vinh An (5 xã duyên hải huyện Phú Vang) địa hình 100% là cát. Các phương tiện xe cơ giới thường không vào được ruộng vườn, trang trại, nghĩa địa nên xe trâu là phương tiện vận chuyển duy nhất. Ở đây, trâu 3 tuổi có thể tập kéo, rất ít người nuôi bán thịt. Một đời trâu mẹ có thể đẻ từ 5 đến 6 con nghé.

Anh Đỗ Chí ở thôn 4, cho biết: “Nhà tôi đã có 3 đời nuôi trâu để kéo xe thuê. Khi nó đã già yếu bán lại, mỗi con cũng vài chục triệu đồng”. Trâu kéo cũng tùy theo độ tuổi mà có giá cao hay thấp. Thông thường trâu 3 năm tuổi khoảng 15 triệu đồng/con, 5 đến 7 năm tuổi giá trên 30 triệu đồng. Còn trâu lớn hơn trên 50 triệu đồng/con. Trâu càng lớn sức kéo càng khỏe. Đặc biệt vào hai vụ thu hoạch hè thu và đông xuân, những vùng đất thấp không sử dụng được xe máy kéo, nên chỉ còn cách thu hoạch và thuê xe trâu vận tải về nhà. Vào thời điểm này, 1 con trâu kéo thường mang lại thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày cho chủ.

Trong những năm 1970 - 1980 khó khăn, mua trâu dễ nhưng làm cộ xe lại khó. Muốn tìm mua hai cái bánh xe ô tô cũ mòn vẹt (xe U-oát) cũng mất 2 chỉ vàng/cặp. Thế rồi ngoài vật kéo là trâu, chủ còn phải có sắm cộ xe để chở hàng. Cộ trâu đóng bằng gỗ chò hay kiền kiền, trông như một cái thùng vuông vức cỡ 1,5 - 2 khối. Giữa cộ xe và trâu được nối bằng hai đoạn gỗ có yếm dùng để treo cộ vào cổ của con trâu. Anh Võ Thanh, một lái trâu chuyên nghiệp ở thị trấn Phú Đa cho biết: “Trâu kéo phải tìm mua từ các tỉnh Tây Nguyên vì giống trâu ở các vùng ấy rất khỏe. Đa số chúng đều vạm vỡ, nặng trên 2 tạ và có sức chịu đựng dẻo dai. Do đã quen tự do nuôi thả rừng rú nên khi đưa chúng về phải huấn luyện mới kéo xe được”.

Cách luyện trâu theo anh Thanh cũng đơn giản. Cột chặt đầu trâu vào một cái cây rồi lấy 1 sợi thép lớn xỏ qua mũi nó, quấn lại thành 1 cái vòng. Khi vết thương lành rồi thì cột vào đó 1 sợi dây làm chiếc dây cương để điều khiển con trâu. Đi kèm một cộ xe trâu phải có hai lao động. Một người điều khiển xe, một người bốc vác vật liệu lên xuống. Một bao cỏ non khoảng 1 tạ chở sang vùng biển bán được 10 ngàn đồng. Con trâu khỏe ăn mỗi ngày hết 2 - 3 bao. Anh Thanh cho biết thêm, những năm gần đây, máy gặt, đập liên hợp trở thành phương tiện thu hoạch phổ biến nhưng trâu vẫn không “thất nghiệp”. Nhiều vùng đất trũng, lún, đất cát trắng chỉ có xe trâu mới vào được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ