Nghề đan lưới “di động”?
Hiện nay một số xã vùng biển bãi ngang (có bờ biển khá sâu, tàu thuyền đánh cá cỡ nhỏ có thể cập bến) ở Thừa Thiên - Huế đang có nhu cầu cần đan lưới khi tàu thuyền nằm bờ. Do thường xuyên sử dụng nên ngư cụ chính là lưới thường xuyên bị rách ít nhiều, tuy nhiên nhân công tại chỗ ngày càng thiếu.
Nguyên nhân là do đời sống ngư dân từ các xã, huyện Quảng Ngạn, Quảng Công, Điền Môn đến Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải, Vinh An, Vinh Hiền (đa số có thân nhân ở nước ngoài) ngày càng khá giả, muốn đầu tư cho con cháu học hành nên đã mua nhà cửa trên thành phố. Vì vậy, thế hệ 9X trở lại đây không còn ai học nghề đan lưới. Có cầu tất có cung, những người phụ nữ “tứ xứ” đã kéo về đây, ngày qua ngày bươn chải mưu sinh bằng nghề đan lưới thuê. Người dân địa phương gọi họ là người đan lưới “di động”...
Một phụ nữ đang đan lưới trên boong tàu đánh cá ngừ đại dương
Không lo thiếu việc
Ông Nguyễn Quang Tuyến, Chủ tịch Mặt trận xã Phú Thuận cho biết: “Toàn xã có 32 tàu đánh bắt xa bờ, hàng trăm ghe ghọ đánh bắt gần bờ nên nhu cầu sửa sang ngư lưới cụ rất lớn. Theo nhận xét của ngư dân, thợ vá lưới giỏi đa số ở các tỉnh có nghề ngư phát triển như Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... Họ đều là phụ nữ, đi từng tốp về các vùng biển, thuê trọ hay ở hẳn trong nhà chủ thuyền thuê đan lưới.
Hết mùa vụ (từ tháng 3 đến tháng 9), họ trở về quê”. Ông Ngô Đức Phát (thôn An Dương), chủ tàu đánh cá ngừ đại dương, nói: “Mỗi tấm lưới mành dài chừng 220-250 sải (khoảng 300-400m), lưới đã có sẵn, những người làm thuê vừa vá chỗ rách, vừa “đính” phao, chì lên trên lưới. Làm nghề vá lưới mành phải cần cù, cẩn thận, mới được chủ tàu tin tưởng”. Ông Phát nói nghề này không lo thất nghiệp. Nếu hết việc ở xã Phú Thuận, các người làm thuê đi thành từng nhóm 5-10 người về các xã xa hơn như Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh... để tìm việc làm.
Mới nhìn thì thấy nghề đan lưới khá nhẹ nhàng nhưng thực tế đòi hỏi người thợ phải ngồi liên tục từ sáng đến chiều tối. Làm lụng nhiều năm cũng mắc bệnh đau dạ dày, sỏi thận do ngồi nhiều. Nguy hiểm nhất là khâu đính cột chì (hàng trăm cục chì nhỏ). Làm bằng máy không đẹp, không chắc, chì vướng lưới rách nên các chủ thuyền đòi hỏi người làm phải đính chì bằng miệng và cắn chỉ. Vào nghề lâu năm răng đều bị hư hết bởi chì lại là một chất độc hại. Hiện tại, nghề đan lưới thuê đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho một bộ phận lao động nữ ở vùng duyên hải, nhưng trái lại, nó tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Số lưới đã sửa chữa xong, sẵn sàng cung cấp cho tàu thuyền đánh cá ra khơi |
Nghề giỏi nuôi người
Một số phụ nữ trẻ tuổi đến đây làm nghề vá lưới đã kết hôn với người địa phương rồi ở lại luôn lập thành mái ấm. Chị Trần Thị Sen (quê Quảng Nam) về làm thuê ở xã Phú Hải kể chuyện đời: “Hồi đó nhóm tôi đi hơn chục người, cứ 4-5 người được một chủ thuyền thuê.
Mình chỉ tốn chi phí từ trong quê ra, còn nếu ở lại trong nhà chủ thuyền thì được bao ngày 3 bữa cơm và chi phí sinh hoạt, mỗi ngày 200.000 đồng/công”. Khi chị chuyển qua làm lưới cho ông Nguyễn Thanh Tùng (cha anh Nguyễn Thanh Dũng, 31 tuổi), quen anh Dũng, thấy thương và cưới nhau.
Những trường hợp nên duyên chồng vợ với dân địa phương như chị Sen, ở các xã vùng ven biển của huyện Phú Vang lên đến hàng trăm.
Tính riêng huyện Phú Vang, nghề biển đã phát triển nhanh sau sự cố môi trường biển năm 2016, tổng sản lượng thủy sản đánh bắt và nuôi trồng 8 tháng đầu năm 2018 đạt gần 24 nghìn tấn, cả năm 2018 sẽ đạt trên 31 nghìn tấn. Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có đến 52 xã bãi ngang thuộc 5 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc; đây chính là thị trường rộng lớn, quanh năm thu hút hàng trăm phụ nữ làm nghề đan lưới tìm đến.