Đại biểu Quốc hội: Kinh tế tăng trưởng nhưng chưa đạt như kỳ vọng

GD&TĐ - Theo đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, phát triển kinh tế đang đạt tăng trưởng 5,64% là chưa đạt như kỳ vọng.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội).
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội).

Theo đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội), so với quốc tế, khu vực thì đây là một con số tăng trưởng cao. Kết quả này chưa được như kỳ vọng và thực trạng kinh tế ở đầu Quý 3 này còn xấu hơn.

Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Đó là điều chúng ta cần phải tính toán cẩn trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế”.

Đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, hiện nay, nếu chỉ căn cứ vào con số tăng trưởng 6 tháng đầu năm sẽ thấy có một sự phân hoá rất lớn trong các khu vực phát triển của nền kinh tế. Khu vực kinh tế đối ngoại, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, tăng hơn 30% so với năm ngoái.

Chưa kể đến, khu vực kinh tế trong nước lại rơi vào trầm lắng. Sức mua yếu. Đây chính là vấn đề. Tổng sức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm nay gần như dậm chân tại chỗ. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ kém xa, chưa bằng 1/2 so với khu vực công nghiệp, xây dựng. Đây là một tín hiệu đáng lo ngại.

“Chúng ta vẫn kỳ vọng vào sự tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Những điều này chúng ta thấy rằng đều có sự ảnh hưởng của dịch COVID-19. Những biện pháp giãn cách xã hội đang được tăng cường trong các khu vực doanh nghiệp của chúng ta, rất khó khăn, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ”- ông Vũ Tiến Lộc nói.

Cũng theo ông Lộc, các khu vực dịch vụ, ngoài dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thì các lĩnh vực dịch vụ khác thực sự đang là những tử huyệt của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, vận tải… cũng đang chết dần, chết mòn.

Có nhiều khả năng, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này không có khả năng vực dậy sau đại dịch nếu chúng ta không có biện pháp hỗ trợ thiết thực và mạnh mẽ cho các khu vực này.

“Trong bối cảnh đó, tôi hoàn toàn tán thành với những định hướng lớn về những giải pháp mà Chính phủ đang thực hiện. Trước hết là phải đẩy mạnh tiêm chủng vaccine, đặc biệt là các khu vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế để vừa bảo vệ được sinh mạng nhân dân, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, tránh đứt gãy các nguồn cung, đấy là giải pháp rất quan trọng” – đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, cần chuẩn bị lộ trình và điều kiện để mở cửa lại nền kinh tế, tương ứng với tỉ lệ tiêm chủng vaccine của người dân và đây là một giải pháp căn cơ. Đồng thời, giải pháp về quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư trong năm nay và cắt giảm thu hồi các dự án của các Bộ, các địa phương làm chưa tốt, để bổ sung cho các cơ quan trung ương và địa phương có tốc độ giải ngân tốt.

“Trong bối cảnh chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa cho việc chống lạm phát trong tương lai, tôi đánh giá cao NHNN và các ngân hàng thương mại trong việc cố gắng giảm lãi suất” – đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.