Cuối năm Việt Nam sẽ thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19

Vắc-xin phòng Covid-19 “Made in Vietnam” dự kiến được Bộ Y tế cấp phép lưu hành vào cuối năm 2021 với yêu cầu về chất lượng cũng như tính an toàn, hiệu quả và có quy mô sản xuất lớn.

Vắc-xin phòng Covid-19 của Việt Nam dự kiến được thử nghiệm trên người vào cuối năm nay. Ảnh: Thuý Anh
Vắc-xin phòng Covid-19 của Việt Nam dự kiến được thử nghiệm trên người vào cuối năm nay. Ảnh: Thuý Anh

Nga tuyên bố có vắc-xin phòng Covid-19

Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, nước này đã phát triển loại vắc-xin đầu tiên cung cấp “khả năng miễn dịch vững vàng” đối với Covid-19. Cũng theo nhà lãnh đạo này, con gái của ông đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và cảm thấy khỏe mạnh.

Hãng tin Reuters cho biết, việc phê chuẩn vắc-xin phòng Covid-19 của Nga diễn ra chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi được thử nghiệm trên người. Tuy nhiên, Tổng thống Putin khẳng định, vắc-xin của Nga đã trải qua các thử nghiệm cần thiết.

Trước đó, Bộ Y tế Nga cho biết, việc tiêm chủng hàng loạt có thể bắt đầu vào tháng 10. Theo Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko, những người thuộc nhóm nguy cơ như nhân viên y tế có thể được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trong tháng này. 

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, tất cả tình nguyện viên tham gia đợt thử nghiệm cuối cùng đều có khả năng miễn dịch. Các thử nghiệm lâm sàng của vắc-xin bắt đầu ngày 18/6 trên 38 tình nguyện viên. Tất cả người tham gia đều phát triển khả năng miễn dịch. Nhóm đầu tiên xuất viện ngày 15/7 và nhóm thứ hai vào ngày 20/7. Mới đây, Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga Kirill Dmitriev thông báo, nước này đã nhận được đề nghị cung cấp 1 tỷ liều vắc-xin phòng Covid-19 từ hơn 20 quốc gia.

Trong cuộc họp báo của Liên Hợp Quốc, người phát ngôn WHO - Tarik Jasarevic, khẳng định: “Đại dịch đang đe dọa mạng sống và các nền kinh tế”. Ông Jasarevic cho biết, WHO luôn liên lạc chặt chẽ với các quan chức y tế của Nga. WHO sẽ tiến hành thảo luận về việc liệu vắc-xin phòng Covid-19 của Nga có đáp ứng tiêu chuẩn trước khi được tung ra thị trường hay không.

Vắc-xin “made in Vietnam” 

TS Dương Hữu Thái - Viện trưởng Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế, cho biết, cuối tháng 7, đơn vị này đã sản xuất thành công 3 lô vắc-xin trên dây chuyền hiện có. Kết quả thử nghiệm ban đầu đạt chất lượng. Dự kiến, cuối tháng 8 hoặc trong tháng 9, 3 lô vắn-xin cho thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 (tiêm trên người) sẽ được sản xuất. Cũng theo kế hoạch, tháng 10 - 12 năm nay, vắc-xin phòng Covid-19 “made in Vietnam” sẽ được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên người. Sau đó, dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ có vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên do Việt Nam sản xuất được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. 

TS Đỗ Tuấn Đạt - Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Bộ Y tế, cho hay: “Hiện nay, vắc-xin đang trong giai đoạn được tối ưu hóa quá trình sản xuất ở quy mô lớn. Đặc biệt là đáp ứng các yêu cầu trong sản xuất vắc-xin về GMP. Quy trình này vô cùng quan trọng để có được các nguyên liệu sử dụng cho đánh giá trên động vật cũng như trên người sau này”.

Theo TS Đạt, thời gian tối ưu hóa này tuỳ thuộc vào mức độ công nghệ áp dụng hoặc kết quả đạt được. Thời gian dự kiến hoàn thành giai đoạn này là 6 tháng. Nếu thành công, đầu năm 2021, vắc-xin sẽ được thử nghiệm lâm sàng trên người.

“Không chỉ Việt Nam, mà nhiều quốc gia trên thế giới đều gặp khó khăn trong sản xuất vắc-xin phòng Covid-19. Chúng tôi phải sản xuất vắc-xin trong thời gian nhanh nhất mà bảo đảm các yêu cầu về chất lượng cũng như tính an toàn, hiệu quả. Đây là vắc-xin đại dịch, không đơn thuần như các loại vắc-xin khác, khiến nhà nghiên cứu áp lực trong việc sản xuất với quy mô lớn”, TS Đạt cho biết. 

VABIOTECH sử dụng công nghệ vector virus trong việc sản xuất vắc-xin, thay vì các công nghệ vắc-xin bất hoạt hay sống giảm độc lực như truyền thống. Đây là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh và phù hợp với các vắc-xin đại dịch.

Cần thời gian

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, để sản xuất ra vắc-xin cho cộng đồng, cần có thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, cấp phép. Cụ thể là nghiên cứu tính miễn dịch, quy trình công nghệ chế tạo, tính an toàn. Sau đó, cần thử trên động vật, trên người tình nguyện và xin cấp phép sản xuất. Vắc-xin chỉ có thể được cấp phép bán ra thị trường khi bảo đảm độ an toàn tuyệt đối. Do đó, những quy trình này có thể mất tới hàng năm.

Chia sẻ về vắc-xin phòng Covid-19 mới do Nga sản xuất, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) nhận định: “Thử nghiệm, sản xuất vắc-xin dành cho người không đơn giản như vậy”. 

Bác sĩ Khanh cho biết, việc đăng ký vắc-xin tuỳ thuộc vào chuẩn của mỗi quốc gia. Hướng dẫn chung là phải có thử nghiệm nhóm lớn (vài nghìn ca trở lên). Đây là nguyên nhân khiến việc nghiên cứu vắc-xin cần có thời gian.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.