Cuộc chạy đua của các hãng hàng không Việt: Người dân chờ hưởng lợi

GD&TĐ - Ngành hàng không Việt Nam đang tăng trưởng mạnh với cuộc “chạy đua” của các hãng nội địa. Việc sẵn sàng tham gia “sân chơi” của một số hãng hàng không tư nhân sẽ giúp người dân có nhiều cơ hội hưởng lợi.

Ngành hàng không phát triển sẽ giúp người dân hưởng lợi trong việc chọn phương thức di chuyển
Ngành hàng không phát triển sẽ giúp người dân hưởng lợi trong việc chọn phương thức di chuyển

Phát triển vượt bậc

Cách đây không lâu, việc được di chuyển bằng đường hàng không là giấc mơ với đại đa số người dân Việt Nam. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, giấc mơ đó đã thành hiện thực với sự góp mặt của các hãng hàng không giá rẻ như VietJet, Jetstar. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cũng dự báo Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Năm 2018, cuộc đua của ngành hàng không càng thêm “nóng” khi đón thêm hãng Bamboo Airways tham gia “cuộc chơi”.

Hãng này tham gia vào lĩnh vực hàng không một cách khá nhanh chóng khi mới chỉ tháng 3/2018, FLC và Airbus ký kết mua 24 máy bay A321 Neo thì tháng 4/2018 đã có đợt tuyển dụng quy mô đầu tiên với gần 600 vị trí ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Sau nhiều nỗ lực, đến tháng 11/2018, Thủ tướng Chính phủ chính thức đồng ý với đề nghị của Bộ GTVT về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH Hàng không Tre Việt - đơn vị sở hữu hãng hàng không Bamboo Airways, thành viên của Tập đoàn FLC.

Ngoài Bamboo Airways, tháng 7 vừa qua, hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam là liên doanh giữa tư nhân và quân đội (Vietstar Airlines) vừa được Cục Hàng không Việt Nam cấp chứng nhận khai thác máy bay (Aircraft Operator Certificate - AOC). Vietstar Airlines được thành lập từ lâu nhưng việc Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải đã làm việc cấp phép bay cho hãng này bị trì hoãn.

Như vậy hiện nay, tại thị trường nội địa sẽ có các hãng hàng không: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco, Bamboo Airways và Vietstar Airlines. Ngoài việc hãng Vietstar Airlines vừa được cấp phép, thị trường hàng không vẫn còn 3 đơn vị xếp hàng chờ bay như Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), Công ty CP Hàng không Thiên Minh và Công ty CP hàng không Vinpearl Air.

Cạnh tranh khốc liệt về nhân sự

Việc xuất hiện nhiều hãng hàng không khiến nhu cầu nhân lực “nóng” hơn bao giờ hết. Theo báo cáo của Vietnam Airlines gửi Cục Hàng không Việt Nam năm 2018, số lượng phi công đến 2018 của hãng là 1.100 người, dự báo sang 2019 là 1.293. Như vậy, trong một năm đơn vị này cần thêm 193 phi công.

Dự báo đến năm 2020, nhu cầu phi công của hãng này lên tới 1.340, tăng 240 phi công và đến 2025 sẽ cần đến 1.570 người. Đây là con số khá lớn trong bối cảnh thị trường trong nước và thế giới ngày càng khan hiếm phi công đủ tiêu chuẩn. Trong khi đó, quy trình đào tạo phi công lại tốn rất nhiều thời gian. Bình quân mất 3 - 4 năm đào tạo một phi công lái chính loại máy bay thông dụng như Airbus A320, A321 và 7 - 8 năm cho Airbus A350, Boeing 787...

Do nhân lực khan hiếm nên “thị trường chuyển nhượng” của ngành hàng không Việt trong năm qua chứng kiến nhiều “thương vụ bom tấn”. Gần đây nhất là cựu Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Phan Xuân Đức đã tham gia dự án Vinpearl Air với vai trò Tổng Giám đốc.

Cùng với đó, ngày 9/7 vừa qua, Vingroup và Tập đoàn CAE (Canada) đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới.Vingroup cũng ký kết thỏa thuận hợp tác với CAE Oxford Aviation Academy để thành lập Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không và Trung tâm Huấn luyện bay Vinpearl Air tại Việt Nam.

Sức “nóng” tiếp tục xuất hiện ngay cả trong lĩnh vực đào tạo khi mới ngày 25/8 vừa qua, Trường Đại học FLC tại tỉnh Quảng Ninh cũng chính thức được khởi công và hàng không là một trong 3 chuyên ngành đào tạo chính của trường này. Trước đó, ngày 28/7, Bamboo Airways đã tổ chức Lễ khởi công Viện Đào tạo Hàng không Bamboo Airways tại Quy Nhơn.

Hiện tại, mạng đường bay của các hãng hàng không trong nước mở rộng nhanh chóng với sự tham gia của 5 hãng hàng không. Cùng với 71 hãng hàng không nước ngoài, các hãng trong nước đang khai thác 140 đường bay, kết nối Việt Nam tới 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Việt Nam nhận xét, từ khi các hãng hàng không tư nhân khai thác, hàng không Việt Nam không còn thế độc quyền trong kinh doanh. Từ phương tiện chỉ dành cho giới thu nhập cao, nay trở thành công cụ đi lại rộng cửa hơn với mọi người dân.

Còn ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội thì cho rằng, sự ra đời của một số hãng hàng không tư nhân đã tạo ra sự bình đẳng, người dân được hưởng lợi nhiều hơn, cơ hội đi máy bay nhiều hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh đội nắng ra về sau buổi thi đánh giá năng lực ở Đại học Quốc gia TP HCM ngày 7/4. Ảnh minh họa: VNUHCM

'Hạ nhiệt' cho sĩ tử

GD&TĐ - Nắng nóng kéo dài những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của học sinh các địa phương.
Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.