Chưa thể giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội

Các ý kiến từ chính quyền sở tại đến chuyên gia đều cho rằng, việc thiếu nhất quán, đồng bộ trong quy hoạch và quản lý đô thị đang khiến cho bộ mặt Hà Nội ở những dự án "siêu đường" trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan.

Chưa thể giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội

"Chưa thể giải quyết được nhà siêu mỏng, siêu méo”

Liên quan đến vấn đề “nhà siêu mỏng, siêu méo” xuất hiện nhiều trên đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân – Xuân La – Bưởi, ông Chử Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy – Hà Nội) khẳng định những trường hợp nhà không đạt chuẩn ở phường này đều là những công trình còn lại sau giải phóng mặt bằng (GPMB).

Hiện tại, qua rà soát trên địa bàn phường còn 26 trường hợp không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, trong đó 19 trường hợp đã được giải quyết bằng việc hợp thửa, hợp khối với các phần đất nhà liền kề và cấp GPXD, còn lại 7 trường hợp đang được UBND phường tiến hành vận động, hướng dẫn các gia đình hợp thửa.

“Thực tế, các gia đình này chỉ tiến hành cải tạo chỉnh trang lại phần sau phá dỡ chứ không thay đổi đến hiện trạng công trình. Hiện nay phường Nghĩa Đô có 3 trường hợp không đủ điều kiện hợp khối thì chúng tôi đang đề xuất thu hồi theo quy định. Những trường hợp không đạt chuẩn, chúng tôi kiên quyết không cho xây dựng mới”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng cho hay, tuyến đường đường vành đai 2 chạy song song với đường Bưởi đi qua địa phận phường Nghĩa Đô và Nhật Tân. Nhiều gia đình sau khi GPMB, diện tích nhà để ở chỉ còn lại vài mét. Phương án hợp thửa, hợp khối được xem là phương án tối ưu để “triệt” nhà siêu mỏng, siêu méo.

Tuy nhiên, ông Hùng cho biết việc này không dễ có được sự đồng thuận. Bởi chủ những căn nhà mặt tiền “siêu mỏng” thường đưa ra giá rất cao trong khi những chủ căn nhà phía sau hoặc không đồng ý hoặc không đủ điều kiện để mua lại.

“Hiện nay hầu hết các ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo đều nằm ở vị trí mặt phố có vị trí kinh doanh đẹp, mang về siêu lợi nhuận cho gia chủ nên rất nhiều gia đình tận dụng để mở cửa hàng hoặc cho thuê. Vì thế, nhiều hộ dân quyết bảo vệ lợi ích của họ, việc thu hồi những mảnh đất không đạt chuẩn này không phải là đơn giản”, ông Hùng nói.

Trong khi đó, đại diện lãnh đạo UBND Phường Xuân La (Tây Hồ - Hà Nội) cho hay, qua kiểm tra và rà soát ven tuyến đường vành đai 2 trên địa bàn phường có 18 trường hợp sử dụng đất còn lại sau GPMB không đủ điều kiện về mặt xây dựng.

Trong đó, có 8 trường hợp đang tiến hành các thủ tục để hợp khối với các hộ còn lại, 10 trường hợp còn lại chỉ có 2 trường hợp có nhà còn lại là đất trống.

Lãnh đạo phường Xuân La cũng cho rằng, để giải bài toán nhà “siêu mỏng, siêu méo” ở hai bên tuyến đường không phải là đơn giản.

Hiện nay việc GPMB đang được thực hiện theo quyết định số 16/2015/QĐ-UBND ngày 17-7-2015 của UBND thành phố. Theo đó, những diện tích đất dưới 15m2 sau GPMB, nếu có sổ đỏ thì người dân được quyền chuyển nhượng, giao dịch dân sự.

Trong trường hợp việc chuyển nhượng bất thành, Nhà nước sẽ thu hồi và đền bù theo chính sách GPMB. Tuy nhiên vị lãnh đạo này cho biết, cách làm này cũng bộc lộ khá nhiều khó khăn bởi việc thu hồi đòi hỏi kinh phí rất lớn để GPMB và bố trí quỹ đất tái định cư.

Thêm vào đó, việc thỏa thuận hợp thửa, hợp khối với công trình liền kề rất phức tạp, bởi giá trị đất mặt phố rất cao, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của người dân, nên họ sẽ bảo vệ đến cùng.

“Giải bài toán đô thị không chỉ đơn thuần là GPMB các tuyến đường, tuyến phố mới mà còn là việc hài hòa lợi ích người dân với xã hội, ổn định cuộc sống lâu dài của các hộ dân nằm trong chỉ giới GPMB. Thành phố và các ban nghành liên quan đã họp bàn rất nhiều về vấn đề nay nhưng vẫn chưa thể đưa ra một phương án cụ thể”, vị lãnh đạo này thông tin.

Nếu chúng ta không quyết liệt và có những giải pháp đồng bộ thì bộ mặt Hà Nội sẽ trở lên nhếch nhác, phản cảm bởi những căn nhà siêu mỏng, siêu méo

Chúng ta đang quy hoạch đô thị theo kiểu “chắp vá, đầu voi đuôi chuột”

Trao đổi với PV Dân trí, nguyên Thứ Trưởng Bộ Xây Dựng – TS. Phạm Sỹ Liêm cho rằng, hiện tượng nhà “siêu mỏng, siêu méo” xuất hiện sau khi làm đường ở Hà Nội không phải là câu chuyện mới.

Trước đường Vành đai 2, Hà Nội cũng từng ghi nhận hàng loạt các con đường như: Hoàng Cầu – Ô Chợ Dừa, đường Xã Đàn, Trần Phú, Cầu giấy… cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ts Phạm Sỹ Liêm cho rằng, nguyên nhân là do Hà Nội chưa có phương án cụ thể, đồng bộ để tổ chức xây dựng các mặt phố theo quy hoạch.

“Đáng lẽ, sau khi làm đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa cách đây vài năm, chúng ta đã có bài học về vấn nạn nhà siêu mỏng, siêu méo thì phải rút kinh nghiệm. Nếu ngay từ đầu, chúng ta chú ý quy hoạch hai bên đường thì không thể có chuyện xuất hiện nhà siêu mỏng, siêu méo gây nhếch nhác, mất mỹ quan như vậy được”.

Ông Liêm cũng phân tích, trên thế giới trước khi làm đường người ta phải điều chỉnh đất hai bên đường đồng thời thực hiện một cách tổng thể giữa việc xây dựng đường và quy hoạch đường. “Khi thu hồi đất để mở đường, họ đã thu rộng hơn dự án sang hai bên 50-100m, rồi tổ chức đấu giá để thu hồi vốn.

Điều này giúp thành phố tiết kiệm một khoản chi phí thu hồi đất khá lớn cho tương lai và không tiếp tục xáo trộn trong cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, ở Việt Nam chúng ta lại tách ra chuyện làm đường riêng, phát triển đô thị hai bên đường riêng, điều này là không đúng, rõ ràng là thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán”, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.

PGS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng cũng cho rằng, câu chuyện nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội thể hiện sự yếu kém, trì trệ và vô trách nhiệm trong công tác lập quy hoạch và quản lý đô thị hiện nay.

"Vấn đề chỉnh trang đô thị và tạo cơ sở hạ tầng, cảnh quan đô thị đáng lẽ phải ăn khớp, đồng bộ với nhau. Nhưng bản chất của chúng ta là chắp vá, đầu voi đuôi chuột, mạnh ai nấy làm.

Vì thế, hiện này rất nhiều dự án khu đô thị mới hoành tráng, các con đường nghìn tỷ được mở nhưng bao giờ cũng thiếu hạ tầng đồng bộ, khiến kiến trúc hai bên đường nham nhở, lộn xộn với đủ loại nhà kỵ dị. Việc này đã khiến bộ mặt Hà Nội trông như… phố huyện!", ông Hùng cho biết.

Theo ông Hùng, để triệt được nhà “siêu mỏng”, “siêu méo” như hiện nay cần phải có những giải pháp đồng bộ từ việc thực hiện đến đảm bảo quyền lợi của người dân.

“Phát triển đô thị là một việc liên nghành, chứ không thể thực hiện theo kiểu mạnh ai nấy làm. Ở những đô thị, huyện lỵ trong quy hoạch sắp tới, chúng ta cần làm hạ tầng trước rồi mới đưa dân vào, có thế mới có thể ngăn được sự phát triển của những căn nhà “siêu mỏng”, “siêu méo”, ông Hùng khẳng định.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.