Chiến lược phát triển các vùng du lịch: Tìm góc nhìn riêng

GD&TĐ - Mới đây, tại Hội thảo “Tầm nhìn chiến lược trong phát triển các vùng du lịch” diễn ra ở TP Nha Trang (Khánh Hòa), các diễn giả tham dự đã tập trung phân tích, chia sẻ những kinh nghiệm, đóng góp ý kiến để ngành du lịch phát triển phù hợp với chiến lược đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ.

Một điểm du lịch biển tại Ninh Thuận đang được khai thác tiềm năng
Một điểm du lịch biển tại Ninh Thuận đang được khai thác tiềm năng

Xây dựng chiến lược mới

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Năm 2018, ngành du lịch Việt Nam đón 15,6 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, hiện cả nước có 28 nghìn cơ sở lưu trú du lịch với hơn 550 nghìn buồng, trong đó có 145 khách sạn 5 sao và 267 khách sạn 4 sao chiếm gần 90 nghìn buồng lưu trú.

Ông Hưng cho biết thêm, chỉ còn hơn một năm nữa là tới năm 2020, tới mục tiêu mà Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đặt ra là du lịch đóng góp trên 10% GDP và tới năm 2030 tăng trưởng gấp đôi năm 2020. Do vậy, khi xây dựng chiến lược mới cần phải quán triệt tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, coi phát triển du lịch là trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành phát huy vai trò mạnh mẽ của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, chiến lược mới cần hướng tới chất lượng, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch, phải tạo dựng được lợi thế cạnh tranh với những giá trị khác biệt, tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển bền vững, ứng phó được với biến đổi khí hậu, và gắn với chiến lược kinh tế biển, du lịch Việt Nam tiến ra biển khai thác phát huy cả 3 tầng mặt nước, bầu trời và đáy biển.

Hệ sinh thái của điểm đến

Với chiến lược phát triển hệ sinh thái du lịch bằng sản phẩm, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Tập đoàn Crystal Bay nhìn nhận, một điểm đến du lịch danh tiếng không chỉ dựa vào thế mạnh thiên nhiên ban tặng để xây đắp chiến lược cạnh tranh lâu dài mà cần quan tâm đến phát triển hệ sinh thái du lịch bằng sản phẩm mang tính bền vững.

Ông Nguyễn Đức Chi cho hay, hệ sinh thái du lịch cần được bắt đầu từ sự lựa chọn một ý tưởng trung tâm để phát triển định vị thương hiệu. Nó phải là một ý tưởng mới lạ, khác biệt, hoặc ít nhất là có thể tổ chức theo cách khác một ý tưởng đã có ở đâu đó trên thế giới.

Đơn cử như, ý tưởng tổ chức đua xe Công thức I trên đường phố là không mới nhưng tổ chức vào ban đêm và đặc sản của Singapore, cộng thêm hệ thống các hoạt động hỗ trợ như các sân khấu ca nhạc với các ngôi sao thượng hạng hay là hệ thống dịch vụ thương mại trải dài hàng chục cây số quanh trường đua. Nhờ vậy, du khách quay lại Singapore nhiều lần vì đam mê sự kiện đua xe Công thức I hoặc để chiêm ngưỡng những dự án, những công trình, sự kiện hoạt động xung quanh nó.

Khi có một hệ sinh thái đặc trưng, việc xây dựng thương hiệu cho điểm đến trở nên dễ dàng hơn, cụ thể hơn, truyền thông cho thương hiệu sẽ hiệu quả hơn. Và quan trọng nhất là chúng ta sẽ có một chiến lược phát triển điểm đến theo một quy hoạch nhất định, chủ động đầu tư vào các dự án làm giàu thêm hệ sinh thái.

Một kỳ nghỉ hai vùng di sản

Để tạo nên trải nghiệm khác biệt cho du khách, cụ thể, Tập đoàn Crystal Bay đang xây dựng một sản phẩm du lịch đặc biệt với tên “Một kỳ nghỉ - hai vùng di sản”, ông Chi chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, tỉnh Khánh Hòa cần tìm ra một ý tưởng trung tâm riêng, một định vị riêng cho chiến lược phát triển du lịch. Đặc biệt, TP Nha Trang phải là trung tâm lễ hội bờ biển, những lễ hội định kỳ, được tổ chức chuyên nghiệp và bài bản, và phải nâng cấp dần để trở thành những sự kiện quốc tế. Như thế, Khánh Hòa không chỉ thu hút khách du lịch bằng bãi biển cát trắng, nắng vàng nữa mà trở thành một tiện ích, một thế mạnh để kéo du khách trong nước và quốc tế.

Từ đó, hệ sinh thái sẽ được xây dựng xung quanh ý tưởng trung tâm này. Để phục vụ nó, rõ ràng chúng ta phải có quảng trường đẹp, nằm bên những sân khấu ngoài trời rực rỡ cùng các dịch vụ tiện ích cho tổ chức sự kiện và hậu cần, những phương tiện giải trí, tham quan, vui chơi phù hợp không khí lễ hội biển…

Theo người đứng đầu Crystal Bay, bản chất của khái niệm sản phẩm này là kết nối hai vùng di sản thiên nhiên của vùng Đông Bắc với khu vực miền Trung, kết nối vịnh Hạ Long với khu thánh địa Mỹ Sơn và cả vùng văn hóa Chăm của Nha Trang, Ninh Thuận. Khái niệm này có thể mở rộng thành sự liên kết của các điểm đến trong toàn quốc, khi mà mỗi điểm đến có một hệ sinh thái khác biệt sẽ cung cấp cho du khách những trải nghiệm khác nhau, làm phong phú, lôi cuốn thêm cho hành trình của du khách.

Một điểm đến với một hệ sinh thái riêng, có chiến lược phát triển bền vững, bản thân nó đã là một sức hút mạnh mẽ cho du khách đến, ở lại dài hơn và quay trở lại trong tương lai, nhưng hai hoặc ba điểm đến liên kết với nhau như sản phẩm “Một kỳ nghỉ - hai vùng di sản” sẽ là một sản phẩm du lịch hết sức đặc biệt đối với du khách quốc tế.

Ngoài ra, hành trình “Một kỳ nghỉ - hai vùng di sản” hoàn toàn khác với các tour du lịch tuyến như kiểu “con đường di sản miền Trung”. Các tour tuyến đó là hành trình tham quan các di sản thiên nhiên và văn hóa trong một hành trình nhất định. Còn sản phẩm của Crystal Bay là thiết kế sẽ có thêm nhiều trải nghiệm khác nhau trong một khoảng thời gian du lịch nhất định, trong đó tour tuyến là một trong các sản phẩm được cung ứng, ông Chi cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ